Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 19:16 (GMT +7)
Chất lượng dân số - Đảm bảo phát triển bền vững
Thứ 6, 29/04/2022 | 06:50:16 [GMT +7] A A
Để đạt được mục tiêu của chiến lược dân số đến năm 2030, ngành dân số Quảng Ninh luôn đề cao vai trò của công tác truyền thông nhằm thay đổi nhận thức, hành vi của từng nhóm đối tượng trong xã hội, góp phần duy trì và ổn định chất lượng dân số.
Những năm qua, Quảng Ninh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về công tác dân số, điển hình là kế hoạch chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trên địa bàn tỉnh đến năm 2030; kế hoạch thực hiện chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh đến năm 2030; chương trình củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ KHHGĐ đến năm 2030... Nhờ bám sát các kế hoạch hành động, công tác dân số trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả nhất định trong triển khai, thực hiện các chính sách, giải pháp công tác DS-KHHGĐ.
Tốc độ gia tăng dân số của tỉnh cơ bản được kiểm soát, cơ cấu dân số chuyển dịch từ cơ cấu dân số phụ thuộc sang cơ cấu dân số vàng, dân số trong độ tuổi lao động tăng mạnh. Tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong ở bà mẹ, trẻ em giảm mạnh. Công tác truyền thông được triển khai, với nhiều hình thức phong phú, dễ hiểu, phù hợp với từng nhóm đối tượng. Trong đó, chú trọng tư vấn trực tiếp cho các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, thanh niên, vị thành niên, các gia đình sinh con một bề…
Đến nay, tỷ lệ cặp nam, nữ thanh niên được tư vấn khám sức khỏe trước khi kết hôn chiếm 90%. Số cặp đôi có con trước độ tuổi kết hôn đã giảm 50%. Tỷ lệ các cặp hôn nhân cận huyết thống giảm còn dưới 2%; 70% phụ nữ mang thai được tầm soát ít nhất 4 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến, 90% trẻ sơ sinh được tầm soát 5 loại bệnh bẩm sinh phổ biến...
Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 quy mô dân số khoảng 1,5 triệu người, tỉnh đang vận động mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ sinh đủ 2 con để duy trì ổn định mức sinh; đảm bảo 100% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đều được tiếp cận, sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, thực hiện phòng tránh vô sinh và hỗ trợ sinh sản.
Tình trạng tảo hôn cơ bản được ngăn chặn, đặc biệt là hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số; giảm 50% các trường hợp người dân tộc thiểu số có con trước độ tuổi kết hôn theo quy định. Đưa tỷ số giới tính khi sinh dưới 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống; tỷ lệ trẻ em dưới 15 tuổi đạt khoảng 22%, tỷ lệ người trên 65 tuổi đạt khoảng 11,3%, tỷ lệ phụ thuộc chung dưới 50%.
Bên cạnh đó, ngành dân số tỉnh sẽ tiếp tục hoàn thành xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đẩy mạnh lồng ghép các yếu tố dân số vào xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH. Phát huy tối đa lợi thế cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số, đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, phát triển mạng lưới và nâng cao chất lượng dịch vụ về dân số. Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học, hoàn thiện hệ thống thông tin, số liệu dân số, đảm bảo nguồn lực cho công tác dân số…
Công tác truyền thông trên địa bàn tỉnh cũng được gắn với các mục tiêu của chiến lược dân số đến 2030 với trọng tâm chuyển từ DS-KHHGĐ sang dân số và phát triển. Vì thế, ngành dân số tiếp tục mở rộng các hình thức truyền thông, giáo dục thân thiện với trẻ vị thành niên, thanh niên; đề cao vai trò, trách nhiệm của gia đình, nhà trường và cộng đồng trong việc phổ biến kiến thức, kỹ năng về dân số, chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, giới tính, triển khai và mở rộng các mô hình nâng cao chất lượng dân số phù hợp với điều kiện, đặc thù của từng vùng, miền, ưu tiên vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Cùng với đó, đề cao tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách về công tác dân số, nhất là sinh đủ 2 con, nuôi dạy con tốt, gia đình hạnh phúc. Tiếp tục tập trung vận động sinh ít con hơn ở những nơi mức sinh cao; duy trì mức sinh thay thế; sinh đủ 2 con ở những nơi có mức sinh thấp...
Vân Anh
Liên kết website
Ý kiến ()