Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 10/09/2024 17:39 (GMT +7)
Chăm lo cho người có công - Sự tri ân sâu sắc nhất
Thứ 3, 16/07/2024 | 08:18:30 [GMT +7] A A
Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, những năm qua, tỉnh Quảng Ninh luôn đặc biệt quan tâm, chăm lo đời sống người có công với cách mạng với tấm lòng, sự tri ân sâu sắc, trách nhiệm cao nhất; nguyện tiếp tục nỗ lực tạo điều kiện tốt nhất để chăm lo về cả vật chất và tinh thần cho người có công với cách mạng. Những hoạt động ý nghĩa, thiết thực, cụ thể đã giúp người có công, gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh vơi đi những mất mát, đau thương, có cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.
Chăm lo toàn diện
Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh Quảng Ninh - nơi thực hiện công tác điều dưỡng tập trung cho người có công với cách mạng của tỉnh. Tính từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã đón tiếp, thực hiện chăm sóc, điều dưỡng cho gần 1.000 người có công trong tỉnh. Tại đây, các thương binh, thân nhân liệt sĩ, người có công không chỉ được theo dõi sức khỏe, thăm khám, trị liệu mà còn được chăm sóc chu đáo về mặt tinh thần. Thương binh Nguyễn Văn Dĩu, xã Thủy An, TX Đông Triều cho biết: Định kỳ 2 năm một lần, tôi được tỉnh cho đi điều dưỡng tập trung tại Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh. Trong thời gian điều dưỡng, Trung tâm tổ chức các buổi nói chuyện thời sự, tư vấn sức khỏe, giao lưu văn nghệ, thi đấu thể thao, vui chơi giải trí, các hoạt động tham quan các di tích lịch sử, văn hóa trong và ngoài tỉnh, giúp tinh thần phấn khởi, thoải mái và thể trạng khỏe mạnh.
Ngoài việc thực hiện chế độ điều dưỡng theo quy định, phát huy truyền thống “Uống nước, nhớ nguồn”, tỉnh Quảng Ninh cũng quan tâm, chăm lo toàn diện việc hỗ trợ người có công về nhà ở. Qua đó, góp thêm một phần động viên để người có công và thân nhân người có công với cách mạng an tâm, vươn lên trong cuộc sống.
Đầu năm nay, bà Đào Thị Động, phường Minh Thành (TX Quảng Yên) - chiến sĩ cách mạng được tặng Huân chương Kháng chiến hạng 3 đã chuyển về ở trong căn nhà mới. Trước đây, thu nhập của gia đình bà Động chủ yếu dựa vào trồng keo nên chỉ đủ sinh hoạt hằng ngày. Căn nhà cấp 4 bà ở cùng với con trai lớn xây dựng đã gần 30 năm, xuống cấp trầm trọng, có nguy cơ bị sập khi mưa to, gió lớn, nhưng không có điều kiện xây, sửa. Qua rà soát, địa phương đã hỗ trợ gia đình 80 triệu đồng để xây mới nhà ở theo Đề án hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, thân nhân các gia đình liệt sĩ. Bà Động chia sẻ: Nhờ sự hỗ trợ này, gia đình tôi đã xây dựng được căn nhà mới 2 tầng rộng gần 100m2 khang trang. Không còn phải chịu cảnh ở trong ngôi nhà dột nát, gia đình tôi mừng lắm.
Giai đoạn 2013-2021, đã có hơn 12.300 hộ gia đình người có công trên địa bàn tỉnh đã được hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ với ngân sách nhà nước hỗ trợ trực tiếp trên 482 tỷ đồng, kinh phí đối ứng của các hộ gia đình trên 1.000 tỷ đồng. Tiếp nối chính sách nhân văn này, năm 2023 tỉnh Quảng Ninh cũng đã thông qua Đề án hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm 2023. Với đề án này, tỉnh dành 81 tỷ đồng hỗ trợ xây mới, sửa chữa 1.450 nhà ở cho hộ gia đình người có công và thân nhân liệt sĩ. Đây tiếp tục là chương trình có ý nghĩa an sinh rất lớn, bảo đảm mọi người dân Quảng Ninh đều được thụ hưởng thành quả phát triển, tăng trưởng bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Ngoài ra, tỉnh còn chăm lo người có công bằng các chính sách cụ thể, như chăm sóc sức khoẻ, bảo hiểm y tế, ưu tiên giao đất sản xuất, hỗ trợ cải thiện về nhà ở, đất ở, các chương trình dạy nghề, tạo việc làm; thực hiện chính sách về giáo dục, đào tạo; mở rộng hệ thống cơ sở dịch vụ và sự nghiệp phục vụ thương binh. Công tác xây dựng, nâng cấp, tu bổ mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, công trình ghi công liệt sĩ được quan tâm đầu tư, công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ được triển khai tích cực.
