Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 11:20 (GMT +7)
Triển vọng phát triển cảng biển 2022
Thứ 2, 17/01/2022 | 08:14:11 [GMT +7] A A
Năm 2021, dù sản lượng hàng hóa thông qua các cảng biển của Quảng Ninh chỉ bằng 95% năm 2020, tuy nhiên sự tụt giảm chủ yếu ở mặt hàng nhập khẩu than và xăng dầu. Còn lại, các mặt hàng khác vẫn đạt mức tăng trưởng khá tốt.
Năm 2021, đợt dịch Covid-19 thứ 4 bùng phát trên diện rộng, khiến nhiều địa phương trong cả nước có thời điểm phải hạn chế việc di chuyển qua lại giữa các khu vực; đồng thời, triển khai nhiều biện pháp cấp bách để ngăn chặn, phòng ngừa dịch. Điều này đã tác động đến hầu khắp các lĩnh vực, đặc biệt hoạt động kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhiều nhà máy, công xưởng phải đóng cửa, đứt gãy chuỗi cung ứng...
Tuy nhiên, tại Quảng Ninh, do chủ động, kịp thời ban hành các chủ trương, giải pháp, cách thức để giữ vững địa bàn an toàn - ổn định trong trạng thái bình thường mới, nhằm thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch tốt, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa duy trì, khôi phục phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo bảo đảm an sinh cho nhân dân… Ngay trong giai đoạn những tháng đầu năm 2021, Quảng Ninh là tỉnh tiêu biểu, điển hình phòng chống dịch trong cả nước khi có đến gần 4 tháng liên tiếp không để dịch xuất hiện trong cộng đồng.
Mặc dù vậy, dịch bệnh cũng đã ảnh hưởng phần nào tới tăng trưởng cảng biển. Theo đó, năm 2021, sản lượng hàng hóa qua cảng biển của tỉnh chỉ bằng 95% năm 2020. Nguyên nhân là do mặt hàng xăng dầu và than là 2 mặt hàng chủ chốt tại các cảng biển của tỉnh đã giảm sút sâu. Trong đó, riêng nhập khẩu than gần như không có, mặt hàng xăng dầu giảm do thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về ưu tiên sử dụng nguồn xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu trong nước để hỗ trợ ổn định sản xuất và tiêu thụ sản phẩm xăng dầu trong nước.
Để thúc đẩy phát triển kinh tế cảng biển, trên cơ sở giữ vững địa bàn an toàn, công tác phòng dịch trong hoạt động cảng biển luôn được tỉnh quan tâm chỉ đạo. Các đơn vị chuyên môn đã tăng cường triển khai, đổi mới thực hiện thủ tục hành chính bằng những phương thức tiếp cận mới, ứng dụng hiệu quả nền tảng công nghệ 4.0 trong khai báo hồ sơ, thủ tục; các chủ cảng tích cực, triển khai tăng cường quảng bá thương hiệu, tối đa hóa năng suất khai thác và tăng chất lượng dịch vụ; tăng tính tiện ích trong phát triển các loại hình dịch vụ logistics như đưa dịch vụ vận tải đường bộ (xe tải), đường thủy (sà lan); hỗ trợ khách hàng triển khai thủ tục hành chính; nâng công suất kho chứa và năng suất bốc xếp, vận chuyển…
Những nỗ lực trên đã giúp hoạt động cảng biển Quảng Ninh dù chịu tác động của dịch bệnh nhưng vẫn sôi động. Năm 2021, Quảng Ninh đã đón 132.547 lượt tàu biển, bằng 109% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, có nhiều hãng tàu mới đã đến Quảng Ninh để khai thác thử nghiệm, thí điểm làm hàng container như hãng tàu MAERSK LINE - hãng tàu vận chuyển container hàng đầu thế giới, đã thực hiện tổng số 4 chuyến tàu thí điểm, vận chuyển gần 7.000 container bốc xếp tại cảng Cái Lân vào tháng 9/2021. Đặc biệt, tại các cảng khu vực Móng Cái, lượng phương tiện tàu biển <200 DWT tăng đột biến với tổng số 34.096 lượt phương tiện vào làm hàng, bằng 527% so với năm 2020. Lượt phương tiện tàu biển tăng mạnh, đã cho thấy sự hấp dẫn của cảng biển Quảng Ninh, hiệu quả trong công tác phòng chống dịch, giữ vững địa bàn an toàn, là điều kiện thuận lợi để nhiều nhà máy, công xưởng phục hồi sản xuất, đạt tăng trưởng cao.
Ông Nguyễn Ngọc Thành, Giám đốc Cảng vụ hàng hải Quảng Ninh, cho biết: Dù sản lượng hàng hóa năm 2021 có giảm so với năm 2020 là do 2 mặt hàng than và xăng dầu giảm, nhưng những mặt hàng khác đều tăng khá mạnh, nhất là dịp cuối năm, để đáp ứng yêu cầu sản xuất của các nhà máy, KCN. Đây là tín hiệu vui cho năm 2022 khi Việt Nam triển khai Chỉ thị số 128 của Chính phủ về "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19", các hoạt động vận tải đã được lưu thông, các cảng đang triển khai kế hoạch thu hút nguồn hàng mới, các KCN đang hình thành, ngành chế biến, chế tạo của Quảng Ninh tăng trưởng mạnh… kéo theo sản lượng hàng hóa sẽ sớm tăng trở lại.
Quảng Ninh hiện đang ưu tiên phát triển hạ tầng kho bãi, khu hậu cần logistics, cảng cạn, đầu tư mới khu bến Vạn Ninh, Con Ong - Hòn Nét và hạ tầng giao thông kết nối, như cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, đường ven biển Hạ Long - Cẩm Phả, cầu Cửa Lục 1, cầu Cửa Lục 3, nút giao Đầm Nhà Mạc, nút giao Hạ Long Xanh, đường 10 làn xe Quảng Yên - Đông Triều. Ở ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, một số tập đoàn lớn đã hiện diện trong các KCN của tỉnh, như Foxconn, TCL, Vĩ Trọng, Huyndai Thành Công... sẽ kéo theo hàng loạt các nhà đầu tư phụ trợ, dự kiến gia tăng đầu tư vào Quảng Ninh… Qua đó, sẽ tạo điều kiện thuận lợi để triển khai các giải pháp vận tải kết hợp, nhằm tiết kiệm cước vận tải, hỗ trợ doanh nghiệp tăng khả năng quay vòng vốn, giảm thời gian chạy rỗng, tăng cường kiểm soát chi phí nhiên liệu, phụ tùng, vật tư, sửa chữa... Điều này chắc chắn sẽ tạo ra sự tăng trưởng ổn định của lĩnh vực cảng biển, góp phần vào tăng trưởng chung của cảng biển Quảng Ninh trong năm 2022.
Đỗ Phương
Liên kết website
Ý kiến ()