Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 15/01/2025 12:34 (GMT +7)
Chuyển đổi số - Nỗ lực của các cấp, các ngành
Thứ 5, 12/05/2022 | 08:03:34 [GMT +7] A A
Tháng 2/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết 09-NQ/TU “Về chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” (NQ09) với nhiều mục tiêu, chỉ tiêu cơ bản. Trên cơ sở này, các cấp, ngành... trên địa bàn tỉnh đã tích cực triển khai sâu rộng Nghị quyết, tạo hiệu quả bước đầu.
Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo
Để thực hiện NQ09 một cách có hiệu quả, tỉnh đã tăng cường công tác chỉ đạo thông qua ban hành, triển khai một loạt các văn bản liên quan đến chuyển đổi số như: Kế hoạch của UBND tỉnh triển khai Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022- 2025; triển khai Kế hoạch hoạt động của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số năm 2020; chỉ đạo thực hiện Đề án “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2021-2030”; triển khai Đề án Thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025...
13 huyện, thị xã, thành phố và các sở, ngành trên địa bàn đều đã thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi số do Chủ tịch UBND cấp huyện, người đứng đầu các sở, ngành làm trưởng ban; xây dựng kế hoạch chuyển đổi số của địa phương, cơ quan, đơn vị.
Để đảm bảo hạ tầng thực hiện chính quyền số, tỉnh còn nâng cấp hệ thống một cửa điện tử và Cổng dịch vụ công của tỉnh đáp ứng các quy định, yêu cầu về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa điện tử liên thông theo quy định của trung ương; đồng thời thực hiện Dự án Phát triển nền tảng tích hợp, chia sẻ cấp tỉnh (LGSP) đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Bộ Thông tin và Truyền thông, đảm bảo kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP); phê duyệt kế hoạch thuê dịch vụ hội nghị truyền hình trực tuyến giai đoạn 2 phát triển thêm 16 điểm cầu...
Bên cạnh đó, Quảng Ninh cũng đầu tư các nền tảng về kinh tế số, xã hội số và triển khai nhiều nhiệm vụ khác để đẩy nhanh chuyển đổi số toàn diện trên địa bàn.
Điều thuận lợi với Quảng Ninh là từ những năm trước đó, tỉnh luôn chú trọng đến khai thác các cơ hội số, triển khai ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các lĩnh vực. Cụ thể, tỉnh đã nghiên cứu, xây dựng, tổ chức triển khai Đề án xây dựng chính quyền điện tử, Đề án thành phố thông minh; đầu tư phát triển hạ tầng viễn thông, hạ tầng công nghệ thông tin, các phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin và cơ sở dữ liệu chuyên dùng...
Những thành quả bước đầu
Có thể thấy rằng, việc chuyển đổi số trên địa bàn Quảng Ninh đã đạt được những thành quả nhất định. Về chính quyền số, tính đến cuối tháng 4/2022, Quảng Ninh đã cung cấp được 1.712 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trong tổng số 1.832 thủ tục hành chính (TTHC) trên Cổng dịch vụ công của tỉnh; đồng thời đã kết nối 1.180 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận và xử lý trực tuyến giải quyết TTHC trên Cổng dịch vụ công của tỉnh ngày càng tăng, đến cuối tháng 4/2022 đạt 60% trong tổng số hồ sơ.
Cùng với đó, Cổng dịch vụ công của tỉnh cũng duy trì ổn định việc kết nối với hệ thống giám sát giải quyết TTHC của Văn phòng Chính phủ. Trung bình mỗi ngày, tỉnh đồng bộ gần 10.000 hồ sơ giải quyết TTHC từ cấp tỉnh đến cấp xã lên hệ thống của Văn phòng Chính phủ để giám sát hiệu quả.
