Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 14:24 (GMT +7)
Chủ động nguồn hàng nội tỉnh
Thứ 3, 17/08/2021 | 08:10:59 [GMT +7] A A
Dịch bệnh đang có diễn biến hết sức phức tạp, làm ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, sinh hoạt và sản xuất của người dân. Trước tình hình đó, tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng, triển khai các phương án sẵn sàng, chủ động nguồn hàng nội tỉnh, không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa cho người dân trên địa bàn tỉnh.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT, trong 7 tháng năm 2021, tình hình sản xuất nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh đạt sản lượng lớn, cơ bản đáp ứng nhu cầu của tiêu thụ người dân trong tỉnh. Điển hình, tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ mùa ước đạt trên 14,6 nghìn ha, tăng 29,8% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, diện tích lúa mùa đã gieo cấy ước đạt gần 11.000ha, tăng 24% so với cùng kỳ; diện tích mạ đã gieo ước đạt 792ha, tăng 58,4% so với cùng kỳ; cây rau đạt gần 1.400ha, tăng 141% so với cùng kỳ... Tình hình chăn nuôi phát triển theo hướng ổn định, đàn trâu hiện có trên 32.700 con, bằng 89,1% so với cùng kỳ năm 2020; đàn bò có trên 36.800 con, bằng 138% so với cùng kỳ; đàn lợn có trên 283.000 con, bằng 120,5% so với cùng kỳ.
Về tình hình nuôi trồng thủy sản, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh ước đạt 20.900ha, bằng 98% so với kế hoạch năm 2021, tương đương cùng kỳ năm 2020. Tính đến hết tháng 7, tổng sản lượng thủy sản ước đạt gần 80.000 tấn, bằng 53,3% kế hoạch, bằng 102,6% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó sản lượng khai thác đạt 43.200 tấn, sản lượng nuôi trồng đạt trên 36.700 tấn.
Cùng với đó, để chủ động sản xuất, cung ứng nguồn hàng cho người dân trước mọi diễn biến của dịch bệnh, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo cho các huyện, thị xã, thành phố đảm bảo dự trữ đủ số lượng, chủng loại hàng hoá lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, hàng hoá thiết yếu và vệ sinh an toàn thực phẩm trong trường hợp giãn cách xã hội một tháng trên địa bàn theo chỉ tiêu được giao. Tới nay, các địa phương đang tích cực tăng gia sản xuất, đảm bảo nguồn hàng hóa và sẵn sàng luân chuyển nguồn hàng trong nội tỉnh đáp ứng đủ nhu cầu sinh hoạt của người dân trong mọi điều kiện của dịch bệnh.
Theo thông tin từ Phòng NN&PTNT huyện Bình Liêu, hiện nay, huyện đã tăng cường việc gieo trồng, sản xuất nông sản, cây vụ mùa trên địa bàn. Toàn huyện đã gieo cấy được 497,9ha lúa, đạt 98,5% so với kế hoạch, năng suất lúa đạt 45,8 tạ/ha; trồng 372,5ha cây ngô xuân, đạt 98,7% kế hoạch, năng suất đạt 36,1 tạ/ha; trồng rau đạt 226,4ha, đạt 99,4% kế hoạch, năng suất đạt 113,2 tạ/ha...
Cùng với đó, phòng đã thực hiện tham mưu cho huyện chủ động các nguồn hàng hóa thiết yếu đảm bảo nhu cầu của người dân: Gạo, bột canh, muối, dầu ăn, nước mắm, rau, thịt, trứng... theo đúng chỉ đạo của tỉnh. Thời gian tới, trước diễn biến hết sức phức tạp của dịch bệnh, huyện sẽ tiếp tục đôn đốc người dân tăng gia sản xuất, nâng cao sản lượng cây lương thực, thực phẩm để đảm bảo nhu cầu tiêu thụ trên địa bàn.
Cùng với sự chủ động của các địa phương trong việc tự chủ nguồn hàng hóa thiết yếu, các hệ thống siêu thị trên địa bàn tỉnh như: GO!, Vinmart, MM Mega Market, Lan Chi... cũng đều tăng lượng hàng hoá dự trữ lên so với bình thường. Trong đó, tập trung với các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu.
Hiện, để đáp ứng nhu cầu của người dân, Sở Công Thương đã chủ động triển khai các giải pháp giữ cho nguồn hàng hóa trên địa bàn tỉnh luôn được lưu thông như: Khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh bán hàng online, tránh tình trạng tập trung đông người; xây dựng phương án cho lực lượng giao hàng an toàn; chủ động phối hợp với địa phương để nắm bắt nhu cầu hàng hóa; dự trù khả năng và các phương án cung ứng phù hợp trước diễn biến của dịch bệnh...
Cùng với đó, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương đã chủ động xây dựng các phương án kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo lưu thông đối với hàng hóa thiết yếu trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp. Theo đó, rà soát, bố trí các điểm tiếp nhận hàng hóa thiết yếu trong trường hợp thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Đăng tải danh sách các điểm bán thực phẩm thiết yếu (địa chỉ, số điện thoại, mặt hàng...) trên các phương tiện truyền thông của địa phương, qua tổ trưởng tổ dân khu phố, để người dân nắm bắt thông tin, chủ động mua hàng hóa thiết yếu nơi gần nhất giảm nguy cơ tập trung đông người. Yêu cầu các địa phương phối hợp với Sở Công Thương để điều tiết lượng hàng hóa còn dư thừa sang địa phương khác trên địa bàn tỉnh.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn ra hết sức phức tạp, đe doạ đến sức khoẻ, tính mạng nhân dân và ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và những năm tiếp theo, tỉnh Quảng Ninh luôn chủ động trước mọi tình huống để ứng phó với dịch bệnh song song với việc đảm bảo an toàn, đầy đủ cho người dân, góp phần thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng dịch, vừa phát triển kinh tế.
Minh Đức
Liên kết website
Ý kiến ()