Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 03:00 (GMT +7)
Chia sẻ lợi ích, đồng hành phát triển
Chủ nhật, 07/07/2024 | 14:06:39 [GMT +7] A A
Du lịch cộng đồng đang được coi là loại hình du lịch mang lại nhiều lợi ích phát triển kinh tế bền vững nhất cho cư dân bản địa. Du lịch cộng đồng hay nói cách khác là chia sẻ lợi ích, đồng hành phát triển không chỉ giúp người dân bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái, mà còn bảo tồn và phát huy những nét văn hoá độc đáo của địa phương.
Du lịch cộng đồng thường được hiểu là hoạt động của một cộng đồng dân cư tham gia làm du lịch. Hoạt động này bắt đầu là tự phát ở những nơi có các di tích, danh lam thắng cảnh mà dân cư tại chỗ tham gia vào phục vụ nhu cầu của du khách. Có thể khái quát, du lịch cộng đồng là một mô hình phát triển du lịch, trong đó cộng đồng dân cư là người cung cấp các sản phẩm dịch vụ cho khách du lịch. Cộng đồng dân cư cũng chính là người có trách nhiệm bảo vệ tài nguyên du lịch và họ được chia sẻ các nguồn lợi kinh tế do phát triển du lịch tạo ra. Phát triển du lịch cộng đồng sẽ tạo ra thêm công ăn việc làm và tăng thêm thu nhập cho cộng đồng dân cư bản địa, góp phần cho việc xóa đói giảm nghèo của địa phương.
Những năm qua, du lịch cộng đồng ngày càng được mở rộng trên cả nước với nhiều mô hình phát triển khá thành công, như mô hình du lịch cộng đồng ở Làng du lịch cộng đồng Đá Bia (Hòa Bình), Khu Bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải (Thái Nguyên), Điểm bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ (Lai Châu), Cộng đồng du lịch làng chài Tân Thành (Quảng Nam)... Đây là các mô hình đã và đang thu hút đông đảo du khách trong nước, quốc tế tới trải nghiệm.
Quảng Ninh có nhiều điều kiện tự nhiên, xã hội để phát triển du lịch cộng đồng. Đó là khu vực các xã đảo vùng Hà Nam (TX Quảng Yên), với bề dày lịch sử cộng đồng cư trú hàng trăm năm, lưu giữ nhiều giá trị văn hoá truyền thống từ lâu đời. Đó còn là xã đảo Quan Lạn - Minh Châu (Vân Đồn). Những khu vực đồng bào dân tộc thiểu số sống tập trung như người Sán Chỉ ở xã Đại Dực (Tiên Yên), Húc Động (Bình Liêu); người Dao Thanh Y ở xã Bằng Cả (TP Hạ Long), người Tày ở xã Phong Dụ (Tiên Yên)…
Thực tế, Quảng Ninh đã phát triển mô hình du lịch cộng đồng như ở Khu du lịch làng quê Yên Đức (Đông Triều) và một số nơi đã được định hướng phát triển du lịch cộng đồng như khu du lịch Am Váp farm Kỳ Thượng, Khu bảo tồn văn hoá người Dao Thanh Y xã Bằng Cả, Làng văn hoá dân tộc Tày ở Đồng Đình… Trong số mô hình trên, Khu du lịch làng quê Yên Đức là ra đời sớm nhất và do doanh nghiệp đầu tư và tới nay thu hút nhiều du khách.
Tuy nhiên, có thể thấy các mô hình du lịch cộng đồng ở Quảng Ninh dù có tiềm năng lớn và được định hướng phát triển nhưng nhìn chung hiệu quả còn hạn chế bởi cơ bản chỉ thu hút khách chủ yếu vào dịp địa phương có lễ hội. Chất lượng dịch vụ và sản phẩm du lịch còn nghèo. Nguyên nhân chính có lẽ là sự vào cuộc, phối hợp giữa các doanh nghiệp, ngành du lịch, chính quyền địa phương và người dân chưa chặt chẽ, chưa thấy được hết lợi ích mà du lịch cộng đồng đem lại.
Tại tỉnh Lào Cai, thông tin từ ngành du lịch, tỉnh này hiện có trên 300 điểm lưu trú tại gia. Từ kinh doanh du lịch, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số đã cải thiện rõ rệt. Theo thống kê, các điểm du lịch ở Sa Pa có tốc độ xóa đói, giảm nghèo nhanh gấp 3 lần so với các thôn, bản không làm du lịch, nguồn thu của các hộ làm dịch vụ du lịch cũng cao gấp từ 5 lần so với các hộ khác. Ước tính ở Lào Cai, các điểm du lịch cộng đồng đã giải quyết việc làm cho hơn 2.600 lao động.
Theo các chuyên gia du lịch, mô hình du lịch cộng đồng ngoài ý nghĩa là sản phẩm du lịch hấp dẫn còn có ý nghĩa lớn hơn đó là góp phần thúc đẩy các chiến lược xóa đói giảm nghèo, tạo ra sinh kế đồng thời khuyến khích vai trò của người dân bản địa trong việc hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng và bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống văn hóa cũng như các di sản thiên nhiên tại địa phương.
Đại Dương
Liên kết website
Ý kiến ()