Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 01:29 (GMT +7)
Chủ động phòng, chống cháy rừng
Thứ 2, 14/10/2024 | 10:08:00 [GMT +7] A A
Thời tiết khô hanh, ít mưa, dễ phát sinh hỏa hoạn; đặc biệt sau bão số 3, cây rừng bị gãy đổ, trở thành vật liệu dễ cháy. Để đảm bảo an toàn về tài sản, tính mạng, người dân cần nâng cao ý thức, cẩn trọng trong hành vi để phòng, chống cháy rừng.
Cánh rừng rộng gần 60ha trồng cây keo tai tượng và bạch đàn của hộ ông Lưu Văn Đông (phường Vàng Danh, TP Uông Bí) đã gãy, đổ hoàn toàn sau bão số 3. Những ngày này gia đình ông tập trung thu dọn rừng để tận thu gỗ, chuẩn bị cho tái sản xuất.
Ông Đông cho biết: Địa phương đã có nhiều hình thức tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn người dân, hộ trồng rừng về nêu cao ý thức, trách nhiệm phòng cháy rừng thời điểm này, nhất là phải chủ động, thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin, thông báo của lực lượng chức năng, có phương án hiệp đồng khi có sự cố phát sinh... để hạn chế thấp nhất thiệt hại. Gia đình tôi đang tập trung xử lý những cây bị gãy đổ; huy động nhân công mở nhanh tuyến đường băng cản lửa; rà soát để phòng ngừa các nguy cơ cháy rừng tiềm ẩn.
Những ngày qua trên địa bàn toàn tỉnh phát sinh cháy rừng liên tiếp xảy ra. Dù không có thiệt hại về người, các đám cháy đều được các lực lượng hiệp đồng xử lý nhanh chóng, nhưng đây là hồi chuông cảnh báo về nguy cơ hỏa hoạn. Khoảng hơn 10 giờ ngày 6/10, tại khu 7A (phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả) xảy ra vụ cháy làm thiệt hại gần 10ha rừng. Do thời tiết gió mùa, cộng với nhiều cành cây khô gãy đổ sau bão, khiến cho đám cháy lan rộng, các lực lượng gặp không ít khó khăn trong quá trình dập lửa. Trước đó ngày 4/10, tại khu vực từ khu 5 đến khu 7 (phường Hồng Hà, TP Hạ Long) xảy ra cháy rừng; các lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH, Kiểm lâm, Ban CHQS TP Hạ Long, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Cảng Hòn Gai, Hải đội Biên phòng 2, Lữ đoàn 170, phường Hồng Hà và các phường lân cận cùng tham gia xử lý. Nguyên nhân khiến ngọn lửa bốc lên, lan nhanh chóng là bởi thời tiết hanh khô, lượng lớn chất cháy là các cây bị đổ gãy sau bão...
Để công tác bảo vệ rừng hiệu quả, những năm qua các địa phương trong tỉnh đều chủ động xây dựng kế hoạch tăng cường bảo vệ rừng và phòng, chống cháy rừng. Trọng tâm là triển khai có hiệu quả phương châm "4 tại chỗ" (chỉ huy, lực lượng, phương tiện, hậu cần tại chỗ) khi có cháy rừng. Các đội nghiệp vụ tại cơ sở được thành lập, thường xuyên tuần tra, kiểm soát, canh gác lửa rừng, phát hiện sớm nguy cơ cháy và có phương án hiệp đồng khi có sự cố phát sinh. Đồng thời tăng cường tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các chủ rừng sản xuất, đặc biệt là các chủ rừng nhỏ lẻ, cam kết trong việc phòng, chống cháy rừng. Người dân cần nêu cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ rừng, không tự ý đốt thực bì; việc thu gom cây, cành bị gãy đổ tuân thủ các quy định, đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy.
Ngày 1/10/2024, UBND tỉnh đã ban hành Văn bản số 2832/UBND-KTTC về việc phát động đợt cao điểm hỗ trợ thu dọn, vệ sinh rừng, tận thu, tận dụng lâm sản trên diện tích rừng bị thiệt hại do bão số 3 gây ra. Theo kế hoạch, chiến dịch sẽ được hoàn thành trước ngày 31/10/2024. Triển khai văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, các địa phương đã tập trung xây dựng kế hoạch ra quân hỗ trợ các chủ rừng thu dọn, vệ sinh rừng, tận thu lâm sản trên diện tích rừng bị thiệt hại; dọn dẹp vệ sinh đảm bảo lưu thông tuyến đường vận xuất, vận chuyển lâm sản. Quá trình triển khai, các địa phương phải tăng cường tuyên truyền về Luật Phòng cháy và chữa cháy cho các hộ dân, nhất là những hộ dân sinh sống gần rừng...
|
Hoàng Giang
Liên kết website
Ý kiến ()