Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 13:24 (GMT +7)
Cảnh giác trước thủ đoạn mới tinh vi của tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em
Thứ 2, 11/12/2023 | 15:35:07 [GMT +7] A A
Nếu như trước đây, nạn nhân của tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh Hà Giang thường bị các đối tượng dụ dỗ lôi kéo trực tiếp bắt cóc qua khu vực biên giới thì hiện tại, với sự phát triển của mạng xã hội, các thủ đoạn trở nên tinh vi hơn. Thượng tá Bùi Văn Huân - Phó trưởng phòng Phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo PNVN xung quanh vấn đề này.
- Thưa ông, tình trạng mua bán phụ nữ trong 3 năm gần đây trên địa bàn tỉnh Hà Giang diễn ra như thế nào?
Từ năm 2020 đến nay, tình hình tội phạm mua bán người trên biên giới tỉnh Hà Giang có chiều hướng giảm nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp. Các đơn vị trong bộ đội biên phòng tỉnh Hà Giang đã phát hiện, ghi nhận 20 vụ việc liên quan đến tội phạm mua bán người, so với giai đoạn 2017 - 2020 thì giảm 27 vụ việc. Bộ đội biên phòng tỉnh Hà Giang đã phát hiện, bắt giữ 21 đối tượng, giải cứu được 15 phụ nữ. Từ 2020 đến nay, các đơn vị trong bộ đội biên phòng tỉnh Hà Giang đã chủ trì, phối hợp với lực lượng chức năng đấu tranh với tổng số là 9 chuyên án, bắt khởi tố 8 vụ, 19 đối tượng, giải cứu được 15 phụ nữ.
- Thủ đoạn mà các đối tượng thường dùng dụ dỗ phụ nữ để mua bán qua biên giới là gì thưa ông?
Quá trình đấu tranh các chuyên án, điều tra xác minh các vụ án, vụ việc, liên quan đến tội phạm mua bán người xảy ra trên tuyến biên giới tỉnh Hà Giang, chúng tôi thấy phương thức, thủ đoạn chủ yếu các đối tượng sử dụng là: Lợi dụng trình độ nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, khó khăn về điều kiện kinh tế, nhu cầu về việc làm, mâu thuẫn, thiếu sự quan tâm chia sẻ trong cuộc sống gia đình. Thông qua các mạng điện thoại di động và các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook, Wechat, thông qua các mối quan hệ xã hội khác, các đối tượng tiếp cận, làm quen, hứa hẹn đưa nạn nhân sang Trung Quốc để làm thuê với thu nhập cao hoặc lấy chồng giàu có, sau đó khống chế, ép buộc để bán sang Trung Quốc.
- Nhóm bị lừa thường rơi vào những đối tượng như thế nào, thưa ông?
Qua tổng hợp chúng tôi, đối tượng bị lừa bán đa số là những người dân nhận thức xã hội, hiểu biết xã hội hạn chế, khó khăn về điều kiện kinh tế, muốn tìm công việc. Trong cuộc sống hôn nhân gia đình có sự mâu thuẫn, thiếu sự quan tâm chia sẻ, số trẻ em mới lớn thích cuộc sống sung sướng, ăn chơi, nhàn hạ hoặc những người muốn có "việc nhẹ lương cao" thì các đối tượng thường nhằm vào đấy để lừa và ép buộc bán sang Trung Quốc.
Cũng có trường hợp đối tượng thông qua mạng xã hội để tán tỉnh, yêu đương, rủ đi chơi, những trường hợp lạ thì chị em phải hết sức cảnh giác, đề phòng vì trên trang mạng xã hội có thể có những ảnh đại diện chưa hẳn là của đối tượng, thông qua ảnh của người khác để tiếp cận, làm quen. Mình chưa biết được lai lịch, nhân thân cụ thể của những trường hợp mới quen biết thì cũng phải cảnh giác, không để mắc mưu những đối tượng tiếp cận, làm quen, lừa bán sang nước ngoài.
Do đặc điểm khu vực biên giới, mối quan hệ thân tộc, dòng tộc giữa 2 bên biên giới từ lâu đời, các đối tượng có thể lợi dụng các mối quan hệ thân tộc đầu tiên là rủ sang nước ngoài để làm việc, sau đó rủ đưa đi liên kết với các đối tượng ở nước ngoài để lừa bán. Đây đều là các trường hợp đã xảy ra trên địa bàn tỉnh Hà Giang.
- Ông có thể cho biết, công tác điều tra tội phạm và giải cứu nạn nhân của mua bán người trên địa bàn tỉnh Hà Giang gặp những khó khăn như thế nào?
