Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 30/11/2024 07:48 (GMT +7)
"Chất" Quảng Ninh
Chủ nhật, 16/08/2015 | 06:56:28 [GMT +7] A A
Nếu so với một số địa phương khác, dẫu sao điều kiện tự nhiên ở Quảng Ninh cũng đỡ khắc nghiệt hơn. Và vì thế, những thiệt hại do thiên tai gây ra cũng ở mức độ ít hơn. Đợt mưa lớn gây hậu quả nặng nề trong những ngày cuối tháng 7, đầu tháng 8 vừa qua thực sự là trường hợp khá bất thường. Nó mang lại không ít mất mát, đau thương cho người dân.
Nhưng trong sự mất mát đau thương ấy, có một điều rất đáng để nói, nó làm vợi đi rất nhiều nỗi đau mà thiên tai đã gây ra; đó là khi gặp hoạn nạn, người dân Quảng Ninh đã không bị hoang mang, lúng túng mà tất cả, từ các vị lãnh đạo cao nhất của tỉnh đến các cơ quan, ban, ngành, tổ chức đoàn thể và mỗi người dân đều chung tay góp sức nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra, cùng nhau chia sẻ, giúp đỡ người bị nạn khắc phục khó khăn. Không những thế, cách tổ chức cứu hộ cứu nạn, hỗ trợ người dân vùng thiên tai cũng rất khẩn trương và có hiệu quả. Chỉ qua việc tỉnh phối hợp với các lực lượng quân đội, công an v.v.. đưa đón du khách bị “mắc kẹt” ở Cô Tô trở về đất liền ngay trong những ngày mưa lũ đang diễn ra đã cho thấy điều đó. Hầu như ở những nơi khó khăn nguy hiểm nhất, người ta đều thấy sự hiện diện của các cán bộ lãnh đạo cao nhất của tỉnh; chính điều đó đã tạo nên sự đồng thuận của xã hội trong việc tập trung khắc phục thiên tai! Và nữa, khi thiên tai xảy ra, tỉnh cũng đã tiến hành vận động quyên góp hỗ trợ người bị nạn rất kịp thời và hiệu quả, lôi cuốn được đông đảo các tổ chức, cá nhân cả trong và ngoài tỉnh, hướng về Quảng Ninh… Nói cách khác, sau đợt mưa lũ lịch sử vừa qua, còn có nhiều điều cần bàn, cần rút kinh nghiệm về những nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan, trong công tác phòng chống thiên tai; nhưng qua đây cũng cho thấy một nét tính cách, có thể gọi là cái “chất” của người thợ mỏ, “chất” của người Quảng Ninh”; đó là ý thức tổ chức kỷ luật và đồng tâm để vượt qua khó khăn. Dường như cái nét đẹp vốn từng được hun đúc trong quá trình đấu tranh chống áp bức của thợ mỏ năm xưa đã trở thành bản sắc của người Quảng Ninh hôm nay. Và khi xảy ra thiên tai hoạn nạn, cái “chất thợ mỏ” ấy càng được thể hiện cách rõ nét hơn.
Nhân nói điều này lại nghĩ tới một chương trình lớn mà tỉnh đã và đang triển khai từ năm 2014, đó là việc xây dựng Thương hiệu Quảng Ninh gắn với Đề án “Nụ cười Hạ Long” nhằm quảng bá, tôn vinh hình ảnh Quảng Ninh như một “nơi cần đến, nơi đáng sống”… Thiết nghĩ, chính cái “chất thợ mỏ” mà chúng tôi đề cập ở trên nếu được trân trọng và biết cách phát huy, trở thành nét bản sắc văn hoá truyền thống, hẳn sẽ góp phần to lớn trong việc triển khai thành công chương trình này. Hay nói cách khác, việc xây dựng hình ảnh Quảng Ninh không thể không nhấn mạnh đến một nét đẹp văn hoá truyền thống của người thợ mỏ, đó là: KỶ LUẬT và ĐỒNG TÂM!
Chính điều này sẽ tạo nên một “lực hấp dẫn” cho vùng đất Quảng Ninh với bạn bè gần xa…
Trung Luận
Liên kết website
Ý kiến ()