Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 09/11/2024 23:57 (GMT +7)
Chuyện làm phim về Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ
Thứ 7, 09/07/2022 | 09:02:19 [GMT +7] A A
Nửa năm rong ruổi ở hơn chục địa phương trên cả nước, đoàn làm phim Bình minh phía trước vượt qua muôn trùng thách thức để hoàn thành 450 phút phim về Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ. Bộ phim về lãnh tụ và một thời kỳ lịch sử ngót trăm năm qua đến với khán giả một cách sinh động và mềm mại.
Cách kể hiện đại
Đạo diễn, NSƯT Bùi Tuấn Dũng có thương hiệu ở dòng phim lịch sử, chiến tranh cách mạng nhờ phim điện ảnh Những người viết huyền thoại, Thầu Chín ở Xiêm hay phim truyền hình Đường lên Điện Biên. Từng khắc họa tuổi trẻ của Bác Hồ trong Thầu Chín ở Xiêm nên phim truyền hình về lãnh tụ Nguyễn Văn Cừ không còn là rào cản quá lớn đối với Bùi Tuấn Dũng. Bộ phim công chiếu nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ (9/7/1912- 9/7/2022).
Phim mở màn với tình huống khá gay cấn khi anh Phùng-tên hoạt động cách mạng của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ thời trẻ- bị truy đuổi gắt gao, phải lao xuống sông để thoát khỏi sự truy đuổi của địch. Bình minh phía trước tái hiện hành trình tuổi trẻ, những năm tháng hoạt động cách mạng của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ thời kỳ 1920-1930. Ông sinh ra trong giai đoạn lịch sử đầy biến động, đất nước chịu ách đô hộ của thực dân Pháp. Sống trong đất nước thuộc địa với những kiếp người cùng khổ, chàng thanh niên Nguyễn Văn Cừ với tinh thần yêu nước đã tìm thấy ánh sáng và chân lý trong hành trình làm cách mạng.
Phim lịch sử lâu nay luôn chịu định kiến cả ở phía người làm và người xem. “Thực ra lịch sử không khô khan, có lẽ sự e ngại những yếu tố về chính trị, tuyên truyền khiến nhiều người lên gân. Tôi luôn xem cách mềm mại hóa các yếu tố, chi tiết là sự sáng tạo để phim hấp dẫn”, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng nêu quan điểm. Lịch sử vốn đã hấp dẫn rồi, bởi chứa đựng trong đó cả nội dung chính sử lẫn huyền sử. Nhiệm vụ của biên kịch, đạo diễn là khéo léo lựa chọn, đưa ra câu chuyện mạch lạc trên hệ thống đó, tạo nên sự hấp dẫn cho nhân vật. “Khi có nhân vật hấp dẫn rồi thì câu chuyện hấp dẫn và bộ phim sẽ hấp dẫn”, anh nói.
Không dừng lại ở sự minh họa cho chân dung nhân vật, Bình minh phía trước tái hiện bức tranh đất nước, con người Việt Nam những năm 1920-1930 khá sinh động. Bùi Tuấn Dũng tâm niệm, muốn tạo ra sự hấp dẫn cho một bộ phim lịch sử thì không thể xem nhẹ yếu tố văn hóa, bên cạnh yếu tố về chính trị. Đạo diễn khai thác tối đa những chi tiết về đặc trưng văn hóa vật thể, phi vật thể như nhà cửa, đình đền, mỏ than, bến đò, phương tiện di chuyển và chuyển hóa thành tình huống và xây dựng nhân vật cụ thể với cử chỉ, hành vi đặc trưng. Ba tập phim đầu tiên trong tổng số 10 tập đã phần nào cho thấy cách kể chuyện mềm mại của đạo diễn.
