Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 06:10 (GMT +7)
Chinh phục vùng đất khó
Chủ nhật, 10/11/2024 | 14:23:54 [GMT +7] A A
Đầu tháng 10, tôi được một đồng nghiệp công tác bên Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam giới thiệu về các khai trường đặc thù nhất của Tập đoàn. Chúng tôi ấn tượng nhất và quyết định về thăm Đồng Rì.
Tiên phong chinh phục
Xa xôi, than xấu... là đôi nét về mỏ Đồng Rì thuộc huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang. Mỏ thuộc sự quản lý của Công ty 45-Tổng Công ty Đông Bắc. Mỏ kề vùng than Yên Tử và xa trung tâm điều hành nhất của Tổng Công ty nhưng lại là nơi bao thế hệ cán bộ, kỹ sư từ Vùng mỏ Quảng Ninh hành quân về chinh phục. Liên hệ với Công ty, được sự hướng dẫn của Thượng tá Phạm Văn Lượng, Trưởng phòng Chính trị, chúng tôi lên kế hoạch về thăm mỏ. Anh Lượng còn cẩn thận dặn: Đường rừng khó đi lắm đấy anh ạ!
Sớm hôm sau, chỉ mất chừng 50 phút, chúng tôi đã hành quân từ Hạ Long qua xã Tân Dân (TP Hạ Long) tới giáp Bắc Giang để tới Đồng Rì (thị trấn Tây Yên Tử, Sơn Động, Bắc Giang). Đường đi thuận lợi khiến tôi quên ngay lời dặn của anh Lượng. Số là để tránh đèo Hạ My, chúng tôi đi theo tuyến đường vận tải của mỏ Đồng Rì, song song với đèo Hạ My để về Đồng Rì. Hết Tân Dân, xe đi đường rừng. Chiếc bán tải bắt đầu gằn lên, lên dốc, xuống đèo, qua những con dốc khúc khuỷu và những con đập tràn ngập nước lũ ngang ống xả. Mất cả tiếng đồng hồ quanh co, trèo đèo lội suối, chúng tôi đã tới Đồng Rì.
Tiếp chúng tôi là Thượng tá Nguyễn Thanh Tuấn, Bí thư Đảng ủy Công ty, người đã có nhiều năm gắn bó với Đồng Rì. Anh Tuấn kể: Công ty vốn tiền thân là đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng. Qua nhiều lần đổi tên, tháng 9/2019, Công ty đã được thành lập với tên mới Công ty 45 (Chi nhánh Tổng Công ty Đông Bắc).
Đồng Rì vốn là vùng sâu, xa, địa hình hiểm trở, than xấu. Con đường chúng tôi vừa đi chính là tuyến đường chuyển than của mỏ. Đồng Rì của khoảng hơn 20 năm trước là mỏ trữ lượng lớn nhưng nhiều khó: Khó khăn về điện, về đường, giữa rừng sâu núi thẳm, địa chất khó - phức tạp bậc nhất ngành than. Có lẽ, quá nhiều khó khăn bủa vây khiến nhiều đơn vị trong và ngoài Bộ Quốc phòng đều ngại khi tiếp quản. Đó là chưa kể khai trường, địa bàn bảo vệ rộng, lực lượng phân tán, phương tiện thô sơ, nạn ăn trộm tài nguyên phức tạp… vốn là vấn nạn hoành hành, có ở khắp vùng có than thời đó.
Giữa muôn vàn khó khăn đó, Đồng Rì được giao cho Công ty 45. Một trong những "dũng tướng" tiên phong về Đồng Rì là Trung tá Lê Toan, kinh qua nhiều ở các “chiến trường” than thổ phỉ nổi tiếng ở Quảng Ninh như: Hà Ráng, Cẩm Phả nóng bỏng những năm 1988.
Đồng Rì khi đó như “kho vàng đen” tưởng chừng dễ bị lãng quên, ngoài khả năng chinh phục. “Đồng Rì nằm giữa rừng sâu, đi lại cực khó khăn mà lính, kỹ sư của tôi còn trẻ măng, thiếu kinh nghiệm. Tôi nhớ, lần đầu vào mỏ từ Hoành Bồ trên xe U-oát mạnh mẽ, từ sáng sớm tới trận 12h trưa mới tới nơi khiến tôi cũng toát mồ hôi hột” - Trung tá Toan kể.
Không chỉ Trung tá Toan, trong suy nghĩ của Thượng tá Nguyễn Văn Lương (Trưởng phòng An toàn - Bảo hộ lao động) và những người tiên phong nhớ rõ hoàn cảnh khó khăn. Khi đó điện sử dụng cho sản xuất là điện máy phát, đường vận tải là đường lâm sinh tan nát, đất sét trơn trượt, vô số ổ trâu… khiến việc khai thác, vận chuyển than vô cùng khó khăn. Nhưng trước núi khó khăn đó, Trung tá Toan đã ưu tiên sửa đường; tăng cường sàng lọc than ngay từ cửa lò, nâng phẩm cấp than... Mất nửa năm làm đường, hơn 1 năm trời nâng phẩm cấp than cùng bao nỗ lực, sản xuất bắt đầu khởi sắc, có lãi. Cứ thế, trước bao khó khăn, những thế hệ đi trước như Trung tá Toan, Thượng tá Lương đã bước đầu tìm ra lời giải cho “mỏ vàng đen” giữa rừng sâu.
Tiếp sức, hồi sinh vùng đất khó
Từ Văn phòng Công ty, chỉ cho chúng tôi bao quát khai trường cách đó không xa, Thượng tá Nguyễn Thanh Tuấn cho biết: Có được diện mạo đẹp, gọn như vậy là cả một quá trình sáng tạo, quan tâm đầu tư về máy móc, công nghệ, nhân lên nhiệt huyết của các kỹ sư.
