Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 12:11 (GMT +7)
Vì một môi trường an toàn, phát triển cho phụ nữ và trẻ em
Thứ 3, 08/11/2022 | 10:45:49 [GMT +7] A A
Xã hội hiện đại với nhiều xu hướng mở như hiện nay tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ mất an toàn cho phụ nữ và trẻ em. Các vấn nạn bạo lực gia đình, xâm hại tình dục, mua bán người… đã để lại hậu quả hết sức nặng nề cho phụ nữ, trẻ em và chính gia đình của họ, cũng như ảnh hưởng đến sự phát triển KT-XH, an ninh trật tự xã hội. Vì thế, vì một môi trường an toàn, phát triển bền vững cho phụ nữ và trẻ em, chúng ta cần hành động ngay và hành động một cách quyết liệt. Để làm được điều đó, các cấp, ngành và cả cộng đồng cần phải cùng chung tay, góp sức để tìm ra những giải pháp nhằm bảo vệ cho phụ nữ và trẻ em.
Định kiến giới: Rào cản cần xóa bỏ
Định kiến giới, bất bình đẳng giới mặc dù đã được cải thiện, nhưng trên thực tế vẫn còn nhiều rào cản. Nâng cao vị thế của phụ nữ, trẻ em, khuyến khích nam giới chia sẻ công việc gia đình, chăm sóc con cái, hay thực hiện KHHGĐ là việc làm quan trọng để phát huy vai trò, quyền năng của phụ nữ trong gia đình và xã hội.
Là địa phương có trên 96% dân số là đồng bào DTTS, huyện Bình Liêu luôn quan tâm, tạo điều kiện thực hiện đầy đủ các chính sách, ưu tiên nhiều nguồn lực để chăm lo đời sống cho nhân dân, trong đó chú trọng vào công tác chăm lo cho phụ nữ vùng DTTS.
Gia đình chị Lỷ Lộc Múi (thôn Nà Cắp, xã Vô Ngại, huyện Bình Liêu) trước đây đời sống kinh tế vô cùng khó khăn, quanh năm chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng. Kể từ năm 2018, chị Múi được chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” hỗ trợ 100 con gà giống thương phẩm, sau một thời gian chăm sóc, đàn gà đã trở thành tài sản giá trị đối với gia đình chị, với giá bán trung bình 130-160.000 đồng/kg, đời sống kinh tế gia đình chị dần được cải thiện. Chị Múi chia sẻ: Nhờ sự quan tâm của các cấp hội phụ nữ, gia đình tôi được hỗ trợ con giống, nên đã tích cực làm ăn, dần dần cuộc sống cũng ổn định.
Chị Lài Thị Hiền, Chủ tịch Hội LHPN huyện Bình Liêu, cho biết: Điều kiện kinh tế còn khó khăn, phụ nữ DTTS chiếm số lượng lớn, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo còn cao, vì thế chúng tôi luôn xác định việc giảm nghèo, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác hội. Các cấp hội phụ nữ ở huyện đã thực hiện rà soát, thống kê số lượng hộ phụ nữ nghèo để lên phương án hỗ trợ kịp thời, chủ động xây dựng những mô hình kinh tế gắn với đặc thù của địa phương, gắn với phong trào “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ” và “Phụ nữ làm kinh tế giỏi”.
Thực tế cả nam giới và nữ giới đều chịu những tác động từ bất bình đẳng giới, nhưng phụ nữ và trẻ em gái vẫn là nhóm đối tượng chịu nhiều thiệt thòi hơn. Nhằm nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ và trẻ em gái, các nội dung về bình đẳng giới được lồng ghép tuyên truyền trong các cuộc sinh hoạt, hoạt động văn hóa - văn nghệ, các CLB: “Phụ nữ không sinh con thứ 3”, “Giúp nhau làm kinh tế”, “Nói không với lựa chọn giới tính khi sinh”, “Giới và bình đẳng giới”.
Năm 2021 tỷ số giới tính khi sinh trên địa bàn tỉnh là 110 bé trai/100 bé gái. Mặc dù hằng năm, tỷ số này đã được khống chế, nhưng không ổn định và tiềm ẩn nguy cơ tăng trở lại, vì vẫn còn một bộ phận người dân có tư tưởng sinh con trai để nối dõi tông đường, không đề cao vai trò của con gái. Do vậy, việc thúc đẩy bình đẳng giới trong gia đình hiện nay rất quan trọng nhằm bảo đảm việc giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh.
Thời gian qua, đã có hơn 400.000 lượt cán bộ, hội viên phụ nữ được tuyên truyền, cung cấp thông tin, kiến thức về bình đẳng giới, hôn nhân gia đình; được giáo dục nâng cao năng lực làm cha mẹ tích cực, tổ chức cuộc sống gia đình và chăm sóc, giáo dục con cái; được cung cấp kiến thức về kỹ năng phòng chống bạo lực gia đình, xâm hại tình dục đối với phụ nữ và trẻ em, phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS, phòng chống mua bán người; di cư an toàn...
