Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 14/11/2024 18:16 (GMT +7)
Chủ động phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm
Thứ 2, 08/05/2023 | 09:56:46 [GMT +7] A A
Tính đến nay, trên thế giới đã ghi nhận khoảng 678 triệu ca mắc COVID-19, trên 6,7 triệu ca tử vong kể từ đầu dịch. Trong năm 2022, thế giới ghi nhận 371,5 triệu ca mắc và 1,2 triệu trường hợp tử vong. Thế giới cũng liên tục ghi nhận sự xuất hiện các biến thể mới và dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu ổn định.
Bên cạnh đại dịch COVID-19 các dịch bệnh khác cũng diễn biến bất thường. Bệnh cúm mùa hàng năm vẫn ghi nhận khoảng hơn 1 tỷ trường hợp mắc, khoảng 3-5 triệu ca bệnh nặng và khoảng 291.000-646.000 ca tử vong. Bệnh đậu mùa khỉ và viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân đã xuất hiện và lây lan tại nhiều quốc gia. Bên cạnh đó số ca mắc sốt xuất huyết trong năm 2022 cũng tăng cao tại nhiều quốc gia.
Còn tại Việt Nam, từ đầu dịch đến nay cả nước ghi nhận trên 11,5 triệu ca mắc COVID-19 và trên 43.000 trường hợp tử vong. Năm 2022, cả nước có trên 9,7 triệu ca mắc, tỷ lệ ca nhiễm/1 triệu dân là 116.471 ca; có gần 10.800 ca tử vong, chiếm tỷ lệ 0,11% trên tổng số ca mắc của cả năm 2022. Đến nay, Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19.
Một số bệnh truyền nhiễm khác cũng được ghi nhận tái xuất hiện, gia tăng cục bộ tại một số tỉnh, thành phố ở nước ta như cúm gia cầm A/H5N1 (1 ca tại tỉnh Phú Thọ), sốt xuất huyết Dengue có số ca mắc tăng cao hơn 5 lần và số tử vong tăng 5,3 lần so với năm 2021. Trong năm cũng ghi nhận 2 trường hợp đậu mùa khỉ là các trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài.
Ngoài ra, hầu hết các dịch bệnh truyền nhiễm khác ổn định, không ghi nhận các ổ dịch lớn trong cộng đồng; số ca mắc, tử vong giảm so với cùng kỳ năm 2021. Các dịch bệnh lưu hành, các bệnh có vắc xin dự phòng trong nước như cúm, tay chân miệng, sốt rét, sởi... cơ bản được kiểm soát.
So với cả nước, Quảng Ninh là địa phương đi đầu trong công tác phòng chống dịch COVID-19. Từ đầu dịch cho đến nay ghi nhận 361.463 ca mắc COVID-19 (228 ca nhập cảnh, 361.235 ca nội địa), tử vong 163 ca. Tính riêng năm 2022 toàn tỉnh có 357.899 ca mắc COVID-19 (111 ca nhập cảnh, 357.788 ca nội địa), chiếm 99,01% tổng số ca mắc tích lũy từ đầu vụ dịch đến nay. Số ca mắc COVID-19 đã giảm dần trong 4 tháng gần đây và hiện chỉ ghi nhận một vài ca mắc rải rác trong tuần.
Đối với các dịch bệnh nguy hiểm, dịch bệnh mới nổi, tái nổi khác, năm 2022, Quảng Ninh không ghi nhận các trường hợp mắc đậu mùa khỉ, viêm gan cấp không rõ nguyên nhân; không ghi nhận các trường hợp mắc MERS-CoV, cúm gia cầm độc lực cao gây bệnh cho người (A/H5N1, A/H5N6) và cúm A/H7N9 trên người,...
Tuy nhiên, năm 2022 toàn tỉnh ghi nhận 921 ca sốt xuất huyết (803 ca dương tính), tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2021 (457 ca). Trong đó có 621 ca nội địa, 182 ca xâm nhập (chủ yếu từ các tỉnh phía Nam và Hà Nội). Năm 2022 ghi nhận 119 ổ dịch trên địa bàn tỉnh, riêng thành phố Hạ Long ghi nhận 83 ổ dịch lớn nhỏ. Tất cả các ổ dịch đều được chỉ đạo và xử lý kịp thời, không ghi nhận trường hợp tử vong.
Cùng với đó, năm 2022, toàn tỉnh ghi nhận 346 ca mắc tay chân miệng lâm sàng, 3 ca dương tính với vi rút đường ruột, cao hơn nhiều so với năm 2021 (31 ca mắc). Ngành y tế cũng giám sát 80 ca sốt phát ban nghi sởi/rubella nhưng kết quả xét nghiệm khẳng định không ghi nhận trường hợp dương tính với sởi; giám sát 2 trường hợp ho gà lâm sàng, kết quả xét nghiệm đều âm tính; ghi nhận 2 trường hợp mắc liên cầu lợn tại Uông Bí, Quảng Yên.
Ngoài ra, một số bệnh dịch khác đều giảm trong năm 2022 như: không ghi nhận trường hợp tử vong do dại, giảm so với năm 2021 (3 ca tử vong); ghi nhận 175 ca mắc thủy đậu, giảm 54,4% so với năm 2021 (384 ca); 27 ca mắc quai bị, giảm so với năm 2021 (40 ca).
