Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 20/11/2024 10:30 (GMT +7)
Phát triển kinh tế biển: Con đường hội nhập kinh tế quốc tế hiệu quả
Thứ 4, 30/10/2013 | 06:35:46 [GMT +7] A A
Mục tiêu xây dựng Quảng Ninh trở thành một địa bàn động lực, cửa ngõ giao thông quan trọng trong chiến lược hợp tác phát triển hai hành lang, một vành đai kinh tế Việt Nam - Trung Quốc, cửa ngõ khu vực mậu dịch tự do Trung Quốc - ASEAN sẽ được thiết lập trong tương lai gần. Theo đó, Quảng Ninh sẽ là trung tâm của khu vực phát triển năng động kinh tế ven biển và biển, có tốc độ tăng trưởng cao và bền vững, có thế và lực ngày càng lớn thúc đẩy sự phát triển và khả năng cạnh tranh.
Tàu vào làm hàng tại bến 2, 3 và 4 cảng Cái Lân. |
Quảng Ninh đã và đang tích cực khắc phục những bất cập, nhằm tạo đà phát triển lớn kinh tế cảng biển ở Quảng Ninh trên tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. |
Cũng có hệ thống cảng biển như một số địa phương ven biển trong khu vực phía Bắc, nhưng theo đánh giá của các chuyên gia thì hệ thống cảng biển của Quảng Ninh lại có những ưu thế vượt trội hơn rất nhiều bởi nhờ có vùng nước sâu, ít bị bồi lắng. Theo quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển, trên địa bàn tỉnh có 6 cảng biển: Vạn Gia, Hải Hà, Mũi Chùa, Cẩm Phả, Hòn Gai và Quảng Yên. Bằng việc chủ động khai thác tiềm năng, lợi thế và huy động mọi nguồn lực đầu tư, những năm qua Quảng Ninh đã từng bước nâng cấp hệ thống cảng biển theo hướng CNH, HĐH. Trong 6 cảng biển, thì hiện trên địa bàn tỉnh có 4 cảng biển là Vạn Gia, Mũi Chùa, Cẩm Phả, Hòn Gai đang khai thác, với 21 cầu cảng, có tổng chiều dài 3.451 mét, trong đó 14 cầu chuyên dụng cho: Than, xi măng, xăng dầu, khách, đóng tàu còn lại 7 cầu bốc dỡ hàng hoá tổng hợp. Khu vực cảng biển Cẩm Phả đón tàu đến 7 vạn tấn, Khu vực Hòn Gai đón tàu 5 vạn tấn. Trong đó, nổi bật là cảng Hòn Gai được xác định là cảng tổng hợp quốc gia đầu mối khu vực và là cảng biển loại I trong hệ thống cảng biển Việt Nam, bao gồm khu bến tổng hợp container Cái Lân và các bến chuyên dùng vệ tinh khác. Trong đó khu bến Cái Lân là bến chính của cảng Cái Lân có tổng diện tích 15,47ha chủ yếu làm hàng container kết hợp các loại hàng tổng hợp khác. Quy mô phát triển gồm 9 bến chính cho tàu 5 vạn DWT, tàu chở container 3.000Teu và một bến phụ cho tàu đến 2 vạn DWT vào làm hàng. Đến nay cảng đã có 7 cầu bến tiếp nhận tàu từ 25.000DWT đến 45.000DWT vào làm hàng, riêng bến số 2, 3, 4 có khu vực bãi lưu hàng rộng 14ha, trang bị loại cẩu mép bến loại Post Panamax với mục tiêu đạt năng suất cao là 30 container/giờ; tổng mức đầu tư của 3 bến này là 155 triệu USD (tương đương khoảng 3.200 tỷ đồng). Các bến chuyên dùng vệ tinh còn lại khu bến Nhà máy xi măng Thăng Long, Hạ Long, bến xăng dầu B12, bến khách Hòn Gai đều có những ưu thế vượt trội riêng phục vụ cho hoạt động bốc xuất xi măng, clinker, xăng dầu và vận tải khách.