Từ năm 2019, các địa phương trong tỉnh triển khai 3 mô hình điểm: Bình đẳng giới; phòng chống bạo lực trên cơ sở giới; phòng chống tảo hôn trong vùng đồng bào DTTS tại các xã: Đồn Đạc (huyện Ba Chẽ), Đại Dực (huyện Tiên Yên), Tình Húc (hiện sáp nhập vào thị trấn Bình Liêu).
Các mô hình hoạt động bài bản, khoa học, duy trì sinh hoạt định kỳ với những nội dung chuyên đề: Phổ biến kiến thức, kinh nghiệm về bảo vệ và chăm sóc trẻ em; ngăn ngừa tình trạng bạo lực, kết hôn trước tuổi pháp luật quy định đối với trẻ em vùng DTTS, nhằm nâng cao nhận thức và giải quyết vấn đề tảo hôn, ép kết hôn, bảo đảm thực hiện tốt quyền trẻ em gái trong gia đình.
Tham gia sinh hoạt, thành viên CLB còn được tư vấn, hỗ trợ về phát triển kinh tế, từ đó nhận thức của người dân có nhiều chuyển biến rõ nét. Trong mỗi gia đình, nam giới đã chia sẻ nhiều hơn với phụ nữ; phụ nữ có tiếng nói hơn trong gia đình và có nhiều cơ hội tiếp cận với các dịch vụ xã hội, góp phần hiệu quả trong việc giảm thiểu vấn nạn bạo lực gia đình.
Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 đã đề ra mục tiêu tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội cho phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức; huy động sự tham gia của các cơ quan, tổ chức và cả cộng đồng trong thực hiện bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái... góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hơn về bình đẳng giới vì sự tiến bộ của phụ nữ.
Tạo điều kiện cho phụ nữ và trẻ em phát triển toàn diện
Đầu tháng 12/2020, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước nhận được đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý của cháu N.T.H (SN 2006, trú tại xã Bắc Sơn, TP Móng Cái), là người bị hại trong vụ án giao cấu với trẻ em dưới 16 tuổi. Khi tiếp xúc với N.T.H, em đã là bà mẹ của 2 trẻ sinh đôi. Điều đáng buồn, cha của những đứa trẻ đó chính là bố đẻ của H.
Tháng 8/2021, cháu B.N.K (SN 2008, trú tại TP Cẩm Phả) được gia đình đưa đến Công an huyện Vân Đồn trình báo việc bị Phạm Văn S (SN 1988, trú tại xã Đông Xá, huyện Vân Đồn) xâm hại tình dục. Quá trình điều tra, cơ quan công an xác định, khoảng cuối tháng 6, K và S sau thời gian quen và nhắn tin thông qua mạng xã hội đã nảy sinh tìm cảm. Ngày 16/7/2021, S chở K về nhà riêng của mình và có hành vi quan hệ tình dục với cháu K.
Mặc dù các vụ việc trên đã cơ quan chức năng xử lý, nhưng nỗi đau để lại đối với những nạn nhân là rất lớn. Ở đâu đó vẫn có những góc khuất của xã hội văn minh, có những người phụ nữ đang phải sống lầm lũi, tự ti, mặc cảm; những em bé đau đớn khi mất đi tuổi thơ hồn nhiên, trong sáng vì từng là nạn nhân của những vụ xâm hại tình dục.
Hầu hết những đối tượng xâm hại đều là người quen biết, người thân, đồng nghĩa với việc chính bản thân người bị xâm hại không hề có phương án đề phòng. Sự gia tăng của những vụ xâm hại tình dục đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về đạo đức xuống cấp, luân thường đạo lý bị đảo lộn. Qua những sự việc đau lòng đó, chúng ta cần phải lên tiếng, cần hành động ngay để bảo vệ phụ nữ và trẻ em.
Tính đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách riêng, đặc thù thúc đẩy bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ, tăng cường bảo vệ, chăm sóc trẻ em, tăng số phụ nữ được hưởng lợi, nhất là phụ nữ nghèo, vùng DTTS, phụ nữ vùng cao, vùng sâu, biên giới, hải đảo... Công tác truyền thông nâng cao nhận thức được tăng cường, mở rộng địa bàn, số lượng người tham gia và được đổi mới hiệu quả để phù hợp với từng khu vực, từng địa phương.
Các ngành chức năng, địa phương cũng tích cực tuyên truyền thực hiện pháp luật về bình đẳng giới lồng ghép với thực hiện Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Trẻ em, Luật Phòng chống mua bán người, huy động sự tham gia tích cực của nam giới và giới trẻ.
