Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 19:33 (GMT +7)
Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030: Tăng cường đầu tư, đổi mới sáng tạo
Thứ 4, 29/12/2021 | 14:30:14 [GMT +7] A A
Hội nghị Văn hóa Toàn quốc một lần nữa khẳng định sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ nhằm khẳng định sức mạnh mềm của văn hóa. Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030, là tiền đề phát huy sức mạnh bền vững và tái khẳng định vị thế của văn hóa ngang tầm với kinh tế-xã hội.
Ba trụ cột triển khai Chiến lược văn hóa
Phát biểu tại Hội nghị Văn hóa Toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Nguyễn Văn Hùng nêu ba trụ cột trong quá trình triển khai Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030: tăng cường đầu tư, đổi mới sáng tạo và đột phá thể chế nhằm phát huy vai trò của trụ cột văn hóa gắn liền với trụ cột kinh tế, chính trị, xã hội theo hướng phát triển bền vững.
“Chú trọng đổi mới sáng tạo nhằm khuyến khích, phát huy tối đa các nguồn tài nguyên văn hóa, năng lực sáng tạo của toàn dân, đặc biệt là sức sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ để ngày càng có nhiều tác phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật có giá trị cao nhằm thực hiện nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện nhân cách con người Việt Nam như nhà thơ- Tổng Bí thư Trường Chinh từng viết ‘Dùng ngòi bút làm đòn xoay chế độ/Mỗi vần thơ, bom đạn phá cường quyền’. Tôn trọng quy luật riêng của nghệ thuật để có chính sách phù hợp nhằm khích lệ, động viên, hỗ trợ cho các văn nghệ sĩ trong sáng tác, sáng tạo nghệ thuật để tác phẩm được sống mãi với thời gian, bởi Văn học là nhân học”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu.
Trước đó trong Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030, Chính phủ giao Bộ VHTTDL là đầu mối chủ trì, xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược của ngành, đôn đốc các Bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố triển khai Chiến lược.
Chính phủ nêu rõ 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để thực hiện Chiến lược, trong đó có những nội dung quan trọng như: Hoàn thiện thể chế, chính sách, khung khổ pháp lý; Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện; Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế; Hoàn thiện cơ chế thị trường trong lĩnh vực văn hóa, ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa…
PGS.TS. Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam cho rằng chỉ còn 9 năm thực hiện Chiến lược văn hóa, thời gian không quá dài cho nên khối lượng công việc của ngành văn hóa rất lớn nhằm tạo ra môi trường lành mạnh để văn hóa phát triển. “Vấn đề quan trọng là cơ chế chính sách. Xây dựng nền văn hóa không phải riêng nhiệm vụ của Nhà nước cho nên cần cơ chế chính sách phát huy nguồn lực toàn xã hội, trong đó vẫn có những hạng mục cần vai trò của Nhà nước”, PGS.TS. Đỗ Văn Trụ nói.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Chấn hưng văn hóa là nhiệm vụ dài lâu
Gắn bó nhiều năm với ngành văn hóa, cũng là người được Thủ tướng ủy quyền ký Chiến lược Phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030, chủ trì phiên họp về nội dung này tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, chấn hưng văn hóa không phải làm cái gì khác đi mà chính là làm cho sáng hơn, phát triển hơn. Văn hóa bao hàm nhiều nội dung, có nhiều việc phải làm và thực hiện liên tục. “Chúng ta thường nói đã quán triệt đầy đủ tinh thần Nghị quyết, các chủ trương, chỉ thị, văn bản của Đảng và Nhà nước, nhưng khâu thực hiện còn yếu kém, do nguồn lực không đủ”, ông nói.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhắc lại câu chuyện nhiều người làm văn hóa luôn than khó, bởi văn hóa nếu chỉ nhìn ở tầm ngắn hạn thường không làm ra tiền, chỉ tiêu tiền nên dường như bị lép vế, không được đặt ngang với kinh tế và các lĩnh vực khác. Nhắc lại ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng nhất thiết phải đặt ra nhiệm vụ chấn hưng văn hóa dài lâu, kiên trì. Trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển, hội nhập và tiếp thu văn minh nhân loại, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu: “Chúng ta phải lưu ý, một mặt chống lai căng, mặt khác có nhiều lề thói cũng có thể gọi là biểu hiện về văn hóa đã không còn phù hợp thì cần mạnh dạn, cầu thị đổi mới”.
