Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 04:48 (GMT +7)
Chuyển đổi số ở Bảo tàng Quảng Ninh
Chủ nhật, 16/07/2023 | 09:04:06 [GMT +7] A A
Thời gian qua, Bảo tàng Quảng Ninh đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong công tác số hóa, trưng bày và phát huy các giá trị di sản văn hóa phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, quản lý, bảo tồn và nhu cầu hưởng thụ văn hóa của công chúng.
Bảo tàng Quảng Ninh có quy mô, kiến trúc hiện đại, công năng đồng bộ với các trang thiết bị, được xếp hạng là bảo tàng loại I. Hiện nay, Bảo tàng Quảng Ninh có tổng số hơn 135.000 hiện vật, trong đó có 5 bộ sưu tập hiện vật đặc trưng của tỉnh Quảng Ninh đã làm hồ sơ khoa học và 12 hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia.
Thời gian qua, Bảo tàng đã tích cực ứng dụng hiệu quả công nghệ số nhằm tuyên truyền phát huy tác dụng các di sản lịch sử - văn hóa và thiên nhiên của tỉnh Quảng Ninh và của dân tộc Việt Nam. Khi du khách chưa thể đến bảo tàng hoặc vì lý do nào đó, một số hiện vật chỉ được lưu ở kho bảo tàng mà chưa được trưng bày; hoặc là không thể mang đi trưng bày thì việc số hóa hiện vật để du khách chiêm ngưỡng lại rất có ý nghĩa. Khai thác và ứng dụng công nghệ trên nền tảng số cũng đã đem lại cho khách tham quan sự trải nghiệm mới mẻ, đa chiều.
Hệ thống hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Quảng Ninh đã mang đến sự đa dạng, phản ánh từ thiên nhiên đến con người, từ lịch sử và văn hóa của vùng đất Quảng Ninh. Trên mỗi khu vực trưng bày, Bảo tàng Quảng Ninh bố trí các màn hình cảm ứng lớn được ghép từ 3 màn hình cảm ứng 70in. Màn hình cảm ứng này giúp khách tham quan truy cập internet để tìm hiểu về bảo tàng ảo, trang website của Bảo tàng.
Tại không gian trưng bày “Di tích Yên Tử - Nhà Trần tại Quảng Ninh”, Bảo tàng Quảng Ninh đã sử dụng màn hình trực tuyến được tạo bởi 30 màn hình 50in có cổng kết nối là 3 cáp kết nối trực tuyến với 3 điểm của di tích Yên Tử đó là: Đầu ga cáp treo 1, đầu ga cáp treo 2 và khu vực Tháp Tổ. Với cách tiếp cận này đã khiến cho khách tham quan có cảm xúc đặc biệt khi được xem, nghe thuyết minh giới thiệu về giá trị lịch sử - văn hóa của di tích, cuộc đời và sự nghiệp của Trần Nhân Tông và cảm nhận được cảnh quan thực tại của di tích.
Tại không gian “Đa dạng sinh học và tài nguyên thiên nhiên của tỉnh Quảng Ninh” được trưng bày dưới dạng "ống núi" với ý nghĩa là tái hiện các hang động kỳ vĩ của Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long. Tại mỗi ống núi, ngoài việc thiết kế nội dung và hình thức trưng bày thì còn được kết hợp với phần trình chiếu ánh sáng, âm thanh thông qua ứng dụng của hệ thống máy chiếu thông minh khiến du khách như lạc vào các hang động của Vịnh Hạ Long.
Bảo tàng cũng tận dụng những thành tựu của chuyển đổi số để đưa lên các trang web và fanpage. Các trang này hoạt động hiệu quả trong việc đăng tải các thông tin, bài viết giới thiệu về bảo tàng đến với công chúng trong và ngoài nước. Đây cũng là một nơi tra cứu các thông tin và tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh tỉnh Quảng Ninh. Đến nay, trang web của Bảo tàng đã đăng tải được 222 bài viết kèm theo 1.167 ảnh, video tuyên truyền, giới thiệu các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh và các hiện vật, sưu tập hiện trưng bày tại Bảo tàng. Fanpage đã đăng tải được 816 bài viết kèm theo 2.617.33 ảnh, video tuyên truyền, giới thiệu các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh và các hiện vật, sưu tập hiện trưng bày tại Bảo tàng Quảng Ninh.
Từ năm 2015, Bảo tàng Quảng Ninh đã ứng dụng công nghệ tương tác ảo 3D - Bảo tàng ảo để giới thiệu toàn bộ nội dung cơ bản và các không gian trưng bày của Bảo tàng. Bảo tàng ảo được đặt trên giao diện của trang Website của Bảo tàng qua đường link: https://baotangao.baotangquangninh.vn. Phần mềm bảo tàng ảo được Bảo tàng Quảng Ninh phối hợp với Công ty TAJ Media Việt Nam thực hiện. Thông qua bảo tàng ảo đã giúp công chúng được nghe giới thiệu khái quát tổng quan cũng như lần lượt các không gian trưng bày với nội dung cơ bản, súc tích, được xem, trải nghiệm các không gian trưng bày được tái hiện 3D sinh động, hấp dẫn.
Chị Đỗ Thanh Mai, Phó trưởng Phòng Tuyên truyền - Cơ sở, Bảo tàng Quảng Ninh, cho biết: Nhằm mục tiêu phục vụ du lịch, Bảo tàng Quảng Ninh đang khai thác có hiệu quả những ứng dụng của chuyển đổi số. Cụ thể là đã đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng, đưa những thiết bị hiện đại vào thông tin trưng bày, hệ thống màn hình phụ trợ cho việc trưng bày, nghiên cứu triển khai hệ thống thuyết minh tự động, hệ thống mã QR code, hệ thống bảo tàng ảo. Trong thời gian tới, tận dụng triệt để thành tựu của cuộc cách mạng 4.0 để thu hút khách tham quan là cách mà Bảo tàng Quảng Ninh đang triển khai, nhằm đưa các hiện vật đến gần hơn với người dân và du khách.
Thông qua việc từng bước tiếp cận và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong hoạt động, Bảo tàng Quảng Ninh mong muốn đưa bảo tàng đến rộng rãi công chúng hơn, đồng thời đa dạng hóa hoạt động, phát huy được những giá trị di sản hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng thu hút khách tham quan phù hợp với điều kiện thực tiễn cũng như xu thế phát triển công nghệ hiện nay.
Phạm Học
- Số hóa 3D các di sản văn hóa ở Quảng Ninh
- Công bố thêm nhiều di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
- Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa bằng công nghệ số
- Móng Cái: Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa
- Những di sản văn hoá thời Lê
- Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá của người Sán Chỉ ở Bình Liêu
Liên kết website
Ý kiến ()