Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 12:35 (GMT +7)
“Chìa khoá” phát triển bền vững
Thứ 4, 30/08/2023 | 17:35:30 [GMT +7] A A
Phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao luôn được Quảng Ninh xác định là một trong 3 đột phá chiến lược, là yếu tố quan trọng, nền tảng vững chắc tạo đà cho sự phát triển bền vững. Vì vậy, trong những năm qua, tỉnh đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Nhiều chính sách thu hút, đào tạo nguồn nhân lực
Xác định con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển xã hội, những năm qua Đảng bộ tỉnh luôn nhất quán quan điểm phát triển nguồn nhân lực chính là tạo đột phá chiến lược để phát triển. Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh đã thống nhất định hướng phát triển 3 khâu đột phá, 4 quan điểm giai đoạn 2020-2025. Trong đó, tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với tăng nhanh quy mô và nâng cao chất lượng dân số.
Theo đó, Quảng Ninh đã xây dựng và thực hiện nhiều quyết sách, cơ chế quan trọng để tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Nổi bật là Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh cải cách hành chính và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định số 2704/QĐ-UBND ngày 17/11/2014 của UBND tỉnh về phê duyệt quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định số 293/QĐ-UBND ngày 30/1/2015 của UBND tỉnh về phê duyệt đề án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng và phát triển toàn diện nguồn nhân lực tỉnh đến năm 2020; Nghị quyết số 35/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về việc quy định chính sách thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại Trường Đại học Hạ Long, Trường Cao đẳng Việt - Hàn Quảng Ninh, Trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh.
Tỉnh đã xây dựng các chính sách thu hút nhân tài riêng cho Trường Đại học Hạ Long, như: Chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về làm việc tại Trường Đại học Hạ Long giai đoạn 2015-2017 và kéo dài đến năm 2020; chế độ chi cho giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ thỉnh giảng tại trường; chế độ cho giảng viên thỉnh giảng, chính sách tạo nguồn giảng viên tiếng Nhật và chính sách hỗ trợ người học một số ngành nghệ thuật.
Cùng với thu hút nhân tài, tỉnh cũng quan tâm dành nguồn lực thỏa đáng cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức gắn với vị trí, việc làm, cơ cấu ngạch, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, tiêu chuẩn chức danh cán bộ, lãnh đạo quản lý, với hình thức đa dạng, như đào tạo, bồi dưỡng trong nước, nước ngoài, tập trung, trực tuyến... Đặc biệt, tỉnh đã xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2021-2025; kế hoạch nâng cao nhận thức về chuyển đổi số năm 2022, 2023...
Giai đoạn 2019-2022, có khoảng 96.000 lượt cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh được cử tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng. Trong đó có hơn 42.000 lượt cán bộ, công chức, hơn 54.000 lượt viên chức được đào tạo cao cấp, trung cấp lý luận chính trị, đại học, sau đại học, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, bồi dưỡng theo vị trí việc làm.
Tỉnh cũng đẩy mạnh liên kết vùng, hợp tác trong nước và quốc tế trong phát triển nguồn nhân lực. Trong đó đã ký kết thỏa thuận hợp tác đào tạo với các trường đại học hàng đầu Việt Nam và quốc tế như Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Ngoại thương, Trường Đại học Công nghệ Auckland (New Zealand)... nhằm liên kết đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh. Tăng cường đào tạo đối với các ngành, lĩnh vực quản trị kinh doanh, tài chính, ngân hàng, kinh tế, luật kinh doanh, thương mại quốc tế, du lịch; đào tạo trình độ sau đại học cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh, đào tạo giáo viên Trường Đại học Hạ Long, đồng thời thu hút nhân tài cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đổi mới, sáng tạo trong công tác phát triển nguồn nhân lực
Khẳng định xây dựng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, chính là “chìa khóa” cho sự phát triển bền vững, thời gian qua với các cơ chế, chính sách, tỉnh đã chủ động phát triển nguồn nhân lực gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động theo định hướng, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Theo thống kê qua 10 năm thực hiện các chính sách khuyến khích đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ,công chức và thu hút nhân tài, tỉnh đã thu hút được 344 người với kinh phí hỗ trợ gần 5 tỷ đồng; hỗ trợ đào tạo đại học, sau đại học đối với 692 cán bộ, công chức, viên chức; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị, quản lý nhà nước, tin học, ngoại ngữ, tiếng DTTS cho cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh; thưởng cho 478 người có tài năng, sinh viên giỏi với kinh phí 1,5 tỷ đồng.
Đặc biệt thực hiện, Nghị định số 140/2017/NQ-CP của Chính phủ về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ, từ năm 2019 đến nay, tỉnh đã tuyển dụng được 20 sinh viên, thạc sĩ được đào tạo bài bản.
Qua đó, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực về chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh. Đa số cán bộ, công chức, viên chức hiện nay được đào tạo cả về chuyên môn, lý luận, quản lý nhà nước, quản lý kinh tế; có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, từng bước trưởng thành, tiến bộ về trình độ, nhận thức, năng lực thực tiễn, phương pháp, tác phong, lề lối làm việc. Số lượng cán bộ, công chức có trình độ đào tạo sau đại học (thạc sĩ, tiến sĩ) tăng hơn 2,3 lần so với năm 2010; gần 63% số uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh có trình độ chuyên môn thạc sĩ, tiến sĩ (gấp gần 3 lần so với nhiệm kỳ trước).
Với mục tiêu đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng ngay từ khâu đào tạo, tỉnh chú trọng giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh từ bậc giáo dục phổ thông; phát triển đội ngũ nhà giáo trong các hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp... Đặc biệt, điều chỉnh hình thức đào tạo để gắn chặt với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp và thị trường lao động, bắt kịp xu hướng nhu cầu nghề nghiệp của xã hội, nhất là các ngành nghề có thế mạnh phát triển trên địa bàn tỉnh. Toàn tỉnh hiện có 42 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Thống kê của Sở LĐ-TB&XH, tổng số tuyển sinh, đào tạo nghề nghiệp toàn tỉnh từ đầu năm đến nay đạt 17.066 người.
Với quyết tâm đổi mới, sáng tạo, công tác phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh sẽ tiếp tục đạt nhiều kết quả, thành tựu mới, tạo nền móng quan trọng để Quảng Ninh bứt phá trong phát triển KT-XH cho giai đoạn tiếp theo.
Hiểu Trân
Liên kết website
Ý kiến ()