Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 16/11/2024 08:19 (GMT +7)
Chăm lo cho lao động nữ
Thứ 7, 05/03/2022 | 11:09:35 [GMT +7] A A
Trong tổng số hơn 430.000 CNVCLĐ toàn tỉnh, lao động nữ chiếm tỷ lệ 49,5%. Những năm qua, đội ngũ này đã có nhiều đóng góp tích cực vào sự phát triển KT-XH của địa phương, đơn vị. Vì sự phát triển, tiến bộ của nữ CNVCLĐ, các cấp công đoàn, ban nữ công từ cơ sở đến cấp tỉnh đã luôn đồng hành, sát cánh với họ.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong SXKD, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa tồn đọng, vốn bị chiếm dụng, đơn hàng mới giảm sút nghiêm trọng, dẫn tới đời sống, việc làm của nữ CNLĐ gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, các cấp công đoàn đã có nhiều giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người lao động, đặc biệt lao động nữ.
Thực hiện tốt nhiệm vụ số 1
Để thực hiện tốt nhiệm vụ số 1 của tổ chức công đoàn là chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, bà Nguyễn Thị Bích Phượng, Trưởng Ban Tuyên giáo - Nữ công (LĐLĐ tỉnh) cho biết: Công đoàn các cấp đã tập trung nắm tình hình nữ CNLĐ khó khăn về việc làm, tiền lương do ảnh hưởng dịch Covid-19; đề xuất chế độ, chính sách cho lao động nữ, nhất là đối tượng nữ tại các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, dịch vụ trên địa bàn.
Ban nữ công các cấp đã trực tiếp tham gia tuyên truyền và triển khai chương trình Phúc lợi cho đoàn viên qua hoạt động vận động CNLĐ mua hàng giảm giá ủng hộ doanh nghiệp với các sản phẩm như: Sữa Hà Lan, trứng gà Tân An, trứng vịt biển Tiên Yên, hàu sữa, nước mắm, gạo, khẩu trang, bánh kẹo Hải Hà... giá trị hưởng lợi trên 7 tỷ đồng.
Năm 2021 dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, KT-XH. Các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, thương mại và du lịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tác động không nhỏ đến đời sống CNVCLĐ nói chung, đặc biệt là lao động nữ. Trong thời gian này LĐLĐ tỉnh đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho hơn 2.300 nữ CNVCLĐ khó khăn, với số tiền 1,2 tỷ đồng; gặp mặt, biểu dương 38.753 người, với số tiền 8,7 tỷ đồng; tổ chức 131 hoạt động tại các khu nhà trọ, với số tiền 912 triệu đồng...
Một trong những hoạt động được nữ CNVCLĐ luôn mong đợi là mô hình "Sức khỏe của bạn" do LĐLĐ tỉnh phối hợp với Sở Y tế tổ chức tuyên truyền, khám sức khỏe và cấp phát thuốc miễn phí cho lao động nữ. Năm qua, 500 nữ CNVCLĐ tại Móng Cái, Đông Triều, Quảng Yên đã được khám sức khỏe, cấp thuốc với số tiền trên 200 triệu đồng. Đặc biệt, LĐLĐ TP Uông Bí tổ chức tuyên truyền về sức khỏe sinh sản cho hơn 100 lao động nữ đang mang thai tại Công ty TNHH Sao Vàng. Các công đoàn cơ sở đã chủ động đề xuất với đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức khám sức khỏe cho 100% lao động nữ, trong đó có ưu tiên thêm nội dung khám chuyên khoa đối với lao động nữ.
Để giúp nữ CNVCLĐ vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, ban nữ công các cấp đã duy trì, phát huy có hiệu quả các loại quỹ như: Vì nữ CNLĐ nghèo, nữ công, tình thương, tương trợ, tình cảm... với số tiền hơn 12 tỷ đồng. Đã thăm hỏi, tặng quà, giải quyết cho trên 4.300 lượt CNVCLĐ vay phát triển kinh tế gia đình, tháo gỡ khó khăn trong cuộc sống. Năm 2021 đã có 460 nữ CNVCLĐ được vay Quỹ trợ vốn cho CNLĐ nghèo, với tổng số tiền hơn 9,2 tỷ đồng; 15 gia đình CNLĐ khó khăn của các cấp công đoàn được trao kinh phí hỗ trợ xây dựng nhà “Mái ấm công đoàn” với tổng số tiền 450 triệu đồng.
