Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 20/11/2024 10:21 (GMT +7)
Hành trình trở thành đầu tàu kinh tế phía Bắc
Thứ 4, 30/10/2013 | 06:24:18 [GMT +7] A A
Sáng tạo, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành
Nửa thế kỷ qua, Quảng Ninh luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng kịp thời của Đảng, Chính phủ, sự tạo điều kiện của các bộ, ban, ngành T.Ư. Cùng với đó, cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn đoàn kết, hợp lực, đồng tâm, phát huy truyền thống Vùng mỏ Anh hùng, vươn lên đạt nhiều thành tựu quan trọng.
Từ một tỉnh phải dựa vào trợ cấp của T.Ư, ngày nay Quảng Ninh luôn đứng vào tốp 5 tỉnh, thành phố có số thu ngân sách cao nhất nước. Tốc độ tăng trưởng GDP trong suốt 2 thập kỷ qua luôn đạt trên 10%/năm, GDP bình quân đầu người năm 2012 đạt 2.910 USD (gấp 1,7 lần so với bình quân chung cả nước). Cùng với Hải Phòng và Hà Nội, Quảng Ninh được xác định là đầu tàu và là một trong ba trung tâm kinh tế của Vùng đồng bằng sông Hồng, là tỉnh duy nhất cả nước có 4 thành phố.
Quảng Ninh còn là vùng đất có rất nhiều tiềm năng nổi trội và lợi thế cạnh tranh, có khả năng hội nhập quốc tế sâu rộng, nhất là hội nhập với khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á. Tỉnh có nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, kỳ vĩ như Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long, các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh đã được công nhận, xếp hạng... Đó là nền tảng phát triển rất cơ bản mà các thế hệ cán bộ lãnh đạo và nhân dân trong tỉnh đã gây dựng. Bám sát tinh thần chỉ đạo của T.Ư, thời gian qua các thế hệ lãnh đạo tỉnh luôn đoàn kết, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành thực hiện thắng lợi toàn diện các nhiệm vụ.
Đặc biệt, những năm gần đây, thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Kết luận của Bộ Chính trị, tỉnh đã tập trung xây dựng Đề án phát triển kinh tế - xã hội tỉnh; đề xuất với T.Ư các cơ chế, chính sách đặc thù phục vụ sự phát triển của tỉnh mang tính đột phá; tranh thủ tối đa nguồn vốn hỗ trợ để tạo nguồn lực đầu tư phát triển.
Với việc hoàn thành các dự án tuyến đường bao biển Lán Bè - Cột Đồng Hồ và dự án đường ô tô bao núi Bài Thơ phía biển (TP Hạ Long) đã hình thành con đường bao biển dài trên 2km bên bờ Vịnh Hạ Long. Ảnh: Khánh Giang |
Tỉnh cũng đặc biệt chú trọng tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế, mở rộng quan hệ thương mại song phương, đa phương với các nước trong khu vực và trên thế giới. Từ việc mở rộng thị trường, đối tác, cùng những thuận lợi do quá trình hội nhập mang lại, hàng hoá của tỉnh có điều kiện vươn ra thị trường khu vực và thế giới. Công tác vận động xúc tiến đầu tư được tăng cường với nhiều hình thức. Tỉnh đã ban hành kịp thời các quyết định liên quan đến cải cách, đơn giản hoá các TTHC, chuyển đổi căn bản quy trình giải quyết các thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích đảm bảo đầu tư nước ngoài tại Quảng Ninh.
Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã làm việc với gần 20 lượt nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh; đã cấp mới 5 giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn trên 65,8 triệu USD, điều chỉnh tăng vốn cho 1 dự án. Đến nay, toàn tỉnh có 94 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký trên 4,2 tỷ USD. 6 tháng đầu năm nay, doanh thu các doanh nghiệp FDI trên địa bàn đạt trên 388,7 triệu USD (tăng 6,26% so với cùng kỳ); tổng kim ngạch XNK trên 235,8 triệu USD (XK 111,6 triệu USD, NK 224,25 triệu USD).
Các địa phương trong tỉnh chủ động xây dựng vùng nguyên liệu, cụm công nghiệp trong quy hoạch phát triển, phục vụ tích cực cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế, CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn. Các trung tâm công nghiệp trên địa bàn được hình thành, như: Đóng tàu, sản xuất xi măng, cơ khí siêu trường siêu trọng, sản xuất VLXD chất lượng cao; các KCN Cái Lân, Việt Hưng, Đông Mai, Hải Yên; cụm công nghiệp, làng nghề gốm sứ Đức Chính, Vĩnh Hồng... Hệ thống cửa khẩu tiếp tục được đầu tư nâng cấp, là nơi hội tụ giao lưu thương mại, du lịch, dịch vụ, thu hút các nhà đầu tư, tạo cho tỉnh có vị thế quan trọng, là cửa ngõ giao dịch XNK với Trung Quốc và các nước trong khu vực.
