Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 15/01/2025 12:54 (GMT +7)
Cần điều chỉnh Quy hoạch Khu di sản nhà Trần tại Đông Triều
Chủ nhật, 17/01/2021 | 08:05:36 [GMT +7] A A
Ngày 7/2/2013, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 307/2013/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử nhà Trần tại Đông Triều (gọi tắt là Quy hoạch 307). Gần 8 năm qua, từ việc hiện thực hoá Quy hoạch đã phát sinh những vấn đề cấp thiết rất cần được nghiên cứu điều chỉnh, đáp ứng nhu cầu thực tiễn bảo tồn và phát huy giá trị di sản về lâu dài.
Chùa Quỳnh Lâm là một trong những di tích lớn thuộc quần thể di sản nhà Trần tại Đông Triều, đã được tu bổ, tôn tạo theo Quy hoạch 307. |
Khu di sản nhà Trần là một quần thể hơn chục di tích phân bố trên địa bàn 4 xã An Sinh, Bình Khê, Tràng An và Thủy An của Đông Triều. Sau khi Quy hoạch 307 được phê duyệt, cho đến nay, nhiều dự án tu bổ, tôn tạo các di tích lớn trong quần thể di sản đã hoàn thiện hoặc hoàn thiện giai đoạn 1, như: Thái Lăng, chùa Ngoạ Vân, Thái Miếu, chùa Trung Tiết, chùa Quỳnh Lâm. Một số công trình đã và đang triển khai như chùa Hồ Thiên, am – chùa Ngoạ Vân… Những công trình này đã tạo diện mạo mới, giúp “hồi sinh” một vùng di sản vốn bị ngủ quên lâu nay.
Tuy nhiên, quá trình triển khai Quy hoạch 307 cũng cho thấy những bất cập xuất phát từ cả nguyên nhân chủ quan và khách quan.
Ông Vũ Văn Tuấn, Trưởng Phòng Văn hoá - Thông tin TX Đông Triều, cho biết: Tại một số di tích như: Lăng Tư Phúc, lăng Ngải Sơn, lăng Phụ Sơn, chùa Ngọa Vân, di tích Đá Chồng, Ba Bậc, Hồ Thiên... đồ án Quy hoạch 307 đã bỏ sót hoặc thiếu nhiều công trình, cá biệt có những công trình mang tính hồn cốt của di tích không được đề xuất như di tích chùa nhưng không có Tam Bảo, lăng mà không có nơi thờ tự...
Những hạn chế này khiến cho việc tu bổ, tôn tạo di tích không phản ánh được các giá trị lịch sử, văn hóa của di tích, thậm chí làm sai lệch tính chất và giá trị của di tích.
Qua tìm hiểu được biết, việc lập Quy hoạch 307 được tiến hành trong bối cảnh nguồn tư liệu rất hạn chế, hầu hết di tích trong quần thể chưa được điều tra, khai quật khảo cổ học, vì vậy việc khoanh vùng bảo vệ di tích phần lớn dựa trên hiện trạng thực tế, thiếu cơ sở khoa học.
Khu vực Đá Chồng qua khai quật khảo cổ đã phát lộ một quần thể chùa, tháp lớn được xây dựng dưới thời Lê Trung Hưng. |
Trong những năm gần đây, Đông Triều đã phối hợp với các ngành, đơn vị chức năng tiến hành khai quật và nghiên cứu khảo cổ tại rất nhiều di tích trong quần thể. Qua đó cung cấp các luận cứ tin cậy, xác định và làm rõ vị trí, quy mô và phạm vi phân bố của các di tích.
Ông Tuấn cho hay, kết quả nghiên cứu cho thấy, ranh giới khoanh vùng khu vực bảo vệ vùng I, vùng II trong đồ án Quy hoạch 307 không bao phủ hết phạm vi quan trọng nhất của di tích, trong đó tiêu biểu nhất có thể kể đến như: Lăng Tư Phúc, lăng Ngải Sơn, lăng Phụ Sơn, đền An Sinh, chùa Ngọa Vân, di tích Đá Chồng, Ba Bậc, Hồ Thiên...
Tại những di tích cụ thể, kết quả khai quật, nghiên cứu khảo cổ học cũng đã làm rõ cấu trúc, tính chất của các công trình. Đơn cử như khu vực am - chùa Ngoạ Vân có sự biến đổi rất mạnh qua các đời. Thời Trần, quy mô các công trình rất nhỏ, sang thời Lê Trung hưng, mặt bằng Ngọa Vân mới giống như hiện nay, với hai ngôi tháp được xây dựng. Khi ấy, đây là nơi thờ Tam tổ Trúc Lâm, còn tam bảo thờ Phật được đặt ở chùa Ngọa Vân bây giờ và tịnh am đặt tại vị trí Bàn cờ tiên trên đỉnh núi. Sang đầu thế kỷ XX, khi chùa, tháp ở các điểm khác bị đổ nát thì việc thờ tự được dồn về một chỗ và duy trì đến nay.
Khu vực Đá Chồng qua khai quật khảo cổ đã phát lộ một quần thể chùa, tháp lớn được xây dựng dưới thời Lê Trung hưng. Các di sản lăng mộ vua nhà Trần như lăng Tư Phúc, Phụ Sơn lăng, Ngải Sơn lăng, Hy lăng đều phân bố trên một phạm vi rộng lớn hơn nhiều so với diện tích đã được khoanh vùng bảo vệ…
Việc khai quật khảo cổ góp phần làm sáng tỏ vị trí, quy mô và phạm vi phân bố của di tích. Ảnh: Các nhà nghiên cứu khoa học tham quan mặt bằng khảo cổ tại đền An Sinh, khu di tích nhà Trần tại Đông Triều. |
Từ việc thiếu những thông tin nền tảng quan trọng về di tích gốc dẫn đến việc đề xuất các giải pháp quy hoạch cho từng di tích trong đồ án Quy hoạch 307 còn nhiều hạn chế, thiếu tính khả thi. Bên cạnh đó, nhiều điểm di tích mới trong khu vực gần đây tiếp tục được phát hiện hoặc làm rõ, cần được nghiên cứu bổ sung vào quy hoạch, như: Am Mộc Cảo, Ngọa Vân 1, 2, 6...
Thêm nữa, việc lập đồ án Quy hoạch 307 ở tỷ lệ 1/10.0000 hiện cũng gây khó khăn cho việc quản lý, thiếu cơ sở pháp lý để lập dự án tu bổ, bảo tồn và phát huy giá trị khi mà theo Nghị định 166/NĐ-CP, chỉ có một loại đồ án quy hoạch di tích là “Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích” ở tỷ lệ 1/2.000 hoặc 1/500.
Để khắc phục những bất cập nêu trên, hiện TX Đông Triều đang tiến hành lập đề cương điều chỉnh Quy hoạch tổng thể Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích lịch sử nhà Trần ở Đông Triều, tỷ lệ 1/2.000, trình các cấp xem xét, thẩm định và phê duyệt.
Qua đây nhằm cập nhật, bổ sung di tích, dấu tích mới phát hiện và các dự án tu bổ, tôn tạo đã được xây dựng, đồng thời kiểm soát cảnh quan vùng đệm, thúc đẩy các không gian dịch vụ để phát huy nguồn lực của di sản văn hoá đối với sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Phan Hằng
Liên kết website
Ý kiến ()