Vì sự phát triển toàn diện của nữ CNVCLĐ
Nhằm phát triển toàn diện cho lao động nữ, các hoạt động nâng cao năng lực cho nữ CNVCLĐ, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của ban nữ công và công tác bình đẳng giới được chú trọng. LĐLĐ tỉnh thường xuyên quan tâm việc đề bạt, bổ nhiệm, giới thiệu đề cử đảm nhiệm các chức danh lãnh đạo đối với cán bộ nữ, nhiều cán bộ nữ đảm nhiệm các chức danh chủ chốt của LĐLĐ tỉnh, LĐLĐ cấp huyện, công đoàn ngành.
Đặc biệt, để hoạt động và phong trào nữ CNVCLĐ được hiệu quả, các cấp công đoàn đã tập trung thành lập, kiện toàn hoạt động của ban nữ công công đoàn, năm 2021 đã hoàn thành vượt mức chỉ tiêu, thành lập 45/32 ban nữ công, đạt 141% kế hoạch. Đến nay có 1.389 ban nữ công CĐCS với 4.427 ủy viên. Trong năm 2021, LĐLĐ tỉnh đã tổ chức khảo sát 18/18 công đoàn cấp trên cơ sở về công tác nữ công để có định hướng nâng cao chất lượng hoạt động ban nữ công trong thời gian tiếp theo. Các cấp công đoàn đã tổ chức lồng ghép 1.140 cuộc tập huấn cho trên 11.000 lượt cán bộ nữ. Công tác phối hợp với hội phụ nữ các cấp trong vận động nữ CNVCLĐ được tổ chức thường xuyên và duy trì đều đặn đã phát huy vai trò của nữ công các cấp.
Bên cạnh đó, LĐLĐ tỉnh cũng xây dựng kế hoạch, hướng dẫn các cấp công đoàn về công tác bình đẳng giới, dân số, gia đình, trẻ em. Đặc biệt là Quyết định số 22/QĐ-UBQG ngày 22/6/2019 của Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ; vai trò, vị trí của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị... tuyên truyền về Luật Bình đẳng giới, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030, Chương trình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021-2025...
Thông qua các hoạt động, nữ CNVCLĐ đã phát huy được năng lực, sở trường, cống hiến nhiều hơn trong việc đóng góp vào kết quả và thành tích của mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị. Hoạt động nữ công ngày càng đi vào chiều sâu, từng bước được nâng cao, thực hiện có hiệu quả chức năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của nữ CNVCLĐ.
Thanh Hằng
Chủ tịch LĐLĐ huyện Hải Hà Nguyễn Thị Xuân:
Quan tâm, chăm lo đời sống tinh thần cho nữ CNLĐ
LĐLĐ huyện Hải Hà thường xuyên nắm bắt tình hình, tư tưởng, tâm tư nguyện vọng của nữ CNVCLĐ trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn. Đồng thời, chỉ đạo CĐCS phối hợp với người sử dụng lao động ở các doanh nghiệp trong KCN tổ chức khảo sát nhu cầu tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình cho nữ lao động ở độ tuổi 18-30.
Đẩy mạnh các hoạt động thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động về công tác phụ nữ; công tác bình đẳng giới và hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ; tổ chức tập huấn về các chế độ chính sách đối với lao động nữ; những khía cạnh trong công việc của lao động nữ. Bên cạnh đó, LĐLĐ huyện tham gia cùng CĐCS đề xuất người sử dụng lao động hỗ trợ tiền nhà ở, chi phí đi lại, tạo điều kiện để chị em có các hoạt động giao lưu thông qua các buổi toạ đàm, hội thi, sinh hoạt CLB... Qua đó, góp phần bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đội ngũ nữ CNLĐ.
Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Giày Dép Bách Năng (TX Đông Triều) Đỗ Thị Kim Thoa:
Chú trọng khám sức khỏe định kỳ cho lao động nữ
Là doanh nghiệp có đông lao động nữ, với 1.900 người, nhiều năm qua chúng tôi đã tham mưu cho lãnh đạo công ty quan tâm, chăm lo, thực hiện tốt nhất các chế độ chính sách đối người lao động, nhất là lao động nữ.
Trong môi trường làm việc áp lực, căng thẳng, thời gian hạn hẹp, phần lớn chị em công nhân không có điều kiện đi khám sức khỏe cho bản thân, nhất là sức khỏe sinh sản. Điều này mang đến nguy cơ về bệnh lý không được phát hiện để điều trị kịp thời, ảnh hưởng đến năng suất, hiệu quả công việc. Vì vậy, hằng năm Công đoàn tham mưu cho Ban lãnh đạo công ty tổ chức khám sức khỏe định kỳ 2 lần/năm cho người lao động. Riêng đối với nữ lao động, ngoài khám tổng thể, còn khám chuyên khoa phụ sản. Qua đó, phát hiện bệnh lý để hướng dẫn cách điều trị giảm thiểu nguy cơ về sau. Ngoài ra, chúng tôi tuyên truyền cho nữ lao động về sức khỏe sinh sản, hỗ trợ kiến thức gia đình, phổ biến kiến thức bình đẳng giới...
Cô giáo Phạm Thị Thu Huyền, Trưởng Ban Nữ công, Trường Mầm non Hạ Long (TP Hạ Long):
Mong muốn giáo viên mầm non sẽ được quan tâm chăm lo
Hiện nay, giáo viên bậc mầm non phải làm việc rất vất vả (từ 7h00 đến 17h30), hầu hết thời gian đều bị bó hẹp ở trường, lớp. Tối về, nhiều giáo viên phải làm đồ dùng, đồ chơi sáng tạo cho trẻ; thứ bảy nhiều khi vẫn phải đến trường, họ không có thời gian làm thêm các công việc khác nhằm tăng thêm thu nhập để trang trải cuộc sống. Nhất là trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 hiện nay, giáo viên càng vất vả hơn khi phải soạn giáo án, cập nhật thông tin lịch học đến phụ huynh, nhà trường...
Công việc vất vả, nhưng chế độ đãi ngộ cho giáo viên mầm non vẫn còn nhiều hạn chế, mức thu nhập vẫn thấp so với nhu cầu hiện nay. Mức thu nhập thấp, nhiều giáo viên không đủ để nuôi con ăn học. Tôi mong rằng tổ chức công đoàn cùng với các cấp, ngành liên quan có giải pháp đột phá để chăm lo hơn đến đời sống giáo viên mầm non, giúp họ yên tâm bám trụ với nghề.
Chị Đỗ Thị Hoa, công nhân Công ty TNHH Yazaki Hải Phòng Việt Nam Chi nhánh Quảng Ninh (KCN Đông Mai, TX Quảng Yên):
Mong có chỗ gửi con để yên tâm làm việc
Vợ chồng tôi ở quê ra làm công nhân tại Công ty TNHH Yazaki Hải Phòng Việt Nam Chi nhánh Quảng Ninh. Hằng ngày phải đưa con đến nơi gửi cách KCN khoảng 6-7km, nên rất bất tiện trong việc đưa đón, cũng như thời gian làm việc. Nhất là những thời điểm tăng ca.
Có nhiều gia đình, vợ phải xin nghỉ việc ở nhà trông con vì không tìm được chỗ gửi. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến công việc và thu nhập, nên lao động chúng tôi khó có thể ổn định được. Tôi mong muốn các KCN sẽ xây dựng nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường học và có dịch vụ trông trẻ theo ca cũng như ngoài giờ, để người lao động, nhất là lao động nữ chúng tôi yên tâm làm việc.
Dương Trường
Thanh Hằng - Dương Trường
Liên kết website
Ý kiến ()