Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 30/11/2024 09:40 (GMT +7)
Cảnh giác với dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm
Thứ 4, 28/10/2015 | 06:18:33 [GMT +7] A A
Thời tiết hiện nay đang trong giai đoạn chuyển mùa từ nắng nóng sang lạnh ẩm đối với các tỉnh ở khu vực phía Bắc. Đây là môi trường thuận lợi cho một số dịch bệnh phát sinh, phát triển trên đàn gia súc, gia cầm nhất là các dịch bệnh lở mồm long móng, cúm gia cầm A/H5N1, A/H5N6.
Thực tế cho thấy, trong thời gian qua, bệnh cúm gia cầm A/H5N1, A/H5N6 vẫn tiếp tục xảy ra rải rác trên đàn gia cầm nuôi nhỏ lẻ của các hộ gia đình ở một số địa phương trong cả nước. Kết quả giám sát chủ động của ngành chức năng cho thấy vi rút cúm A/H5N1 lưu hành rộng rãi trong đàn thuỷ cầm; một số mẫu phát hiện có vi rút cúm A/H5N6. Bởi vậy nguy cơ phát sinh, bùng phát dịch cúm gia cầm trong thời điểm hiện nay ở các địa phương là rất cao. Cùng với đó, việc giám sát dịch lở mồm long móng ở gia súc tại một số tỉnh cũng cho thấy tỷ lệ nhiễm loại vi rút này cũng khá phổ biến. Từ đầu năm đến nay dịch lở mồm long móng đã xảy ra rải rác ở một số địa phương; riêng trong tháng 9-2015, toàn quốc đã phát hiện 8 ổ dịch tại địa bàn nhiều tỉnh ở cả miền Bắc, miền Trung và miền Nam; cá biệt đã phát hiện cơ sở giết mổ lợn bị mắc bệnh để đưa đi tiêu thụ. Do vậy nguy cơ dịch lây lan ra diện rộng trên đàn gia súc cũng rất lớn.
Trên địa bàn tỉnh, những ngày qua đã có khoảng 1.000 con gia cầm bị chết tại một hộ dân ở huyện Hải Hà và qua xét nghiệm cho kết quả dương tính với vi rút H5N1. Vì vậy cần phải tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ để ngăn chặn, đề phòng dịch bệnh phát sinh và lây lan ra diện rộng…
Để khống chế nhanh và ngăn chặn kịp thời các ổ dịch trên đàn gia súc, gia cầm phát sinh, lây lan theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương, ngành chức năng cần khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định, trong đó đặc biệt chú trọng việc kiện toàn, củng cố Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch để chỉ đạo, điều hành chung; công bố dịch theo quy định; lấy mẫu gửi phòng xét nghiệm để chẩn đoán xác định bệnh; tập trung mọi nguồn lực nhanh chóng bao vây, dập tắt ổ dịch; tiêu huỷ đàn gia cầm mắc bệnh; cách ly triệt để và đánh dấu trâu bò mắc bệnh để quản lý; giao chính quyền cấp xã, thôn quản lý chặt ổ dịch; tổ chức vệ sinh tiêu độc, khử trùng khu vực có ổ dịch, tổ chức tiêm phòng vắc xin bao vây dịch. Cùng với đó quản lý chặt chẽ hoạt động giết mổ động vật nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm. Chủ động thành lập các chốt kiểm dịch tạm thời để kiểm soát, ngăn chặn việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật nhiễm bệnh ra ngoài vùng có dịch; đồng thời tiến hành tiêu độc, khử trùng các phương tiện giao thông đi qua khu vực có ổ dịch…
Quảng Ninh là địa bàn trong những năm qua đều đã xảy ra dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, trong đó có địa phương dịch lan ra trên diện rộng. Do vậy nguy cơ bùng phát dịch tại các ổ dịch cũ là rất cao. Hơn nữa trên địa bàn có nhiều cửa khẩu, điểm thông quan với Trung Quốc nên rất dễ bị nhiễm dịch bệnh do gia súc, gia cầm nhập vào qua biên giới. Bên cạnh đó, dịch cũng có thể lan truyền vào địa bàn tỉnh từ các tỉnh, địa bàn lân cận do lượng tiêu thụ thực phẩm trên địa bàn tỉnh là rất lớn. Điều này đặt ra cho các ngành chức năng và địa phương phải có trách nhiệm rất cao và chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch để bảo vệ hiệu quả cho sản xuất, kinh doanh cũng như sức khoẻ của người dân…
Thanh Tùng
Liên kết website
Ý kiến ()