Theo đánh giá chung của ngành y tế về tình hình dịch bệnh tại địa phương, bệnh sốt xuất huyết tiếp tục xuất hiện tại các địa phương và tập trung chủ yếu tại các địa phương đông dân cư như Hạ Long, Quảng Yên, Uông Bí, Đông Triều... Việc kiểm soát chặt chẽ và sự phối hợp vào cuộc của các ban ngành đoàn thể trong công tác phòng chống dịch đã nhanh chóng kiểm soát và giảm nguy cơ bùng phát dịch trên toàn tỉnh. Bệnh có vắc xin trong chương trình tiêm chúng mở rộng (sởi, ho gà, viêm não...): xuất hiện rải rác các ca lâm sàng. Các bệnh có thể xuất hiện và bùng phát nếu tỷ lệ tiêm chủng không cao và tích lũy số chưa có miễn dịch do chưa được tiêm phòng sau nhiều năm.
Hiện nay, dịch COVID-19 trên thế giới chưa có dấu hiệu thoái lui, tình hình dịch bệnh COVID-19 được nhận định sẽ diễn biến phức tạp. Đặc biệt sau khi khi các quốc gia nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch, thay đổi cấp độ dịch, mở cửa thông thương, nhu cầu đi lại, di chuyển giao lưu của người dân trong và ngoài nước tăng cao thì nguy cơ xâm nhập các ca bệnh, biến chủng mới vào Quảng Ninh qua người nhập cảnh, người lao động, du lịch... là rất lớn. Tuy nhiên sẽ khó có nguy cơ lây lan bùng phát mạnh trên diện rộng do tỷ lệ tiêm chủng vắc xin COVID-19 tại Quảng Ninh là rất cao.
Tuy nhiên, theo dự báo, các bệnh truyền nhiễm mới nổi như Adeno vi rút, đậu mùa khỉ, viêm gan cấp chưa rõ nguyên nhân, Mác-bớc có thể có nguy cơ xuất hiện tại cộng đồng nếu không tăng cường giám sát ca bệnh, người về từ vùng dịch, người có triệu chứng nghi ngờ. Các bệnh nhóm A (cúm A/H5N1, tả), viêm não, bệnh lây truyền từ động vật sang người (liên cầu lợn, dại, cúm gia cầm...) có thể xuất hiện. Đặc biệt là bệnh sốt xuất huyết sẽ tiếp tục lưu hành, có nguy cơ gây dịch. Các bệnh truyền nhiễm như sởi, ho gà, bạch hầu... trong năm 2023 có thể có số ca mắc gia tăng, phát sinh thành dịch do tình trạng thiếu vắc xin từ cuối năm 2022, trẻ chưa được tiêm chủng đầy đủ.
Để công tác phòng, chống bệnh dịch trên địa bàn đạt hiệu quả, ngành Y tế tiếp tục tăng cường năng lực hệ thống giám sát tại các tuyến, phát hiện sớm trường hợp mắc mới, ổ dịch mới trong cộng đồng, đồng thời nâng cao năng lực xét nghiệm phát hiện sớm tác nhân gây bệnh. Cùng với đó, chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh ngay từ đầu năm và thực hiện các hoạt động giám sát trọng điểm (giám sát trọng điểm, giám sát ổ dịch cũ, giám sát véc tơ truyền bệnh, giám sát ca bệnh...) để kịp thời phát hiện sớm, xử lý triệt để không để dịch bùng phát. Ngành Y tế cũng kiện toàn và củng cố đội đáp ứng nhanh tại các tuyến; chuẩn bị tốt các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, kỹ thuật, thuốc, hoá chất, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch trên địa bàn. Củng cố, nâng cao năng lực hệ thống tiêm chủng từ tuyến cơ sở đến tuyến tỉnh, thực hiện tốt công tác tiêm chủng mở rộng; đồng thời tổ chức các chiến dịch tiêm chủng vắc xin bổ sung theo chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Y tế.
Bên cạnh những nỗ lực của ngành Y tế, công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm cũng cần sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể trong công tác phòng chống dịch. Các ngành, các cấp và cộng đồng cần chủ động, tích cực thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh phù hợp với phạm vi và lĩnh vực quản lý của ngành, địa phương. Trong đó, tăng cường công tác truyền thông phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm, nâng cao sức khỏe tại cộng đồng, đảm bảo người dân được cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, chú trọng truyền thông nguy cơ, truyền thông trực tiếp.
Mỗi người dân cần nâng cao hiểu biết về bệnh truyền nhiễm, chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh bằng cách tham gia tiêm chủng đầy đủ các mũi trong chương trình tiêm chủng mở rộng và theo khuyến cáo của ngành Y tế. Hiện một số bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, tay chân miệng… vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh, do đó biện pháp tốt nhất vẫn là thực hiện diệt muỗi, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường sống, duy trì lối sống lành mạnh… Khi thấy xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh, người dân cần liên hệ với cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và chăm sóc y tế phù hợp. Cùng với đó, cần tăng sức đề kháng qua chế độ dinh dưỡng hợp lý và tập thể dục thể thao đều đặn, qua đó tăng khả năng của cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh xâm nhập vào cơ thể.
Bảo Bình
Liên kết website
Ý kiến ()