Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 28/12/2024 22:54 (GMT +7)
Chủ động phòng, chống dịch cúm A
Thứ 5, 11/01/2024 | 14:03:07 [GMT +7] A A
Những tháng cuối năm giao mùa, thời tiết lạnh, hanh khô, là thời điểm lý tưởng để các loại virus gây bệnh bùng phát, lây lan mạnh mẽ, biến chứng nguy hiểm. Trong đó, giống như tại nhiều tỉnh, thành phố ở miền Bắc, Quảng Ninh cũng có số ca mắc cúm A tăng cao, nhất là với lứa tuổi học sinh và trẻ nhỏ.
Trong gần 2 tuần nay, Khoa Các bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh) đã tiếp nhận hơn 50 bệnh nhân mắc cúm A vào điều trị nội trú. Phần lớn bệnh nhân mắc cúm là trẻ nhỏ. Các bệnh nhân được đưa đến bệnh viện khi có những triệu chứng phổ biến như: Sốt cao, không đáp ứng thuốc hạ sốt, ho, chảy mũi... Một số trẻ đã có biến chứng gây viêm phổi.
Chị Vũ Thị Lan (xã Việt Dân, TX Đông Triều) cho biết: Con tôi ở nhà đã sốt cao 4 ngày. Gia đình cho uống thuốc song không hạ, toàn thân phát ban, mẩn đỏ, mệt mỏi. Gia đình cho con đi bệnh viện kiểm tra thì phát hiện mắc cúm A. Các bác sĩ chỉ định nhập viện điều trị.
Cúm A là bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính lưu hành khi thời tiết thay đổi gây ra bởi các chủng virus cúm phổ biến như A/H1N1, A/H3N2, A/H5N1 và A/H7N9. Thông thường, bệnh có diễn biến nhẹ và bệnh nhân hồi phục sau 2-7 ngày. Tuy nhiên, bệnh cũng có thể diễn biến nặng hơn, dễ biến chứng và tử vong. Đối tượng người già, trẻ nhỏ, người có bệnh lý nền với sức đề kháng kém thường dễ mắc bệnh. Đây cũng là đối tượng dễ trở nặng khi mắc bệnh.
Biến chứng nặng nhất của cúm A là suy hô hấp với các triệu chứng như thở gấp, đờm lẫn máu, khó thở… dẫn đến viêm phổi, cơ thể thiếu ôxy dẫn đến tử vong. Cúm có thể gây ra tổn thương viêm phổi nặng, hoặc bội nhiễm các loại vi khuẩn khác làm nặng thêm tình trạng của cúm. Ngoài ra còn có bệnh nhân viêm màng não.
Các bác sĩ nhận định, dịch cúm năm nay không diễn biến bất thường nhưng vẫn nên cẩn trọng phòng bệnh cho trẻ nhỏ và trong chăm sóc trẻ khi mắc cúm để tránh biến chứng. Triệu chứng của bệnh cúm A rất khó phân biệt với các bệnh đường hô hấp khác. Do đó, việc chăm sóc tại nhà và thường xuyên theo dõi diễn biến bệnh để kịp thời phát hiện các dấu hiệu trở nặng, tránh những biến chứng nguy hiểm, có thể gây tử vong là rất quan trọng. Đồng thời, hết sức chú ý đến các dấu hiệu trở nặng ở trẻ như sốt cao kéo dài, tức ngực, khó thở, mệt mỏi, lờ đờ…
Bác sĩ CKII Dương Văn Linh, Trưởng khoa Khám bệnh (Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh) cho biết: Các tỉnh, thành phố phía Bắc đang bước vào cao điểm của dịch cúm A. Do đó, người dân nên chủ động phòng chống bệnh, nhất là đối tượng trẻ nhỏ, người già, người có bệnh lý nền. Trước hết, người dân nên chủ động đeo khẩu trang tại các nơi đông người, bổ sung các chất dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng, chủ động phát hiện sớm bệnh cúm A để cách ly, phòng tránh lây lan trong môi trường.
Để phòng tránh cúm A, tiêm vắc-xin vẫn là biện pháp phòng tránh hiệu quả nhất giúp tạo lá chắn bảo vệ trẻ khỏi virus cúm cũng như nhiều bệnh lý khác, nhất là trong thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi thất thường này. Khi bệnh nhân có biểu hiện nặng, như thở khò khè, khó thở, co giật... cần đưa ngay đến cơ sở y tế. Riêng đối với trẻ em, người dân cần thường xuyên chăm sóc trẻ, giữ ấm và tiêm phòng đầy đủ cho trẻ. Khi có dấu hiệu chảy nước mũi, cần vệ sinh sạch sẽ, tránh bội nhiễm có thể gây lan sang các vùng mũi họng khác.
Cúm A là bệnh do virus, do đó không tự ý sử dụng kháng sinh để điều trị khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Đối với thuốc kháng virus Tamiflu, các bác sĩ khuyến cáo cũng cần sử dụng đúng cách, đúng liều lượng và có sự tư vấn của nhân viên y tế.
Hạ An
Liên kết website
Ý kiến ()