Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 13/11/2024 07:04 (GMT +7)
Chuyện anh bộ đội làm du lịch ở đảo Cô Tô con
Chủ nhật, 18/09/2016 | 13:59:16 [GMT +7] A A
Cô Tô con không đường giao thông, không điện, không có dân sinh sống, chỉ có duy nhất anh bộ đội đang tại ngũ bám rễ vừa canh trực, vừa làm du lịch. Thế nhưng, mô hình du lịch đơn giản, hoang sơ này đang được rất nhiều du khách ưa thích, lựa chọn.
Vốn là lính xe tăng, nhưng giờ đây Thượng uý Lộc đã rất quen với sóng nước, thuyền bè. |
Lính xe tăng lái tàu khách
Người được chúng tôi nói đến ở đây là Thượng uý Lê Quý Lộc. Anh sinh ra và lớn lên ở quê lúa Thái Bình, vốn chỉ quen với ruộng đồng thẳng cánh cò bay, không quen với sóng gió biển cả. Sau này, anh nhập ngũ và trở thành lính xe tăng. Về Huyện đội Cô Tô từ năm 2009, anh được điều sang Cô Tô con công tác.
Muốn đến Cô Tô con, nơi được mệnh danh là thiên đường du lịch, chỗ của Thượng uý Lộc hiện nay, phải đi tàu gỗ từ đảo Cô Tô lớn ra mất nửa tiếng. Mùa biển động, giông bão thì chẳng thuyền nào dám chạy. Anh Lộc kể rằng lần đầu tiên sang đảo thích thú với cảnh đẹp ở đây bèn nhảy xuống tắm. Nhưng niềm vui trải nghiệm đó qua mau, vừa lên bờ mặc quần áo thì cơn đói cồn cào thì đã vội ập đến. Đói đến mức tụt cả huyết áp. Anh tìm quanh đây mà chẳng tìm thấy gì ăn. Anh bảo lúc đó chỉ ao ước một tô mì tôm, một chiếc bánh mì, hay một hộp cơm bình dân thôi, dù đắt mấy cũng mua mà không có.
Thượng uý Lộc suy nghĩ vì mê cái vẻ đẹp hoang sơ mà đến đây nhưng phải chấp nhận không có dịch vụ gì. Về đơn vị, anh đề xuất với cơ quan cho phép mình ở lại vừa canh đảo, vừa để làm dịch vụ du lịch, chăn nuôi, trồng trọt và đánh cá để phục vụ du khách. Nghe chuyện, lãnh đạo huyện đồng ý ngay và sẵn sàng giao phần đất ở Cô Tô con cho anh Lộc quản lý. Anh Lộc bắt tay vào làm nhà ở, sửa lại căn nhà hoang mà một doanh nghiệp nuôi ngọc trai bỏ lại. Anh nuôi bò, dê, lợn rừng và gà. Đến nay, đàn dê có hơn 100 con, đàn lợn rừng có 40 con, đàn bò hơn 10 con. Tôi hỏi anh, làm kinh tế thì phải lo đầu vào đầu ra chứ, thế đầu ra của những sản phẩm nông nghiệp này giải quyết thế nào. Anh cười bảo: “-Chẳng phải lo đâu, tí nữa mời anh vào bếp thì biết ngay ấy mà”.
Lại kể về những ngày đầu ra Cô Tô con, anh Lộc phải đối diện với khó khăn thiếu thốn trăm bề. Đi lại khó khăn, điện không, nước ngọt không, đất trồng hoa màu, lương thực cũng không. Gần như mọi thứ đều phải trông chờ vào việc vận chuyển từ đất liền ra. Anh Lộc kể, có năm mưa bão to, lợn đói, người đói. Còn mấy bao gạo dự trữ, lợn cũng chui vào kho ăn bằng hết. Lại có năm khác, anh hì hục nấu cơm, vật men ủ chuẩn bị nấu rượu bán cho khách, còn bã rượu thì tận dụng nuôi lợn. Sơ ý để đàn lợn rừng vào ăn hết bỗng vừa mới lên men. Đàn lợn say chết gần hết, chỉ còn lại được vài con. Nhìn đàn lợn khoẻ mạnh chết, anh dở khóc dở cười, bán chẳng được mà ăn cũng không xong, ngậm ngùi mang đi chôn.
