Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 11/01/2025 03:01 (GMT +7)
Cảnh giác với lừa đảo qua mạng dịp Tết
Thứ 6, 20/01/2023 | 09:50:45 [GMT +7] A A
Thời gian qua, tội phạm lừa đảo, nhất là sử dụng công nghệ cao, lừa đảo qua mạng có chiều hướng gia tăng với nhiều thủ đoạn, phương thức ngày càng tinh vi, khiến nhiều người dân bị “mắc bẫy”. Lực lượng công an cảnh báo, người dân cần hết sức cảnh giác với loại tội phạm lừa đảo nói chung, qua mạng, qua điện thoại nói riêng dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Hiện nay, có rất nhiều hình thức lừa đảo, trong đó nổi bật là tội phạm giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án... gọi điện thông báo có liên quan đến các vụ án đang điều tra, mua bán ma túy, rửa tiền..., gửi lệnh bắt giữ hay tài liệu liên quan khác qua mạng xã hội để đe dọa, yêu cầu chuyển tiền đến các tài khoản chỉ định hoặc tài khoản mới mở rồi cung cấp thông tin tài khoản để kiểm tra hoặc tải các đường link, phần mềm giả mạo cơ quan, nhằm đánh cắp thông tin tài khoản ngân hàng để chiếm đoạt tiền.
Cùng với đó, tội phạm giả mạo là người nước ngoài (sỹ quan, binh lính đang tham gia chiến tranh, làm nhiệm vụ quốc tế tại các khu vực chiến sự... không có người thân) thông qua mạng xã hội làm quen, rồi lấy lý do gửi quà, đồ vật giá trị, thậm chí là ngoại tệ, vàng có giá trị rất lớn nhờ nhận, quản lý, lưu giữ; sau đó giả danh là nhân viên sân bay, hải quan, thuế... yêu cầu nộp tiền cước vận chuyển, thuế, phí, tiền phạt, chi phí tiêu cực... để chiếm đoạt.
Trước thực trạng này, Bộ Công an khẳng định, việc các cơ quan chức năng điều tra, xác minh, xử lý tội phạm đều được tiến hành trực tiếp, không thông qua điện thoại, mạng xã hội gửi thông báo, tin nhắn yêu cầu. Bộ Công an đề nghị người dân cảnh giác, không thực hiện theo các yêu cầu của đối tượng; không chuyển tiền vào các tài khoản do đối tượng yêu cầu và trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất để được giải quyết.
Hiện tại, nước ta có hơn 100 triệu dân, với trên 70 triệu người sử dụng internet. Vì vậy môi trường lừa đảo trực tuyến, qua mạng để chiếm đoạt tài sản là rất lớn. Thiệt hại lừa đảo trực tuyến gây ra khó có thể ước tính được hết, vì các nạn nhân thường có tâm lý bỏ qua “mất rồi thì thôi”, ngại các thủ tục trình báo, pháp lý phức tạp. Thời gian qua, các hình thức lừa đảo trên mạng liên tục gia tăng không ngừng, từ lừa đảo đánh cắp thông tin cá nhân, lừa đảo tình cảm, lừa đảo đầu tư,… nhưng mục tiêu cuối cùng của các đối tượng chính là tiền.
Có 3 nhóm lừa đảo chính là giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác. Trong đó nổi bật là giả mạo thương hiệu của các tổ chức để gửi tin nhắn lừa đảo cho nạn nhân; giả mạo các trang web/blog chính thống tạo uy tín lừa nạn nhân, thu thập thông tin cá nhân của người dân; chiếm quyền sử dụng các tài khoản mạng xã hội Zalo, Facebook, Tiktok… để tiến hành gửi tin nhắn lừa đảo cho bạn bè người thân nhằm chiếm quyền tài khoản, lấy cắp thông tin, chiếm đoạt tài sản, bôi nhọ danh dự, tống tiền…; các ứng dụng, quảng cáo tín dụng đen xuất hiện trên các trang web, gửi tràn lan qua các kênh thư điện tử rác, tin nhắn SMS, mạng xã hội Facebook, Telegram, Zalo, nạn nhân sẽ biến thành những con nợ trong khi chính nạn nhân cũng không biết; sử dụng số điện thoại giả danh cơ quan chức năng, công an, nhà mạng viễn thông… để tiến hành gọi điện thoại cho nạn nhân thông báo vi phạm pháp luật và yêu cầu chuyển khoản; sử dụng số điện thoại đầu số lạ gọi điện cho nạn nhân, khi bắt máy nạn nhân sẽ bị trừ tiền trong tài khoản mà không hề hay biết; giả mạo trang thương mại điện tử lớn tại Việt Nam, nước ngoài để lừa nạn nhân làm cộng tác viên, dẫn dụ nạn nhân thực hiện chạy quảng cáo lừa đảo trên Facebook hay gửi tin nhắn quảng cáo spam qua SMS…
Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, tình hình tội phạm trên mạng internet, lừa đảo trực tuyến vẫn đang diễn ra phức tạp. Với sự phát triển của khoa học công nghệ, nhiều cách thức lừa đảo mới đã xuất hiện. Tổng số nạn nhân của vấn nạn lừa đảo trực tuyến đã lên đến hàng triệu người. Chỉ tính riêng trong năm 2022, lực lượng chức năng đã ngăn chặn, xử lý hơn 2.620 trang web lừa đảo trực tuyến, vi phạm pháp luật và bảo vệ hơn 4,7 triệu người dân trước hành vi tấn công trực tuyến.
Để giải quyết, xử lý tội phạm lừa đảo nói chung, lừa đảo qua mạng nói riêng cần có sự tham gia phối hợp, đồng bộ của các cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương. Trong đó nòng cốt chính là lực lượng công an làm nhiệm vụ phòng chống tội phạm công nghệ cao. Tuy nhiên, để không mất tiền oan thì người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, nên phân tích kỹ lưỡng khi có bất kỳ “lời đề nghị ngọt ngào” được đưa ra từ những người xa lạ ở trên mạng hoặc qua điện thoại.
Thái Bình
Liên kết website
Ý kiến ()