Cơ hội cho phát triển Công nghiệp Văn hóa
Trong 8 mục tiêu của Chiến lược phát triển Văn hóa Việt Nam đến năm 2030, có nội dung về phát triển công nghiệp văn hóa, cụ thể: Phấn đấu giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp văn hóa, nhất là các ngành điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, du lịch văn hóa, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, quảng cáo đóng góp 7% GDP; mức tăng trưởng giá trị gia tăng hàng năm trung bình đạt 7%. Phấn đấu có từ 01 đến 03 thành phố sáng tạo thuộc mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO ở các lĩnh vực thiết kế, ẩm thực, thủ công và nghệ thuật dân gian, nghệ thuật truyền thông nghe nhìn, điện ảnh, văn học, âm nhạc.
Thực tế, các ngành công nghiệp văn hóa hiện nay của Việt Nam chưa tạo được sự phát triển đột phá, chưa thu hút, hấp dẫn thị trường do chưa khai thác hiệu quả tiềm năng thế mạnh đến từ nguồn tài nguyên văn hóa vốn có. PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Phương, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng, muốn phát huy hiệu quả sức mạnh mềm văn hóa thông qua chuyển hóa các tài nguyên văn hóa thành các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa, từ góc độ thể chế Việt Nam cần xác định hệ thống quan điểm, mục tiêu, giải pháp phát triển công nghiệp văn hóa theo định hướng cụ thể.
Đó là phát triển công nghiệp văn hóa theo hướng hài hòa giữa kinh tế và văn hóa; bảo đảm yếu tố văn hóa và con người trong phát triển kinh tế; xây dựng và phát triển công nghiệp văn hóa thích ứng với xu thế phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và các công nghệ mới, hiện đại. Chủ động hợp tác, xúc tiến thương mại và quảng bá các sản phẩm công nghiệp văn hóa của Việt Nam ra thế giới nhằm mở rộng thị trường, phát huy sức mạnh mềm văn hóa, nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế.
Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam cũng nêu ra các nhóm giải pháp như: Kiện toàn khung khổ, thể chế chính sách; Hoàn thiện thị trường văn hóa, ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa; Đổi mới phương thức khai thác, tăng cường kết nối truyền thống với hiện đại trong sáng tạo, sản xuất, phân phối các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa…
NSƯT Trần Ly Ly, Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam chia sẻ : “Tôi được tiếp cận và trải nghiệm trực tiếp với khá nhiều các nền công nghiệp văn hóa trên thế giới cho nên luôn trăn trở, nguồn nhân tài, tiềm năng của Việt Nam mình khá lớn nhưng đang để rất lãng phí. Nhân tài rơi rụng ở đâu ấy, thành ra khi chúng ta làm sự vụ lớn đang rất khó.
Quan trọng là chiến lược của Chính phủ nhằm xây dựng công nghiệp văn hóa lâu dài và bền vững. Bền vững ở đây có có nghĩa là lớp lang, không ăn xổi xuất phát từ đào tạo, bắt đầu từ hôm nay để đặt nền móng cho 10 năm sau. Nhà nước có vai trò kiến tạo, chẳng hạn đề ra chính sách giảm thuế cho các chương trình nghệ thuật để thu hút nguồn lực tư nhân đầu tư cho nghệ thuật”.
PGS.TS. Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam nêu quan điểm, để phát huy sức mạnh mềm của văn hóa cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực. Ông đề xuất, Chính phủ cần chỉ đạo tổng kết việc thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được triển khai từ năm 2016 đến nay, đồng thời ban hành chiến lược mới phù hợp hơn với tình hình mới.
“Chúng tôi cũng đề nghị Chính phủ sớm ban hành chiến lược phát triển văn học, nghệ thuật Việt Nam trong điều kiện mới. Thực tế là từ tháng 9/1945 đến nay, chúng ta chưa hề có một chiến lược nào đối với sự phát triển của văn học, nghệ thuật và đây cũng là một trong những nguyên nhân cụ thể, trực tiếp của tình hình sa sút, kém phát triển, thiếu vắng những công trình, tác phẩm văn học, nghệ thuật đỉnh cao và của nhiều hạn chế khó khăn khác. Các chiến lược phát triển này cần được nghiên cứu, chuẩn bị và thẩm định khoa học, kỹ càng, để đảm bảo tính khả thi, tính định hướng, mở đường, bao trùm từ cơ chế lãnh đạo, quản lý, quy hoạch đội ngũ, giải pháp đột phá, kế hoạch triển khai, đảm bảo nguồn lực đầu tư và đặc biệt là phát triển đội ngũ và tổ chức”, PGS.TS. Đỗ Hồng Quân nêu.
