Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 10:31 (GMT +7)
Cần đẩy nhanh xây dựng trường chuẩn quốc gia
Thứ 4, 11/12/2013 | 08:53:28 [GMT +7] A A
Mục tiêu 70% trường đạt chuẩn quốc gia (CQG) vào năm 2015 theo Nghị quyết Đại hội XIII Đảng bộ tỉnh, đến thời điểm này mới có 364 trường đạt CQG (chiếm 57,1%) trong đó: Cấp mầm non có 111/208 trường; tiểu học 137/183 trường; THCS 91/190 trường; THPT 25/57 trường.
Một buổi học của học sinh Trường THCS thị trấn Ba Chẽ - trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia năm 2012. |
Xây dựng trường đạt CQG là nền tảng quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; góp phần đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đất nước. Nhận thức rõ điều đó, từ năm 2006, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 3488/2006 về việc phê duyệt đề án kiên cố hoá trường, lớp học và xây dựng trường CQG tỉnh, giai đoạn 2006-2010 và định hướng đến năm 2015. Đến nay, UBND tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển sự nghiệp giáo dục, xây dựng trường CQG, như: Quyết định 182/2008 về việc phê chuẩn điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển giáo dục và đào tạo của tỉnh đến năm 2010 định hướng đến năm 2020; Quyết định số 839 về phê duyệt kế hoạch thực hiện đề án kiên cố hoá trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên…
Các cấp uỷ Đảng, chính quyền các địa phương đã lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chương trình xây dựng trường CQG gắn với thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giáo dục; đưa chỉ tiêu xây dựng trường CQG vào nghị quyết của cấp uỷ, HĐND các cấp; phân công trách nhiệm cho các cơ quan, địa phương liên quan, trên cơ sở thực tế lập kế hoạch, xác định thời gian, biện pháp và nguồn lực thực hiện; công tác báo cáo, thanh tra, kiểm tra ở các cấp được duy trì thường xuyên…
Sở GD-ĐT đã chủ động tham mưu cho tỉnh chỉ đạo triển khai và chủ trì phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan lồng ghép thực hiện chương trình xây dựng trường CQG và các chương trình, đề án giáo dục trên địa bàn đạt hiệu quả, nhất là xây dựng cơ sở vật chất giáo dục thuộc đề án giáo dục mầm non, đề án kiên cố hoá trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên, chương trình xây dựng NTM. Sở còn quan tâm tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra định kỳ, kiểm tra công nhận lại trường CQG; thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, luân chuyển đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, mua sắm thiết bị dạy học… đã đảm bảo tốt điều kiện hoạt động của các trường CQG.
Tổ chức bộ máy quản lý của các trường đạt CQG trên địa bàn tỉnh được hoàn thiện, đảm bảo theo quy định. Hầu hết các trường có các tổ chuyên môn, văn phòng, tổ chức đoàn thể; hoạt động của hội đồng và các tổ chức khác trong nhà trường khá nề nếp, hiệu quả, nhất là việc xây dựng các chuyên đề chuyên môn nhằm nâng cao hiệu quả dạy và học. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cơ bản đảm bảo số lượng, cơ cấu, chất lượng, trình độ chuyên môn (tỷ lệ chuẩn và trên chuẩn đạt cao). Hầu hết giáo viên tâm huyết với nghề, nỗ lực vươn lên tự học tập nâng cao trình độ về chuyên môn, đổi mới phương pháp giảng dạy. Nhiều giáo viên tại các vùng miền núi, dân tộc thiểu số đã vượt qua khó khăn, bám trường, bám lớp, bám thôn bản vận động học sinh tới trường.
Đến nay, cơ bản các trường đảm bảo tốt các hoạt động giáo dục; tổ chức thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động, phong trào thi đua học tốt, dạy tốt, xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực, cùng các hoạt động ngoại khoá, rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh. Chất lượng giáo dục được chú trọng, nhiều trường áp dụng CNTT vào giảng dạy, mở rộng học 2 buổi/ngày, học bán trú. Đa số các trường có cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học đảm bảo theo quy định; một số trường được đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại như máy tính xách tay, máy chiếu, thiết bị dạy học thông minh, từng bước đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học. Các trường còn phối hợp với các cơ quan quản lý giáo dục, cấp uỷ, chính quyền địa phương và ban đại diện cha, mẹ học sinh cùng chăm lo phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục.
Tuy nhiên, hiện việc triển khai các điểm trường, các trường được công nhận đạt CQG trong chương trình kiên cố hoá trường lớp học và xây dựng trường CQG vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc. Tỷ lệ trường đạt CQG còn thấp so với mục tiêu đề ra; cơ sở vật chất của một số trường CQG còn hạn chế; một số trường còn chưa đủ đội ngũ giáo viên theo quy định, chất lượng giáo dục chưa tương xứng với sự đầu tư của tỉnh; công tác chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, tổng kết đánh giá việc xây dựng trường CQG ở một số địa phương còn hạn chế, nhất là việc bố trí các nguồn lực duy trì, bổ sung cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học…
Để hoàn thành mục tiêu 70% trường chuẩn vào năm 2015, bên cạnh tiếp tục báo cáo đề xuất với Chính phủ và các bộ, ngành liên quan quan tâm chỉ đạo và hỗ trợ đầu tư trang thiết bị, thì ngành Giáo dục tỉnh cần duy trì hiệu quả hoạt động của các trường đã được công nhận đạt CQG; tổ chức rà soát đánh giá thực trạng các trường trong lộ trình xây dựng trường CQG và các trường đạt chuẩn, từ đó có kế hoạch, giải pháp bố trí nguồn lực phù hợp, đáp ứng nhu cầu hoạt động của nhà trường. Đồng thời, nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách đặc thù nhằm đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục, nhất là ở các khu vực nông thôn, miền núi, để học sinh tiếp cận được với chính sách phát triển giáo dục và đầu tư của Nhà nước.
Nguyễn Chiến
[links()]
Liên kết website
Ý kiến ()