Không gian nhà sàn phục vụ du khách của anh Lộc rất đơn sơ nhưng hấp dẫn. |
Anh Lộc vốn là lính xe tăng, lái xe thì quen chứ lái đò trên biển ban đầu còn có quá nhiều bỡ ngỡ. Ra sống một mình như “Robinson” ngoài đảo hoang khiến nỗi nhớ đất liền, nhớ vợ con, nhớ quê hương như con sóng khơi xa lại cồn cào hơn bao giờ hết. Nhất là những ngày mưa gió, bão giông, khách thì chẳng có, anh chẳng làm được gì ngoài việc nhìn xuyên qua màn mưa thấy bờ xa vẫn còn quá mờ mịt.
Mô hình du lịch tự cấp
Dịch vụ du lịch ở Cô Tô con phục vụ khách khá độc đáo, hấp dẫn. Anh Lộc cho biết, đến đây du khách còn có thể được trải nghiệm làm ngư dân đi câu mực, đánh lưới bằng thuyền thúng, bắt ghẹ đá, còng gió... |
Để đảm bảo đời sống sinh hoạt và phát triển du lịch, anh Lộc đào 2 giếng nước và xây 2 bể nước có dung tích khoảng 40m3 để dự trữ nước mưa, mua và lắp máy phát điện và đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời. Anh Lộc cất công vào đất liền mua nhà sàn gỗ đưa ra đảo sửa sang lại để có chỗ cho khách nghỉ ngơi. Anh làm 7 phòng nghỉ qua đêm theo kiểu lính dã chiến để cho khách nghỉ lại. Khách đông có thể nghỉ ở nhà sàn, sức chứa vài chục người. Anh tự mình xây 8 nhà tắm, 4 nhà vệ sinh ở trên đảo. Anh Lộc bảo rằng đầu tư ở đây không nhiều lắm, chỉ những dịch vụ cốt yếu đơn giản nhất thôi vì khách ra đây đa phần là muốn trải nghiệm cảnh hoang sơ trên đảo. Muốn đi du lịch mà ở phòng nhiều sao có điều hoà, dịch vụ thời thượng thì họ đã chọn du lịch ở trên đất liền rồi.
Chưa dừng ở đó, anh còn xin đơn vị học nấu ăn 6 tháng ở Hạ Long để biết cách chế biến các món ăn. Phải mất hơn một năm sau, khi mọi thứ tạm ổn, anh Lộc mới dám vào đất liền để đón vợ con ra. Nhưng hiện tại, anh cũng chỉ dám để vợ con ở đảo Cô Tô lớn còn một mình anh ở Cô Tô con. Ở bên đảo Cô Tô lớn, mới có trường học, các con anh mới được đến trường. Hàng ngày, vợ anh vẫn vượt biển sang Cô Tô con phụ giúp chồng. Hiện nay, vợ anh đang nuôi con nhỏ, Thượng uý Lộc lăn lộn ở Cô Tô con mà không có sự hỗ trợ của người vợ hiền.
Thời gian đầu, khi anh Lộc mới đến đảo rất vắng người. Du khách chẳng thấy đâu, lâu lâu mới có người đi biển ghé vào tránh mưa bão. Thế nhưng, vẻ đẹp của hòn đảo này ngày càng được quảng bá, du khách đến thăm ngày một đông. Mỗi năm, ước tính có một vạn du khách đến với Cô Tô con. Gần đây, nhiều đôi uyên ương đã không quản ngại sóng gió, đường xa vất vả để ra chụp ảnh cưới ở Cô Tô con. Có du khách ra đảo đến 3 lần vẫn muốn quay lại.