Các đại biểu cắt băng khánh thành dự án đưa điện lưới ra huyện đảo Cô Tô, ngày 17-10-2013. Ảnh: ĐỖ PHƯƠNG |
Dấu ấn - Điểm nhấn
Xác định kết cấu hạ tầng đồng bộ là điểm tựa vững chắc, đòn bẩy thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, nên từ nhiều năm qua, cấp uỷ, chính quyền tỉnh đã tập trung nghiên cứu, huy động nguồn vốn xây dựng giao thông cảng biển, mạng lưới điện, cấp thoát nước, vệ sinh môi trường; mở rộng các khu đô thị, công nghiệp, du lịch, kinh tế cửa khẩu và nhiều công trình văn hoá phúc lợi công cộng. Các công trình mang dấu ấn đậm nét, tạo động lực mới cho Quảng Ninh phát triển đi lên. Đó là: Năm 2005, cầu Vân Đồn khánh thành và đưa vào sử dụng, mở ra một trang mới phát triển của huyện Vân Đồn. Từ một huyện đảo cách biệt với đất liền, đến nay Vân Đồn đã kết nối với các trung tâm kinh tế của tỉnh và cả nước bằng hệ thống giao thông thông suốt; góp phần thực hiện mục tiêu đưa Vân Đồn trở thành động lực, đầu tàu phát triển kinh tế của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung. Đặc biệt, công trình dấu ấn đầu thế kỷ - cầu Bãi Cháy khánh thành tháng 12-2006, nối liền hai bờ Cửa Lục, tạo điều kiện và là động lực mới kích thích sự phát triển kinh tế cho Quảng Ninh và các tỉnh khu vực phía Bắc. Năm 2012 cầu Trới đưa vào sử dụng là một trong những đòn bẩy quan trọng, góp phần đưa huyện Hoành Bồ vươn lên phát triển nhanh, bền vững. Các dự án cải tạo, nâng cấp đoạn QL18A; đường 279; QL18C Tiên Yên - Hoành Mô; tỉnh lộ 329; đường nối TP Hạ Long với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; đường dẫn cầu Bắc Luân II; nhà máy sợi tại KCN Hải Yên -Móng Cái…
* Mục tiêu đến năm 2015, Quảng Ninh cơ bản đạt tiêu chí tỉnh nông thôn mới (về trước cả nước 5 năm). Một trong các giải pháp thực hiện đạt mục tiêu đó là, đổi mới cách thức tổ chức thực hiện theo hướng “người dân làm, nhà nước hỗ trợ”, dần chuyển hướng tăng sự đầu tư của dân và giảm của Nhà nước; tập trung vào hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp. * Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên trong cả nước ưu tiên nguồn lực để triển khai thực hiện chuyển giao và ứng dụng KHCN trong 2 năm qua, hằng năm bố trí 4-5% chi thường xuyên (mức cao nhất trong cả nước, mức quy định của Quốc hội là không dưới 2%). Kết quả, xây dựng được một số cơ chế chính sách thuận lợi để đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao và làm chủ KHCN trong sản xuất và đời sống; hoàn thành Quy hoạch phát triển KHCN tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2011-2020, định hướng đến 2030; lập Quỹ Phát triển KHCN tổng vốn là 50 tỷ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư đổi mới, ứng dụng KHCN. |
Một công trình ghi đậm dấu ấn đầu thế kỷ nữa phải kể đến dự án đưa điện lưới ra huyện đảo Cô Tô được khánh thành mới đây, thể hiện sự quan tâm, chăm lo cho đồng bào vùng biển đảo Đông Bắc của Tổ quốc, sự nỗ lực và quyết tâm lớn của T.Ư, của tỉnh hiện thực hoá chủ trương điện lưới hoá nông thôn, miền núi, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, an sinh xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Đây là dự án đầu tiên trong cả nước được thi công với công nghệ chôn ngầm cáp 22kV dưới đáy biển và rải dây điện 110kV trên không bằng kinh khí cầu. Công trình hoàn thành đúng dịp kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập tỉnh, lập kỷ lục công trình đầu tiên của ngành Điện được thi công đảm bảo cả về tiến độ, thời gian và chất lượng. Nhiều công trình nổi bật được gắn biển tuổi 50 dịp này, là: Bảo tàng - Thư viện tỉnh; cụm công trình đường bao núi Bài Thơ và công viên Lán Bè; hồ chứa nước ngọt Trường Xuân (Cô Tô); khu văn hoá núi Bài thơ, Nhà máy nhiệt điện Mông Dương…
Phát huy những thành tích đạt được, tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tiếp tục thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội XI Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh XIII, các nghị quyết, kết luận của T.Ư, nhất là triển khai thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế, quyết tâm “xây dựng Quảng Ninh trở thành địa bàn động lực, xứng đáng là cực tăng trưởng quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, của vành đai kinh tế vịnh Bắc Bộ”.
Nguyễn Huế
Liên kết website
Ý kiến ()