Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 24/11/2024 17:04 (GMT +7)
Từng bước hình thành nền kinh tế số
Thứ 2, 29/11/2021 | 09:45:58 [GMT +7] A A
Thời gian qua, việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các ngành kinh tế của Quảng Ninh đã có những chuyển biến rõ nét, góp phần không ngừng nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, tạo ra được các lợi thế cạnh tranh nổi trội. Trên cơ sở những kết quả đạt được, trong giai đoạn mới này, tỉnh tiếp tục đặt ra nhiều mục tiêu mới trong việc chuyển đổi số đối với một số ngành, lĩnh vực kinh tế, tạo động lực cho chuyển đổi số toàn diện của tỉnh.
Thực tế thời gian qua cho thấy, các sàn thương mại điện tử (TMĐT) đã hỗ trợ rất tốt cho các hộ nông dân trong tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 có những diễn biến phức tạp. Việc tham gia TMĐT đã giúp cho các hộ sản xuất nông nghiệp tìm kiếm được nhiều thị trường tiêu thụ, thúc đẩy nhanh hơn kế hoạch sản xuất kinh doanh và ổn định sản xuất…
Là một trong những địa phương trực tiếp chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch, nhất là trong việc tiêu thụ nông sản, các sản phẩm OCOP cho người nông dân trên địa bàn, TX Đông Triều đã nhanh chóng “biến nguy thành cơ”, xây dựng, kết nối, đưa nông sản của địa phương lên sàn TMĐT Đông Triều Mart (http://dongtrieumart.vn) của riêng mình từ đầu tháng 8/2021. Đông Triều Mart được xây dựng với các tính năng cơ bản và tương tự như các sàn TMĐT lớn (Sendo, Lazada, Tiki, Voso, Cuccu…). Tại đây, các tổ chức, cá nhân tham gia được cấp quyền và hướng dẫn, hỗ trợ tạo lập gian hàng, cửa hàng trực tuyến để bán hàng hóa, dịch vụ. Việc chủ động áp dụng phương thức kinh doanh hiện đại trên nền tảng công nghệ số của Đông Triều Mart đã đem lại những hiệu quả rõ rệt cho người nông dân.
Quản trị viên Đông Triều Mart Thân Ngọc Lợi chia sẻ: Sàn TMĐT Đông Triều Mart được xây dựng với mục tiêu ban đầu là hỗ trợ người trồng na trên địa bàn TX Đông Triều tiêu thụ sản phẩm na trong thời điểm đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến việc mua bán, vận chuyển nông sản. Sau một thời gian hoạt động và liên tục rút kinh nghiệm, cập nhật tính năng, đến nay nhiều sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng, có thế mạnh của thị xã, trong đó sản phẩm nông nghiệp là chủ đạo như: Gạo nếp cái hoa vàng, sữa tươi và sản phẩm từ sữa, nấm, sản phẩm từ rươi và cáy, na, vải, bưởi, thanh long, mít... đã bắt đầu được giao dịch trên sàn. Đặc biệt, một số sản phẩm dịch vụ như du lịch làng quê Yên Đức, dịch vụ du lịch sinh thái, du lịch tâm linh... và các quà tặng lưu niệm phục vụ du lịch cũng đã xuất hiện trên Đông Triều Mart.
Trên cơ sở những kết quả đạt được, hiện việc xây dựng sàn TMĐT Đông Triều đang tiếp tục được xúc tiến mạnh mẽ với kế hoạch đề ra là đến cuối năm 2023 sẽ hoàn thiện. Khi đó, đối tượng được hướng đến không chỉ là khách hàng trong thị xã, trong tỉnh mà còn là khách hàng trong cả nước, đưa Đông Triều Mart trở thành kênh xúc tiến thương mại được cơ quan nhà nước cấp phép hoạt động và được hỗ trợ nhiều chính sách tốt nhất để tiêu thụ sản phẩm cho tổ chức, doanh nghiệp, hộ sản xuất…
Bên cạnh dấu ấn về chuyển đổi số, ứng dụng CNTT vào lĩnh vực tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, hiện chuyển đổi số trong trụ cột kinh tế của Quảng Ninh còn được thể hiện rõ nét ở rất nhiều khu vực, đơn vị, doanh nghiệp. Trong đó, có thể kể đến việc các đơn vị ngành than đã và đang từng bước đổi mới và thúc đẩy phát triển KHCN; triển khai ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa và tin học hoá các công đoạn trong sản xuất với các công trình như: Trung tâm điều hành sản xuất tập trung; hệ thống truyền hình công nghiệp; giám sát điện năng; thông tin liên lạc, giám sát điều khiển… Dự kiến đến năm 2025, một số mỏ đạt mức tự động hóa cao, có thể điều khiển và giám sát từ xa tại phòng điều khiển tập trung; giám sát quá trình vận hành một số dây chuyền sản xuất chính mọi lúc, mọi nơi…
Hay như các đơn vị, doanh nghiệp ngành điện, nước, vật liệu xây dựng… cũng đã áp dụng mạnh mẽ CNTT, đẩy nhanh tiến trình tự động hóa trong sản xuất, giúp tạo ra các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, sản phẩm công nghệ cao, đóng góp vào tăng trưởng của tỉnh. Điển hình như tại Công ty Điện lực Quảng Ninh với phần mềm quản lý thông tin đường dây, thiết bị PMIS; hệ thống quản lý mất điện và độ tin cậy của lưới điện OMS; hệ thống quản lý khách hàng CMIS…
Trong đề án chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đang được hoàn thiện, kinh tế số sẽ là một trong 3 trụ cột chính của “bộ khung” chuyển đổi số của tỉnh. Trong đó, tỉnh xác định và phân tích rõ các điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức; từ đó xác định rõ việc phát huy các điểm mạnh như chính quyền điện tử, các mô hình kinh tế mới… để đón đầu các cơ hội; đồng thời đột phá về năng lực trong những mảng mà tỉnh có tiềm năng như: Du lịch, kinh tế biển, kinh tế tuần hoàn, phát triển doanh nghiệp, phát triển công nghiệp số, phát triển TMĐT… Định hướng này cũng hoàn toàn phù hợp với một trong 3 đột phá chiến lược được tỉnh xác định tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV là: “Đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại bảo đảm liên thông, tổng thể, trọng tâm ưu tiên là phát triển hạ tầng giao thông chiến lược, công nghệ thông tin, viễn thông, cảng biển và dịch vụ cảng biển, hạ tầng các khu công nghiệp, khu kinh tế…”.
Với tiến trình chuyển đổi số trong kinh tế, xây dựng và phát triển các doanh nghiệp số, ứng dụng sâu rộng CNTT vào các ngành, lĩnh vực kinh tế… đang từng bước được xây dựng, triển khai, Quảng Ninh sẽ xây dựng được trụ cột kinh tế số, qua đó tiến nhanh, chắc trên hành trình chuyển đổi số toàn diện.
Minh Hà
- Quảng Ninh - Viettel ký kết thỏa thuận hợp tác triển khai chuyển đổi số
- Chuyển đổi số ở CDC Quảng Ninh
- Đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục
- FPT đóng góp kiến nghị đẩy mạnh chuyển đổi số lĩnh vực hạ tầng và nông nghiệp tại Industry 4.0 Summit
- Động lực quan trọng xây dựng thành phố thông minh
- Đẩy mạnh chuyển đổi số
Liên kết website
Ý kiến ()