Đầu tư tương xứng cho văn hóa
Đầu tư cho văn hóa còn khiêm tốn. Đây là nhận xét mà các nhà quản lý văn hóa, chuyên gia nhiều lần phản ánh, kiến nghị. Là một trong những chuyên gia chủ trì đề án xây dựng Hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”, GS.TS. Từ Thị Loan kể: “Một giám đốc Sở VHTTDL than với tôi, khi sắp xếp ngân sách thì văn hóa luôn xếp cuối cùng, sau những lĩnh vực nóng bỏng như xã hội, y tế, giáo dục... Do nhiều người nghĩ văn hóa “không cháy nhà chết người, chỉ là cờ đèn kèn trống” cho nên khi địa phương có sự bất ổn, gặp thiên tai liền cắt ngân sách văn hóa trước tiên. Đầu tư cho văn hóa mới chưa đầy 2%, tuy nhiên ở nhiều địa phương không đạt được số đó.
Khi tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa 8, có địa phương như Long An đầu tư cho văn hóa chỉ đạt 0,91%, ở Mường Nhé (Điện Biên) thậm chí chỉ có 0.38%. Đầu tư ngân sách kêu gọi xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa khó nhất. Chính vì nhiều địa phương luôn nghĩ văn hóa là cờ đèn kèn trống nên đầu tư kinh phí ít thành ra biến thành hoạt động phong trào, cổ động băng rôn mang nặng tính hình thức, vừa tốn kém vừa không đi vào thực chất”.
GS. Từ Thị Loan cho rằng, bên cạnh nguồn lực tài chính đầu tư không tương xứng, nguồn nhân lực văn hóa nghệ thuật, công chức văn hóa chất lượng chưa cao. Chẳng hạn điểm chuẩn vào trường ĐH Văn hóa-đạo tạo đội ngũ công chức viên chức văn hóa- có mức điểm rất thấp, chiêu sinh khó khăn. Một khi nguồn nhân lực yếu kém về năng lực kéo xuống. “Đảng, Nhà nước xác định văn hóa là nền tảng tinh thần, Bác Hồ xác định “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thì văn hóa còn là sức mạnh nội sinh. Tuy nhiên đi vào thực tế chúng ta thấy ở nhiều nơi, văn hóa chỉ là bánh xe thứ 5 mang tính chất dự phòng, không bao giờ được coi là trụ chính để phát triển”, GS. Từ Thị Loan nêu.
PGS.TS. Đỗ Hồng Quân đề xuất, về cơ chế đầu tư và phát triển các nguồn lực, cần có sự đổi mới căn bản và toàn diện theo hướng: Tăng cường các nguồn lực đầu tư từ Nhà nước về tài chính, cơ sở vật chất và nhất là về cơ chế, nhưng phải xác định đầu tư đúng trọng tâm, trọng điểm thì mới phát huy được hiệu quả tối ưu, tránh lãng phí; cần ưu tiên đầu tư để phát triển đội ngũ và tổ chức, ươm tạo và bồi dưỡng nhân tài.
“Bên cạnh đó cũng dành sự ưu tiên đầu tư phát triển những ngành đào tạo, những môn nghệ thuật không thể thích ứng hoặc khó thích ứng được với cơ chế thị trường, nhưng vô cùng cần thiết với sự phát triển của toàn lĩnh vực và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, như nghiên cứu phê bình lý luận, những môn nghệ thuật hàn lâm, những loại hình nghệ thuật truyền thống cần được “bảo vệ khẩn cấp”… đồng thời cũng ưu tiên “đầu tư mồi” (seed funding) cho các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ văn hóa, sáng tạo để giúp cho những doanh nghiệp này có thể khởi nghiệp và phát triển.
Trong bối cảnh hiện nay, Nhà nước cần có cơ chế để đa dạng hóa nguồn lực đầu tư, nhất là thu hút các nguồn đầu tư từ ngoài ngân sách nhà nước, từ xã hội và nhất là từ cộng đồng doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nước ngoài, phải theo những quy định, cơ chế cụ thể”, ông Quân nói.
Theo tienphong.vn
- Thị trường nghệ thuật-khuôn mặt mờ nhạt
- Hội nghị Văn hóa toàn quốc trực tuyến
- Hội nghị Văn hóa toàn quốc: Văn hóa không chỉ để tự hào, phải biến thành sức mạnh mềm của đất nước
- Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người
- Thủ tướng Phạm Minh Chính dự chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng Hội nghị Văn hóa toàn quốc
Liên kết website
Ý kiến ()