Quả thật, tiếp bước bao thế hệ, những kỹ sư, thợ mỏ ở đây đã cống hiến kiến thức và cả thanh xuân đổi thay Đồng Rì từ thuở khởi đầu nan. Có lẽ, xuất thân con nhà khó, Đồng Rì là nơi tận dụng tốt nhất nguồn tài nguyên khai thác được, con người và máy móc cũng được trân trọng nhất.
Thay vì sức người đẩy goòng, “xúc bằng tay, quay bằng sườn”, có thể thấy, giai đoạn 2006-2015, Công ty có sự thay đổi lớn, đẩy nhanh tiến độ dự án mỏ, nâng công suất phục vụ Nhà máy Nhiệt điện Sơn Động. Ngoài đổi thay về mô hình hoạt động, Công ty tập trung đầu tư trang thiết bị. Từ khai thác thô sơ, Đồng Rì đã đầu tư cả trăm tỷ đồng cho thiết bị khai thác hiện đại, như chống thủy lực di động, hệ thống quạt gió đảo chiều cải thiện môi trường làm việc…
Điểm nhấn chính là việc áp dụng công nghệ hiện đại như: Áp dụng giá thủy lực di động giàn mềm ZRY, liên kết khung ZH hiện đại; máy xúc trong lò, băng tải cong; băng vận tải liên tục nâng năng suất than hầm lò... Nhờ đó, gần đây Công ty không chỉ đủ sản lượng cấp cho nhiệt điện mà còn vượt kế hoạch từ 1-5%, “lọc”, nâng phẩm cấp than xấu lên cám 5. Thu nhập bình quân 2-3 năm gần đây của hơn 1.400 công nhân liên tục được cải thiện tăng từ 15-21 triệu đồng/tháng như hiện nay, tăng trung bình 2-6%/năm.
Sức trẻ khai phá tầng sâu
Đưa chúng tôi xuống khai trường, kỹ sư trẻ Hán Công Việt (Phòng Kỹ thuật - Môi trường), chàng trai người Phú Thọ chừng 40 tuổi, gắn bó từ khi dự án mỏ triển khai, đã cống hiến gần 20 năm thanh xuân cho Đồng Rì. Anh kể: Đồng Rì nổi tiếng là vùng địa chất phức tạp, chinh phục những phay, phá, vỉa than cũng như việc hoàn nguyên, đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường… rất tốn công phu.
Cùng với máy móc, các thế hệ kỹ sư ở đây đã dành cả thanh xuân, sức trẻ của mình làm nền tảng cho sự phát triển của công nghệ. Đó là những người tiên phong gắn bó với dự án mỏ từ những ngày đầu, tập trung nghiên cứu về tầng địa chất nổi tiếng phức tạp, chinh phục những phay, phá, vỉa liên tục bị sập hay thu hẹp bằng những sáng kiến, cải tiến kỹ thuật.
Việt tâm sự, lúc đầu, về nơi xa xôi, tù mù, không thông tin liên lạc nhưng Công ty luôn quan tâm đào tạo, tạo điều kiện học tập, tăng lương, khuyến khích. Nay Đồng Rì có lẽ đã như máu thịt với Việt.
Tới phòng điều khiển thiết bị mỏ ở mặt bằng khai thác hầm lò, chúng tôi gặp anh Hoàng Thế Quyền, kỹ thuật viên (Công trường 8). Anh Quyền gắn bó với mỏ từ thuở sơ khai (năm 2008). Làm nông, bám rừng không đủ chăm lo cho đại gia đình hai thế hệ, gồm ông bà, vợ và 3 con. Cho tới khi Công ty thông báo tuyển dụng, đào tạo nghề miễn phí. Những tưởng chỉ gắn bó với mỏ 5 năm theo cam kết. Ấy thế mà con số này đã… gần 20 năm.
“Công việc ban đầu vất vả, nay nhàn hơn khi ngày càng có nhiều máy móc thay thế. Công nhân, từ đẩy goòng chuyển than, đi bộ, nay thay bằng đi tời xuống lò, băng chuyền tải than. Công việc của kỹ thuật vận hành tụi em cũng nhẹ nhiều”. Theo anh Quyền tâm sự, lương từ vài triệu nay lên 15-17 triệu đồng/ tháng và có thể tăng cao theo sản lượng.
Với công nhân ở xa còn được bố trí ở cư xá tập thể khang trang xây hơn 100 tỷ đồng, “bao cấp” từ giường, tủ, bàn ghế… tới chiếc thùng rác. Với người ở gần công ty bố trí xe đưa đón, hết ca lại về với gia đình. Như thế đã quá tốt với người địa phương, vốn trước chỉ biết bấu víu vào rừng.
Câu chuyện của anh Quyền, Việt và cũng là tâm tư, mong muốn của nhiều kỹ sư trẻ, công nhân địa phương, là “chất keo” gắn bó họ với Đồng Rì hơn. Nhiều người nuôi sống được gia đình, dành tiền xây nhà, cho con đi học, cải thiện đời sống nhờ gắn bó với mỏ.
Rời Đồng Rì, tôi còn nhớ lời của các kỹ sư trẻ cũng như kỳ vọng của nhưng người tiên phong như Thượng tá Toan rằng: Dưới sâu trong lòng vùng đất này, mạch than còn rất nhiều, trữ lượng rất lớn, chất lượng than rất đẹp. Một ngày nào đó, công nghệ và sức trẻ sẽ khai phá được hết tiềm năng còn đang ngủ yên ở Đồng Rì.
Hà Phong
Liên kết website
Ý kiến ()