Diễn viên 9x vào vai lãnh tụ
Dàn diễn viên Bình minh phía trước khá hùng hậu, từ những gương mặt trẻ cho tới tên tuổi có bề dày kinh nghiệm. Diễn viên Nguyễn Thanh Tuấn là phát hiện mới và cũng góp phần làm nên sự thành công cho đạo diễn Bùi Tuấn Dũng. Quyết định trao vai lãnh tụ nhiều thử thách cho diễn viên lần đầu đóng vai chính vừa thể hiện sự mạnh dạn của nhà làm phim, vừa mang tới làn gió tươi mới ở dòng phim cách mạng này.
Hỏi Thanh Tuấn tự chấm bao nhiêu điểm cho vai diễn, nam diễn viên trẻ tự nhận 7/10 điểm. Sau khi hoàn thành phần quay phim, Thanh Tuấn tham gia hậu kỳ lồng tiếng cho nhân vật, xem lại thấy một vài chỗ còn có thể làm tốt hơn. Tất nhiên những điều đáng tiếc ấy luôn xảy ra ở cả những diễn viên chuyên nghiệp và lành nghề nhất. Đặt Thanh Tuấn bên cạnh những gương mặt kỳ cựu như NSƯT Vũ Đình Thân, Hoàng Hải thì nam diễn viên sinh năm 1994 đã làm tốt nhất có thể để thể hiện hình tượng Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ.
Thách thức đầu tiên khi làm phim lịch sử là học thoại. “Đây là phim về thời kỳ cách nay cả trăm năm nên thoại khá khó, tất cả đều là tiếng Việt thời xưa. Tôi vừa phải học để thuộc lòng thoại, vừa phải truyền tải thần thái của nhân vật. Sinh thời, cụ Nguyễn Văn Cừ là người uyên bác, cách nói chuyện có sức truyền cảm hứng và thuyết phục cao. May mắn tôi có trí nhớ tốt cộng với sự kiên nhẫn nên học thoại cũng không phải quá khó. Thế nhưng việc diễn chung với các bậc cây đa cây đề như NSƯT Vũ Đình Thân, Hoàng Hải hay diễn viên Phạm Anh Tuấn thì thử thách đúng là như trái núi mà tôi phải tìm cách vượt qua”, diễn viên Thanh Tuấn kể.
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ hi sinh khá sớm nên tư liệu hình ảnh không còn nhiều. Bên cạnh một vài nét tương đồng về ngoại hình khi so với ảnh chụp, diễn viên Thanh Tuấn nỗ lực để trau dồi kỹ năng diễn xuất để biểu đạt chính xác nhất thần thái, cử chỉ, cung cách đi đứng và giao tiếp. “Để khắc họa chân dung lãnh tụ, tôi trải qua quá trình nghiên cứu kịch bản, tư liệu lịch sử một cách nghiêm túc. Đối với một diễn viên, văn hóa hành vi rất quan trọng, chỉ cần cử chỉ không đúng hoặc nhả sai một từ phải quay lại”, Thanh Tuấn nói. Từ nhỏ sinh sống ở Cộng hòa Séc nên Thanh Tuấn tự nhận gặp hạn chế nhất định khi tiếp cận lịch sử. Trong suốt quá trình nửa năm làm phim, Tuấn gạt bỏ hết mọi chuyện để toàn tâm toàn ý thể hiện hình tượng Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ.
“Tôi rất biết ơn đạo diễn Bùi Tuấn Dũng đã trao cho tôi cơ hội làm vai chính Bình minh phía trước-cơ hội mà không phải diễn viên trẻ nào cũng có được dù rất khao khát. Bộ phim mang lại kiến thức sâu rộng hơn, đặc biệt là sự trưởng thành bất ngờ cho tôi. Nếu không làm bộ phim này, tôi nghĩ phải ít nhất ba năm nữa mình mới trưởng thành như hiện nay”, Thanh Tuấn bày tỏ. Nỗ lực của nam diễn viên trẻ được đền đáp, bởi khán giả và nhiều người dân Bắc Ninh quê hương của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đều có nhận xét tích cực dành cho Thanh Tuấn.
Theo Tiền Phong
Liên kết website
Ý kiến ()