Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 15:31 (GMT +7)
Cần xử lý sớm rừng keo già phòng hộ
Thứ 4, 29/09/2021 | 15:24:46 [GMT +7] A A
Hiện trên địa bàn tỉnh có nhiều rừng keo đã hết chu kỳ sinh trưởng, phát triển. Trong đó có khoảng 1.500ha đã vào giai đoạn già cỗi, thoái hóa, bị sâu mục, chết khô, đổ gãy khi có bão gió…, nằm trong khu vực rừng đầu nguồn, có vai trò giữ nước cho các hồ đập lớn, nhỏ, cần được trồng thay thế bằng các loại cây gỗ lớn bản địa.
Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm (Sở NN&PTNT), các rừng keo già chủ yếu trồng trong giai đoạn 1998-2011, trong khi chu kỳ sinh trưởng và phát triển của loại cây này chỉ là 12-15 năm. Bởi vậy cây thoái hóa và chết dần theo thời gian, giảm mật độ từ 1.600-2.000 cây/ha ban đầu còn khoảng 500 cây/ha hiện nay, nhiều nơi chỉ còn 300 cây/ha.
Còn theo báo cáo của Ban Quản lý rừng phòng hộ Yên Lập, phần lớn diện tích cây keo già có hiện tượng chết khô, đổ gãy thuộc đơn vị quản lý đều nằm ở các lưu vực đầu nguồn, giữ nước cho các hồ Yên Lập, Cao Vân, Khe Giữa. Những năm gần đây, một số hồ này đã cạn nước cục bộ, có nguyên nhân từ tình trạng nói trên. Riêng hồ Yên Lập đã từng xảy ra cạn kiệt nước ở mức kỷ lục vào tháng 7/2020, xuống thấp dưới mực nước chết; trong khi đây là hồ nước ngọt lớn nhất tỉnh, có nhiệm vụ cung cấp nước tưới tiêu cho diện tích lớn trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, nước sinh hoạt cho nhiều địa phương.
Tại diện tích rừng phòng hộ Tiên Yên do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tiên Yên quản lý, có trên 200ha rừng keo già đang có dấu hiệu sâu, mục, chết dần. Theo đại diện Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tiên Yên, diện tích rừng này hiện gần như hết tác dụng phòng hộ. Không những thế còn có thể xảy ra nguy hiểm khi người lao động đi kiểm tra rừng, bị cây mục gãy đổ vào người…
Rừng keo già đã và đang khiến cho một phần diện tích rừng phòng hộ, đặc dụng giảm chất lượng, không đáp ứng được các yêu cầu về giữ đất, giữ nước, tăng độ che phủ và chất lượng che phủ rừng… Đề cập đến vấn đề này, ông Mạc Văn Xuyên, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, cho biết: Để làm giàu rừng phòng hộ, đặc dụng, tạo tính bền vững cho rừng, cần sớm rà soát cụ thể, có phương án thay thế diện tích rừng keo già bằng các loại cây gỗ lớn bản địa.
Tuy nhiên, việc thay thế cần phải có tính toán kỹ, có lộ trình thực hiện cụ thể, từ khai thác trắng diện tích rừng keo đang có, đến trồng mới rừng bằng cây bản địa sau này. Bởi nhiều rừng keo già nằm ở vị trí sâu, xa, đường vào khó khăn, hoặc không có đường giao thông, việc khai thác và vận chuyển không dễ dàng. Điều này dễ dẫn tới doanh thu khai thác không bù đắp nổi chi phí khai thác. Kinh phí trồng mới rừng phòng hộ, đặc dụng bằng cây bản địa cũng không nhỏ (trên 100 triệu đồng/ha). Cùng với đó là rà soát chính xác diện tích, tình trạng rừng; dự toán chi phí, xây dựng lộ trình thực hiện chính..., các đơn vị chuyên môn, các địa phương, chủ rừng cần phải hoàn thiện sớm.
Thanh Bình
Liên kết website
Ý kiến ()