Chung tay bằng tất cả tấm lòng
Trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, Quảng Ninh đóng góp nhiều sức người, sức của cùng với quân và dân cả nước giành lại độc lập, thống nhất đất nước. Hiện toàn tỉnh đang có hơn 48.600 người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ và đối tượng thờ cúng liệt sĩ, trong đó đối tượng đang hưởng trợ cấp hằng tháng là hơn 12.000 người. Quảng Ninh là một trong những địa phương luôn đi đầu trong công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng và gia đình chính sách, công tác "Đền ơn, đáp nghĩa" đã trở thành truyền thống mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc của Đảng bộ và chính quyền tỉnh.
Bên cạnh việc thực hiện tốt các chính sách của Trung ương để chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần người có công với cách mạng và các gia đình chính sách, tỉnh đã ban hành một số cơ chế, chính sách riêng cao hơn mức của Trung ương, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người có công với cách mạng và gia đình chính sách. Từ năm 2023, ngoài mức hỗ trợ do ngân sách Trung ương đảm bảo, tỉnh đã thực hiện mức điều dưỡng tập trung tại Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh là 1,8 triệu đồng/người/lần; hỗ trợ tổ chức tham quan các di tích lịch sử, văn hóa ở các địa phương trong nước theo chi phí thực tế, tối đa không quá 1,35 triệu đồng/người/lần; người có công điều dưỡng tại nhà được hỗ trợ tiền ăn 900.000 đồng/người/lần.
Việc thăm hỏi, tặng quà các gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng được thực hiện chu đáo, tận tình. Đặc biệt, mỗi dịp tháng 7 hàng năm, nhiều hoạt động “Đền ơn, đáp nghĩa” được các cấp, ngành, địa phương và nhân dân triển khai sâu rộng trên toàn tỉnh như: Tổ chức tuyên truyền ý nghĩa Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7) và các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước và của tỉnh đối với người có công; thăm và tặng quà người có công, gia đình chính sách; viếng nghĩa trang; tổ chức Lễ dâng hương và thắp nến tri ân các Anh hùng Liệt sĩ…
Phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa”, chăm sóc đời sống người có công với cách mạng tiếp tục được duy trì và phát triển, thu hút sự ủng hộ của các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và toàn xã hội. Đến nay, 100% xã, phường, thị trấn được công nhận thực hiện tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng; các hộ gia đình người có công của tỉnh có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú. Quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa” được phát huy hiệu quả với nhiều việc làm ý nghĩa, thiết thực như: Hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở; thăm hỏi, trợ cấp khó khăn; hỗ trợ học tập cho thân nhân người có công, gia đình chính sách; tu bổ sửa chữa bia mộ, nghĩa trang...
Các hoạt động xã hội hóa việc chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, giúp đỡ những người có công hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống được đẩy mạnh. Phong trào “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng” được thực hiện có hiệu quả; nhân dân tích cực ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”... Tiêu biểu như Hội LHPN duy trì các hoạt động thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ cho người có công và thân nhân liệt sĩ. Hội Cựu Chiến binh tỉnh triển khai hiệu quả chương trình xây dựng nhà “Nghĩa tình đồng đội” cho các thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách, người có công.
Tỉnh cũng chú trọng tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người dân, nhất là thế hệ trẻ về sự hy sinh, đóng góp to lớn của người có công với cách mạng. Từ đó phát huy tinh thần trách nhiệm chung sức, chung lòng chăm lo, đáp đền bằng những hoạt động thiết thực. Tiêu biểu như các cơ sở Đoàn trong tỉnh tổ chức các chuyến hành trình về nguồn, thăm địa chỉ đỏ trên địa bàn tỉnh; thăm, tặng quà cho gia đình chính sách, người có công; trồng cây xanh, vệ sinh nghĩa trang và đài tưởng niệm liệt sĩ; dâng hương, thắp nến tri ân tại các nghĩa trang liệt sĩ mỗi dịp 27/7 hàng năm… Tại các nhà trường, công tác giáo dục lịch sử, truyền thống đấu tranh hào hùng bất khuất của quân và dân ta trong công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc được quan tâm thực hiện thường xuyên, qua đó khơi dậy và bồi đắp lòng tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” trong các thế hệ học sinh.
Có thể khẳng định, với tình cảm, đạo lý và trách nhiệm, những năm qua, các cấp, ngành đã tập trung thực hiện hiệu quả các chế độ, chính sách dành cho người có công. Qua đó góp phần làm vơi đi những mất mát, đau thương của các gia đình chính sách; đồng thời, nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành và nhân dân đối với người có công, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc đối với thế hệ hôm nay.
Nguyên Ngọc
Liên kết website
Ý kiến ()