Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 16:25 (GMT +7)
Chuyển đổi số - giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng
Thứ 6, 06/05/2022 | 08:28:27 [GMT +7] A A
Thời gian qua, cấp ủy các cấp của Quảng Ninh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 5/2/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đây được xem là giải pháp mới, hiệu quả, bền vững, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng.
Đảng ủy phường Ka Long đi đầu trong chuyển đổi số của Đảng bộ TP Móng Cái. Các hoạt động lãnh đạo, điều hành và giám sát của Đảng ủy được thực hiện dựa trên dữ liệu và bằng công nghệ. Theo Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Ka Long Lê Văn Vĩnh, triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số, Đảng ủy phường đã ban hành nghị quyết, xây dựng các kế hoạch cụ thể, trong đó xác định rõ các giải pháp ứng dụng mạnh mẽ CNTT trong chỉ đạo; hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử và chuyển dần sang xây dựng chính quyền số; thúc đẩy toàn diện việc xử lý hồ sơ, công việc trên môi trường mạng, hướng tới không giấy tờ...
Thực hiện nhiệm vụ này, phường tranh thủ nguồn xã hội hoá trang sắm 30 máy Ipad với tổng kinh phí trên 120 triệu đồng. Đến nay, hệ thống máy tính bảng tại phường đã đưa vào sử dụng và áp dụng họp 15 cuộc không giấy tờ tại các cuộc họp Đảng ủy, giao ban UBND, kỳ họp HĐND phường; tổ chức giao ban giữa Bí thư Đảng ủy phường và các bí thư chi bộ, trưởng khu, trưởng ban công tác mặt trận; đồng thời thực hiện gửi và nhận văn bản qua môi trường mạng. Trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, phường tổ chức họp triển khai công tác phòng, chống dịch từ Trung tâm chỉ huy do đồng chí Bí thư Đảng ủy trực tiếp là Trưởng ban chủ trì, làm việc với các tổ phòng, chống Covid-19; tổ chức tiếp xúc cử tri thông qua truyền hình trực tuyến từ phường tới các khu dân cư...
Đến nay, việc ứng dụng CNTT trong quản lý điều hành ở phường Ka Long bước đầu mang lại những hiệu quả rõ rệt là tiết kiệm được kinh phí mua sắm văn phòng phẩm, tạo thói quen lưu trữ văn bản và khai thác tài liệu thuận lợi, nhanh chóng. Đồng thời, giảm bớt nhân lực phục vụ các cuộc họp, góp phần thực hiện hiệu quả việc tinh giản biên chế ở địa phương; nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng ủy.
Chia sẻ kinh nghiệm bước đầu thực hiện chuyển đổi số ở địa phương, Bí thư Đảng ủy phường Ka Long cho biết thêm: Phường phát huy cao nhất vai trò của cấp ủy trong lãnh đạo từ phường đến các khu phố; tranh thủ các nguồn lực để đầu tư mua sắm trang thiết bị đảm bảo thông số kỹ thuật; đồng thời, đầu tư thuê lắp đường truyền với dung lượng data cao, tương xứng với nhu cầu và số lượng máy móc, để đảm bảo áp dụng tốt, không bị gián đoạn. Phường thường xuyên tập huấn nâng cao trình độ CNTT đối với đội ngũ CBCC; khuyến khích những cán bộ tuổi cao, cán bộ khu phố tự học, sử dụng thông thạo máy tính bảng, smart phone và các phần mềm tiện ích của tỉnh tích hợp để tra cứu, nghiên cứu các tài liệu cuộc họp không giấy tờ hiệu quả.
Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, thời gian qua, cấp ủy các cấp trong tỉnh đã khẩn trương chỉ đạo quán triệt, tuyên truyền và ban hành nghị quyết, xây dựng kế hoạch chi tiết để triển khai thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được xác định trong nghị quyết.
Bí thư Thành ủy Móng Cái Hoàng Bá Nam cho biết: Bám sát quan điểm chỉ đạo của tỉnh về chuyển đổi số toàn diện, Ban Thường vụ Thành ủy Móng Cái đã ban hành Nghị quyết 08-NQ/TU xác định việc phát triển thành phố thông minh và chuyển đổi số toàn diện vừa là nhiệm vụ trọng tâm, vừa là nhiệm vụ cấp bách để xây dựng và phát triển TP Móng Cái. Nhiệm vụ này có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc, luôn gắn với sự phát triển thành phố hiện đại, thông minh trong tương lai. Trong đó, chuyển đổi số trong cơ quan Đảng, cơ quan Nhà nước phải đi đầu, dẫn dắt và thành phố sẽ dành nguồn lực thỏa đáng để thực hiện nhiệm vụ này.
Với mục tiêu Nghị quyết 09-NQ/TU đề ra là đến năm 2025, 100% cơ quan khối Đảng liên thông các quy trình, dữ liệu, hồ sơ công việc từ cấp tỉnh đến cấp xã (trừ các nội dung mật), trước mắt hết năm 2023, 100% hoạt động chỉ đạo, điều hành, quản trị nội bộ, họp trực tuyến, văn bản, báo cáo, ký số của các cơ quan đảng được thực hiện trên nền tảng số, đảm bảo tính liên thông, thống nhất, tổng thể.
Hiện cấp ủy các cấp triển khai các nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, trong đó tập trung phát huy vai trò tiên phong, đi đầu, sáng tạo của người đứng đầu cấp ủy trong triển khai các giải pháp chuyển đổi số, đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, gắn với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH của địa phương, đơn vị; thực hiện việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số vào chỉ đạo, điều hành, thông tin, báo cáo của cấp ủy.
Tổ chức xây dựng cơ sở dữ liệu đảng viên, tổ chức đảng kết nối, liên thông với cơ sở dữ liệu CBCC của tỉnh, phục vụ đắc lực trong tra cứu, quản lý thông tin về đảng viên một cách nhanh chóng, chính xác, giúp cho việc chỉ đạo của các cấp ủy đảng được thuận tiện, kịp thời. Về phát triển dữ liệu, tập trung xây dựng hệ thống quản lý hồ sơ đảng viên kết nối, liên thông từ tỉnh đến cơ sở, nhằm phục vụ cho việc quản lý hồ sơ đảng viên, quản lý các quyết định của đảng viên, quản lý tình trạng đảng viên.
Cùng với đó, chú trọng công tác đào tạo nâng cao trình độ công nghệ thông tin, tập huấn kỹ năng làm việc trên môi trường số cho đội ngũ CBCC trong các cơ quan đảng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy đảng trong tổ chức thực hiện.
Thu Chung
Liên kết website
Ý kiến ()