Các hoạt động tuyên truyền như hội nghị, hội thảo, diễn đàn, hội thi, sinh hoạt chuyên đề, ngoại khóa, tọa đàm... được đẩy mạnh dưới nhiều hình thức. Trong đó, Sở LĐ-TB&XH tổ chức nói chuyện chuyên đề về kỹ năng phòng, chống xâm hại, buôn bán, bạo lực và các dịch vụ hỗ trợ trẻ em; in sao 750 đĩa có nội dung về dịch vụ bảo vệ trẻ em và phòng chống xâm hại trẻ em cấp cho các huyện, thị xã, thành phố; cấp phát 25.000 cuốn sách về phòng chống xâm hại tình dục. Sở Y tế tổ chức các hội nghị, tập huấn và nói chuyện chuyên đề phòng chống xâm hại, bạo lực đối với trẻ em. Sở VH-TT phổ biến các kỹ năng ứng xử, xử lý tình huống khi bị bạo lực và xâm hại đối với phụ nữ, trẻ em...
Các mô hình đã được triển khai hiệu quả như: Kết nối dịch vụ chăm sóc và phát triển toàn diện trẻ em dựa trên đánh giá nhu cầu của trẻ tại huyện Ba Chẽ và TX Đông Triều; hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại cộng đồng tại TP Cẩm Phả, TP Uông Bí; dạy nghề gắn với tạo việc làm cho trẻ em khuyết tật tại TX Đông Triều, TP Móng Cái; kết nối dịch vụ chăm sóc và phát triển toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời tại cộng đồng; vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ trẻ em vùng đặc biệt khó khăn; thành phố an toàn, thân thiện phòng chống quấy rồi tình dục bạo lực với phụ nữ và trẻ em nơi công cộng tại TP Hạ Long…
Các chính sách cho trẻ em cũng được các địa phương rà soát, triển khai, hỗ trợ kịp thời. Trong năm 2021, 99,8% trong tổng số 144.887 trẻ dưới 6 tuổi được hỗ trợ BHYT, số còn lại tiếp tục được hoàn thiện hồ sơ để hỗ trợ. Gần 6.300 trẻ em thuộc đối tượng trẻ sinh ra từ bà mẹ bị nhiễm HIV/AIDS; trẻ nhiễm HIV/AIDS, mắc bệnh hiểm nghèo, hoặc bệnh phải điều trị dài; trẻ không có nguồn nuôi dưỡng; trẻ em thuộc hộ nghèo, cận nghèo; trẻ tự kỷ, khuyết tật nặng; trẻ bị xâm hại tình dục; trẻ em là nạn nhân của tai nạn thương tích... được hỗ trợ theo nghị quyết của HĐND tỉnh với tổng số tiền 25 tỷ đồng.
Ở các địa phương còn huy động nguồn lực xã hội để hỗ trợ thực hiện đề án phát triển toàn diện cho hơn 10.000 trẻ em địa bàn miền núi, như: Hỗ trợ sữa cho trẻ em mầm non, khám sàng lọc các dị tật mắt, khám sàng lọc bệnh tim bẩm sinh cho trẻ, trao tặng áo ấm, xe đạp cho trẻ...
Trải qua quá trình phát triển của xã hội, ở bất cứ quốc gia nào, bất cứ dân tộc nào, phụ nữ và trẻ em luôn giữ một vị trí đặc biệt. Có phụ nữ chúng ta mới xây dựng được tổ ấm gia đình một cách trọn vẹn, xã hội mới phát triển và trẻ em là tương lai mỗi gia đình, quốc gia. Chính vì vậy, tạo điều kiện để phụ nữ và trẻ em phát triển toàn diện, chính là bảo đảm quyền con người, công bằng xã hội. Vì thế, chúng ta cần có những kế hoạch cụ thể, lựa chọn những việc làm thiết thực nhất để chăm lo, bảo vệ phụ nữ và trẻ em nhằm tạo môi trường an toàn, lành mạnh và bình đẳng cho phụ nữ và trẻ em.
Vân Anh
- Giải quyết kịp thời, nghiêm minh các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em
- Hội thảo tăng cường giải pháp phòng, chống xâm hại và phòng, chống đuối nước trẻ em
- Đa dạng giải pháp phòng, chống xâm hại trẻ em
- Phòng, chống xâm hại trẻ em
- Hội thi tìm hiểu kiến thức về bình đẳng giới cho nữ sinh
- Hội LHPN tỉnh kiểm tra, giám sát về bình đẳng giới tại các cơ sở mầm non
- Bình đẳng giới nâng cao chất lượng dân số
- Nỗ lực thực hiện bình đẳng giới
Liên kết website
Ý kiến ()