Khách đông, một mình anh Lộc vừa làm lái đò, vừa làm hướng dẫn viên, lại vừa là đầu bếp, khi khách đông thì chạy đến chóng mặt cũng không kịp. Không phải là “2 trong 1” hay “3 trong 1” nữa, mà là “nhiều trong 1” ở người đàn ông đa năng này. Bây giờ, khách du lịch biển đảo tăng cao, anh Lộc phải thuê thêm hơn chục nhân viên khác để cùng mình phục vụ. Hết mùa du lịch, anh Lộc lại tập trung vào chăn nuôi và đánh bắt hải sản, nâng cao đời sống, thu nhập. Anh đã thổi vào hòn đảo vốn hoang vu xưa kia một sức sống mới, sinh động và hấp dẫn hơn nhiều.
Khách du lịch chụp ảnh trên bãi biển Cô Tô con. |
Dịch vụ du lịch ở Cô Tô con phục vụ khách khá độc đáo, hấp dẫn. Anh Lộc cho biết, đến đây du khách còn có thể được trải nghiệm làm ngư dân đi câu mực, đánh lưới bằng thuyền thúng, bắt ghẹ đá, còng gió v.v.. Du khách ra đảo không chỉ được ngắm cảnh, chụp hình, tắm biển mà sẽ được phục vụ đồ ăn tươi ngon. Lợn rừng, dê, gà thì được nuôi trên đảo, còn đồ hải sản tươi sống đánh bắt từ dưới biển lên. Đồ ăn được nấu chín bằng bếp củi, hải sản thì nấu kiểu làng chài không hề cho gia vị mà chỉ có muối cộng với lá chua rừng, cá được nướng ngay ở bãi cát.
Nhớ lại lời giới thiệu lúc mới gặp, tôi tò mò vào bếp, thấy nhân viên của anh Lộc đang hì hục thổi lửa. Bếp nấu bằng củi lấy trên rừng. Củi ở đây vô cùng sẵn, đi một loáng lấy về là có thể nấu vài ngày. Anh Lộc cho biết, nhân viên của mình đang tập trung nấu ăn cho một đoàn khách vài chục người, có 27 suất ăn đặt từ trước. Ở đây, dê đồi, lợn rừng, gà đi bộ nuôi sẵn, du khách thích mua con nào chỉ con đó, chủ nhà sẽ làm thịt, chế biến ngay trước mặt du khách để phục vụ. Nếu du khách thích nướng hoặc quay ở bãi biển thì chủ nhà sẽ mang củi ra bãi biển chất lên đốt lửa phục vụ chu đáo. Mỗi con dê, con lợn rừng có giá dao động từ 3 đến 5 triệu đồng. Vì thế, sản phẩm ở đây làm ra không cần phải mang vào đất liền để bán.
Mang câu chuyện của anh Lộc chia sẻ với một số lãnh đạo huyện, đồng chí Hoàng Bá Nam, Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô, đánh giá: Khách đến với cơ sở của đồng chí Lộc ở bên Cô Tô con rất đông. Đây là một cách làm hay vừa phát triển kinh tế, vừa bám đảo giữ đất khi cử một đồng chí bộ đội ra canh trực. Khi nào có nhà đầu tư xin làm dự án du lịch ở đây, việc giải phóng mặt bằng cũng đơn giản hơn. Trước mắt, chưa thể đưa điện lưới quốc gia sang Cô Tô con được vì quá tốn kém. Nhưng khi có nhà đầu tư vào đây thì việc đưa điện lưới sang đảo cũng sẽ phải làm.
Chia tay chúng tôi, anh Lộc tâm sự rất nhiều dự định: Nào là mở rộng trang trại chăn nuôi, xây dựng thêm nhà sàn và làm các chòi lá sát bờ biển, rồi thì nuôi ngựa bạch cho các đôi uyên ương thuê chụp ảnh cưới v.v.. Ai nấy đều thầm cảm phục nghị lực của anh bộ đội này. Tạm biệt Thượng uý Lộc, để trở về đất liền, tôi chúc cho những dự định của anh sẽ sớm trở thành hiện thực.
Huỳnh Đăng
Liên kết website
Ý kiến ()