Trong quá trình điều tra các vụ án liên quan tới mua bán người chúng tôi thấy có một số khó khăn: Đa số nạn nhân của các vụ án mua bán người là người đồng bào dân tộc thiểu số. Sự hiểu biết xã hội và tiếng phổ thông còn hạn chế, gây khó khăn trong quá trình điều tra. Một số vụ việc, do nạn nhân tiếp xúc với đối tượng thời gian ngắn nên khi trở về trình báo thì không nhận diện được đối tượng, không rõ danh tính đối tượng, không cung cấp được thông tin nên phục vụ điều tra, xác minh khó khăn.
Phần lớn các nạn nhân bị mua bán bị đưa sâu vào trong nội địa Trung Quốc, không xác minh được thông tin, địa chỉ cụ thể bên Trung Quốc nên gây khó khăn trong công tác xác minh và giải cứu nạn nhân. Các đối tượng thường câu kết với đối tượng ở nước ngoài tham gia thực hiện tội phạm. Một số vụ việc, vụ án liên quan đến nhiều đối tượng ở nhiều địa bàn. Sau khi gây án đối tượng lẩn trốn sang Trung Quốc nên việc truy bắt, điều tra thu thập chứng cứ gặp nhiều khó khăn.
Một số vụ việc, khi người phụ nữ được trở về, có thể được giải cứu hoặc tự trở về nhưng bị sang chấn tâm lý, người ta sẽ e ngại việc trình báo. Khi tiếp xúc thì tác động về tâm lý để người ta yên tâm trình báo với cơ quan chức năng.
- So với thời điểm trước đây thì giai đoạn hiện nay, công tác điều tra, xử lý tội phạm mua bán người có sự khác biệt như thế nào?
Hiện tại, đối tượng lợi dụng các trang mạng xã hội, có trường hợp, nhất là đối tượng chủ mưu cầm đầu không trực tiếp tiếp xúc nạn nhân mà thông qua các đầu mối, các đối tượng trung gian, qua mạng xã hội nên việc thu thập những chứng cứ, dữ liệu điện tử mà các đối tượng liên lạc với nhau, phục vụ cho công tác điều tra là gặp khó khăn.
- Phụ nữ cần phải làm gì khi gặp những đối tượng mua bán người này, thưa ông?
Khuyến cáo chị em là khi gặp những đối tượng lạ, có số điện thoại lạ, gọi điện hoặc trên Zalo, Facebook để kết bạn, rủ rê, dụ dỗ đi làm việc nhẹ lương cao hoặc đi làm những công việc nhàn hạ thì phải luôn luôn cảnh giác. Vì chúng ta không biết được trường hợp đấy là người như thế nào, cần cảnh giác, đề phòng các đối tượng lừa gạt và ép buộc đưa bán ra nước ngoài.
- Khi phát hiện mình đã trở thành nạn nhân của tội phạm buôn bán người, chị em cần làm gì để đảm bảo an toàn cho bản thân và tìm cơ hội tự giải thoát cho mình?
Thông thường chúng tôi điều tra thấy rằng các vụ án buôn người, các nạn nhân sau khi đã ra nước ngoài mới phát hiện mình bị lừa bán. Nếu không may rơi vào trường hợp đó, chị em phải hết sức bình tĩnh, sau đó lợi dụng những lúc các đối tượng trông coi sơ hở để trốn tránh sự kiểm soát, liên hệ với lực lượng chức năng Trung Quốc, ví dụ lực lượng công an để cầu cứu, trình báo, sau đó yêu cầu gặp các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài để trình báo sự việc để người ta giải cứu.
Nếu trường hợp, điện thoại bị các đối tượng thu giữ, kể cả có điện thoại cũng không gọi về Việt Nam được, ngôn ngữ bất đồng, không nghe, nói được thì khi ra chỗ đông người, ví dụ như đi chợ, gặp lực lượng chức năng sẽ tìm cách kêu cứu, gây sự chú ý của lực lượng chức năng để được giải cứu. Khi phát hiện mình bị lừa bán, chị em thường bị khủng hoảng, lo sợ nhưng phải hết sức bình tĩnh, vờ thuận theo ý của các đối tượng. Khi các đối tượng lơ là trong quá trình trông giữ, tìm cơ hội tự giải thoát cho bản thân.
Sau khi trở về Việt Nam việc đầu tiên các chị em cần đến các lực lượng chức năng, qua biên giới thì đến với bộ đội biên phòng, hoặc khi về đến địa phương thì gặp chính quyền địa phương và công an sở tại để trình báo vụ việc, phục vụ công tác điều tra của lực lượng chức năng.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
Theo phunuvietnam.vn
- Đa dạng hóa công tác tuyên truyền về phòng, chống mua bán người
- Bài cuối: Quyết tâm không để tội phạm mua bán người tiếp tục gây tội ác
- Bài 3: Lấp đầy những “lỗ hổng” pháp lý trong phòng, chống mua bán người
- Bài 2: Mua bán người - Tội ác phải bị luật pháp nghiêm trị
- Việt Nam – Indonesia tăng cường hợp tác phòng, chống tội phạm mua bán người
Liên kết website
Ý kiến ()