Quảng Ninh cũng đã hoàn thành xong việc rà soát, đánh giá và đảm bảo an toàn an ninh thông tin để kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Hiện hệ thống chính quyền điện tử tỉnh đang kết nối, liên thông với 6 hệ thống cơ sở dữ liệu các bộ, ngành gồm: Hệ thống cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến; hệ thống thông tin quản lý hộ tịch điện tử (Bộ Tư pháp); cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản quy phạm (Văn phòng Chính phủ); cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư); hệ thống thông tin của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam; hệ thống đánh giá giám sát về chất lượng hoạt động của Cổng thông tin điện tử, Cổng dịch vụ công và hệ thống một cửa điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Về xây dựng cơ sở dữ liệu ngành cũng được các sở, ngành tích cực thực hiện. Sở Y tế, Sở Nội vụ, Sở Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thành và trình Hội đồng thẩm định của tỉnh kế hoạch thuê dịch vụ công nghệ thông tin Hồ sơ sức khỏe y tế điện tử, Cơ sở dữ liệu cán bộ công chức viên chức, phần thiết bị và phần mềm quản lý đất đai; Sở Tư pháp đã trình Dự án xây dựng cơ sở dữ liệu công chức và dự án số hoá, cập nhật dữ liệu hộ tịch và kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử quốc gia...
Để tăng cường kinh tế số trên địa bàn, bước đầu tỉnh cũng đã đưa các sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử. Tính đến cuối tháng 4/2022, trên địa bàn tỉnh đã có 226 sản phẩm được đưa lên 2 sàn thương mại điện tử là Postmart.vn (của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam ) và Voso.vn (Bưu chính Viettel). Bên cạnh đó, Quảng Ninh còn thành lập Đoàn công tác tìm hiểu, trao đổi về mô hình Cửa khẩu số tại tỉnh Lạng Sơn, qua đó UBND tỉnh đang chỉ đạo các ngành liên quan xây dựng, triển khai Hệ thống cửa khẩu số tại các cửa khẩu, lối mở trên đất liền tại địa bàn tỉnh.
Tỉnh đã tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển các Trạm BTS phủ lõm thông tin di động; các điểm cáp quang trên địa bàn tạo nền tảng cho công tác chuyển đổi số. Đến nay, toàn tỉnh có 2.649 trạm BTS, trong đó 85% là công nghệ 4G, đưa tỷ lệ vùng phủ sóng thông tin di động đạt 98% các khu vực dân cư trên địa bàn; cáp quang phủ rộng tới 100% các xã. Hiện toàn tỉnh có khoảng 1.414.500 thuê bao điện thoại di động là thiết bị thông minh...
Sự chuyển biến tích cực của nhiều ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh về chuyển đổi số đã tạo sự hài lòng, mang đến nhiều giá trị thụ hưởng cho người dân, doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu quản lý của cơ quan nhà nước trên địa bàn.
Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đinh Sỹ Nguyên: “Chủ động, kịp thời tham mưu, đề xuất trong thực hiện các chương trình, kế hoạch, hành động về chuyển đổi số”
Thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục chủ động tham mưu, đề xuất cho tỉnh trong thực hiện đồng bộ các nghị quyết, chương trình, đề án, kế hoạch về chuyển đổi số trên địa bàn; tích cực tham mưu triển khai có hiệu quả phần việc, nhiệm vụ cụ thể. Theo đó, Sở tập trung phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương tham mưu, đề xuất triển khai các nhiệm vụ trọng tâm như: Phát triển nền tảng tích hợp, chia sẻ cấp tỉnh (LGSP) của tỉnh Quảng Ninh đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Bộ Thông tin và Truyền thông; nâng cấp hệ thống một cửa điện tử và cổng dịch vụ công của tỉnh, đảm bảo việc kết nối đồng bộ dữ liệu và thanh toán trực tuyến với cổng dịch vụ công quốc gia; triển khai kho dữ liệu dùng chung cấp tỉnh; cổng dữ liệu mở; nền tảng số hóa, thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC trong tiếp nhận, giải quyết TTHC; tích hợp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của tỉnh cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia; triển khai Tổ công nghệ số cộng đồng; khẩn trương đào tạo, tập huấn cán bộ, công chức, viên chức về chuyển đổi số, kỹ năng phân tích, xử lý dữ liệu bằng công cụ số, trước hết là đào tạo 100 cán bộ nòng cốt chuyển đổi số làm hạt nhân dẫn dắt, triển khai quá trình chuyển đổi số tại các đơn vị, địa phương; tiếp tục phối hợp với đơn vị, địa phương liên quan xây dựng, phát triển hạ tầng phục vụ chuyển đổi số (các tuyến cáp quang phát triển Internet băng rộng, mạng 4G, 5G... trên toàn tỉnh)...
Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Mạnh Tuấn: “Linh hoạt trong triển khai thực hiện, phù hợp tình hình thực tế”
Trên cơ sở bám sát mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số theo chỉ đạo, kế hoạch, đề án của Trung ương, của Bộ Xây dựng và tỉnh, căn cứ chức năng nhiệm vụ của ngành, để triển khai thực hiện chuyển đổi số đảm bảo đồng bộ, kịp thời, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, Sở Xây dựng đã kiện toàn BCĐ về Chuyển đổi số; ban hành kế hoạch tuyên truyền về chuyển đổi số năm 2022; xây dựng kế hoạch chuyển đổi số giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030. Ngành xây dựng Quảng Ninh đặt mục tiêu đến năm 2025, phối hợp với các cơ quan chuyên môn liên quan triển khai 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với các dịch vụ công đủ điều kiện của Sở; 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau; 100% kết quả giải quyết TTHC được ký số và trả cho người dân, tổ chức có liên quan trên môi trường số; 100% hồ sơ công việc của Sở được xử lý trên hệ thống chính quyền điện tử; từng bước đưa hoạt động quản lý chuyên ngành của Sở triển khai thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý... Mục tiêu đến năm 2030, hoàn thiện 100% công tác số hóa; đưa toàn bộ hoạt động quản lý theo chức năng, nhiệm vụ của cơ quan được giao triển khai thực hiện thông qua môi trường số...
Trước mắt, Sở phấn đấu hết năm 2023 hoàn thành công tác số hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung chuyên ngành, kết nối liên thông với các cơ sở dữ liệu tài chính quốc gia, cơ sở dữ liệu chung của tỉnh để tạo nền tảng phát triển chính quyền số của ngành, của tỉnh; đảm bảo an toàn tuyệt đối an ninh thông tin trên hạ tầng công nghệ thông tin, từng bước cung cấp các dịch vụ công của Sở tới người dân, tổ chức và doanh nghiệp. Sở cũng xây dựng 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong quá trình triển khai sẽ áp dụng, thực hiện linh hoạt phù hợp theo tình hình thực tế.
Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin TP Uông Bí Nguyễn Thị Thanh Giang: “Tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp”
Chuyển đổi số là chủ trương lớn của Chính phủ, tỉnh Quảng Ninh và TP Uông Bí. Để việc chuyển đổi số trên địa bàn thành phố được đồng bộ, toàn diện, thời gian qua Uông Bí đã chủ động ban hành chương trình hành động, kế hoạch chuyển đổi số toàn diện giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030, đẩy mạnh triển khai các nội dung chương trình, kế hoạch về chính quyền số, kinh tế số và xã hội số như: Cung cấp TTHC mức độ 3, 4; từng bước số hóa hồ sơ lưu trữ, quản lý quy hoạch, đất đai, tài chính, nguồn nhân lực; thanh toán điện tử... Thời gian tới, thành phố tập trung triển khai đề án thành phố thông minh với hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại, tích hợp, liên thông các dữ liệu với Cổng dịch vụ công quốc gia, tỉnh; xây dựng ứng dụng du lịch thông minh; y tế thông minh; thành lập tổ công nghệ cộng đồng tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân tiến tới công dân số. Phấn đấu đến năm 2025, Uông Bí thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu về chuyển đổi số.
Thu Nguyệt- Thanh Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()