Ở Cẩm Phả cũng có cảng chuyên dùng là cảng Cẩm Phả và bến tổng hợp, container phục vụ chủ yếu cho công nghiệp khai thác than và một số cơ sở công nghiệp tập trung khác trong khu vực. Trong đó khu bến Cửa Ông có 2 cầu bến liền bờ dài 550m, độ sâu trước bến -9 đến -10,5m, ngoài ra còn có hệ thống bến phao neo tại Hòn Nét có độ sâu -21m, có khả năng tiếp nhận tàu 70.000DWT. Các khu bến còn lại như bến xi măng Cẩm Phả là bến vệ tinh phục vụ cho việc nhập và xuất xi măng, clinker. Ngoài 2 cảng lớn này ra trên vùng kinh tế cửa khẩu Móng Cái có cảng Vạn Gia là cảng tổng hợp địa phương của tỉnh thuộc cảng biển loại II trong hệ thống cảng biển Việt Nam nhưng lại có chức năng giao lưu bằng đường biển không chỉ cho riêng thành phố cửa khẩu này mà còn là cửa ngõ giao thương của cả tỉnh, các địa phương khác với khu vực Nam Trung Quốc rộng lớn.
Năm 2012 hàng hoá, hành khách thông qua các cảng biển Quảng Ninh đứng trong TOP 3 cả nước. Cụ thể đã có 7.469 lượt tàu biển ra vào cảng; hàng hoá các loại thông qua gần 50 triệu tấn; tổng kim ngạch XNK qua các cảng biển 5,9 tỷ USD; thu ngân sách qua hoạt động dịch vụ cảng biển 15.772 tỷ đồng. 8 tháng đầu năm 2013, có 4.440 lượt tàu, thuyền đến các cảng của tỉnh, bằng 90% so với cùng kỳ năm 2012; hàng hoá qua cảng đạt 32,9 triệu tấn, bằng 105% so với cùng kỳ; hành khách qua cảng đạt trên 153.700 lượt người, trong đó, khách du lịch đạt trên 68.000 lượt, bằng 158% so với cùng kỳ, khách tuyến bờ đảo đạt trên 85.500 người, bằng 141% so với cùng kỳ…
Song hành với việc đầu tư cho phát triển kinh tế cảng biển, Quảng Ninh đang dần khẳng định vị trí quan trọng trong lòng khách du lịch đường biển mỗi khi đến Việt Nam. Trong những năm qua, các cơ quan chức năng và các doanh nghiệp đã có nhiều nỗ lực trong công tác tuyên truyền quảng bá đem lại nhiều hiệu quả rõ ràng cho lĩnh vực này. Chỉ tính trong khoảng 10 năm trở lại đây, lượng du khách đến bằng tuyến du lịch đường biển đã tăng lên rất nhiều so với trước đây. Quảng Ninh đã bắt đầu được các hãng tàu biển lớn trên thế giới biết đến. Những tháng đầu năm 2013, số chuyến tàu biển đến Hạ Long tăng đáng kể, nhiều hãng tàu lớn đã tăng thêm tần suất đưa du khách đến Hạ Long. Nhiều hãng tàu biển chưa từng đưa khách đến cũng đã lựa chọn Hạ Long là điểm đến trong hành trình của mình. Hiện ở Hạ Long có các hãng tàu lớn quen thuộc vẫn đưa khách đều đặn tới Hạ Long là: Star Cruises, Costa, Silver Sea, Seaborn... Theo đó, mùa du lịch tàu biển quốc tế 2013-1014, Hạ Long sẽ đón khoảng gần 200 chuyến tàu du lịch biển quốc tế đưa khách đến tham quan, tăng khoảng 18% so với năm trước.
Có thể nhận thấy rằng Quảng Ninh đã và đang tích cực khắc phục những bất cập, nhằm tạo đà phát triển lớn kinh tế cảng biển ở Quảng Ninh trên tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Trung Thành
Liên kết website
Ý kiến ()