Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 20/11/2024 10:29 (GMT +7)
Sân khấu chuyên nghiệp Quảng Ninh: Vàng son một thuở...
Thứ 4, 30/10/2013 | 05:33:36 [GMT +7] A A
Trong cơn thoái trào của sân khấu hôm nay, nhiều nghệ sĩ Quảng Ninh đang “mơ về” giai đoạn những năm đầu thành lập tỉnh đến cuối thập niên 80 của thế kỷ trước. Hồi ấy, ở Quảng Ninh, các rạp hát tối nào cũng đỏ đèn, nhiều vở diễn đã gây được tiếng vang lớn với một giàn nghệ sĩ đã thành danh...
Cố Tổng Bí thư Trường Chinh chúc mừng Đoàn Chèo Quảng Ninh đã diễn thành công vở “Tiếng sóng Bạch Đằng”, năm 1978. (Ảnh tư liệu Đoàn Chèo cung cấp) |
Nếu như nhiều tỉnh phía Nam không có sân khấu chèo, đa số các tỉnh phía Bắc thiếu sân khấu cải lương, thì Quảng Ninh có sự hoạt động của cả ba đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp: Cải lương, Chèo và Kịch nói. Năm 1960, Đoàn Kịch nói Quảng Ninh được tách từ một bộ phận của Đoàn văn công tổng hợp Khu mỏ. Sau đó 3 năm, Đoàn Chèo khu Hồng Quảng được thành lập trên cơ sở tổ Chèo của Đoàn Văn công Quảng Ninh và một năm sau đó thì đổi tên là Đoàn chèo Quảng Ninh. Riêng Đoàn nghệ thuật Cải lương Quảng Ninh lại có lịch sử xuất hiện từ khá sớm với tiền thân là gánh hát Lúa Vàng, ra đời năm 1957. Đến ngày 1-8-1968, gánh hát Lúa Vàng đổi tên thành Đoàn Cải lương Quảng Ninh...
Từ khoảng gần hai chục năm lại đây, “thời vàng son” của sân khấu Quảng Ninh đã lùi dần vào hoài niệm. Sân khấu truyền thống bị các loại hình nghệ thuật đương đại lấn át; diễn viên sân khấu loay hoay trong cơ chế thị trường. |
Từ khi thành lập tỉnh đến khoảng đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp Quảng Ninh đã có một “thời kỳ hoàng kim”. Nhiều vở diễn đã gặt hái thành công như: “Tấm Cám” (của Lưu Quang Thuận), “Đội máy xúc vùng mỏ” (của Nguyễn Anh Sinh), “Cánh chim địa chất” (của Đức Nhuần), “Lò 68” (của Vương Lan), “Chị Ngần”, “Người không thể chết” và “Vùng đất gẫy” (của Thanh Đạm), “Con nghé hoa” (của Trường Thịnh), “Đội máy khoan chống Mỹ” (của Bùi Quý Linh), “Nhân danh công lý” (của Võ Khắc Nghiêm), “Lệ Chi Viên” (của Hoàng Hạc), “Ngôi sao Hạ Long” (của Trần Đình Ngôn) v.v.. Và cũng từ đó nhiều nghệ sĩ đã thành danh, ghi tên tuổi vào sự nghiệp phát triển sân khấu tỉnh nhà, như: Ngọc Lô, Trường Thịnh, Hải Phượng, Hồ Ngọc Tháp, Huy Mão, Minh Huệ, Hoàng Hạc, Bắc Việt, Bằng Thái, Tất Thị, Thuý Minh, Lê Do, Minh Tuấn, Thu Hường, Trang Dung, Tuyết Nhung, Mạnh Hải, Hồng Nhung, Quốc Việt, Trọng Bình, Thanh Chắc, Huy Mạch v.v..
Một cảnh trong vở diễn “Người đàn bà 13 bến nước” của Đoàn Cải lương Quảng Ninh. |
Cả ba đoàn nghệ thuật đều có những vở diễn để đời. Một trong những vở diễn cải lương tiêu biểu ngày ấy là “Tiếng sấm Tây Nguyên”. Năm 1965, vở diễn này đã được phía bạn Trung Quốc mời sang biểu diễn và đã gây ấn tượng tốt đẹp. Hai nghệ sĩ cải lương Trần Bường và Nguyễn Duy Lăng đã cùng với đoàn văn nghệ sĩ của Quảng Ninh đi vào biểu diễn phục vụ chiến trường miền Nam. Nhiều vở diễn khác của Đoàn trong thời kỳ này đã để lại ấn tượng như: “Quê than rực lửa”, “Nổi gió”, “Võ Thị Sáu”, “Thái hậu Dương Vân Nga”, “Bỉ vỏ”, “Dòng suối trắng”, “Sắc phù dung”, “Ai giết chồng tôi” v.v.. Riêng “Bỉ vỏ” đã giành Huy chương Vàng tại Hội diễn sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc năm 1990. Những vở diễn này đều gắn bó chặt chẽ với tên tuổi diễn viên, nhà biên kịch Hoàng Hạc. Từ một diễn viên chính, ông quay sang làm đạo diễn rồi viết trên 70 vở kịch, như: “Hồng Cơ - Minh Ngọc”, “Nổi gió”, “Bà mẹ bên sông Hồng”, “Không lực - Bất lực”, “Lam Sơn khởi nghĩa” v.v..
Đoàn kịch cũng đã để lại dấu ấn ngay từ lúc thành lập với những vở như: “Con gấu trẻ”, “Đêm đen”, “Sài Gòn dậy lửa” và “Những viên đạn đầu tiên”. Sau đó, nhiều diễn viên đã lên đường biểu diễn phục vụ chiến sĩ và đồng bào cả nước, với hàng loạt các vở diễn như: “Sao Hôm, sao Mai”, “Đôi mắt”, “Sao thần nông”, “Người con cô đơn”, “Người tôi chờ đợi”, “Người năm ấy”, “Hà My của tôi”, “Nhân danh công lý”, “Người mang hai vết thương”, “Vàng”, “Khi tình yêu lên tiếng” v.v..
Không thua kém hai đoàn nghệ thuật trên, Chèo Quảng Ninh đã tạo được ấn tượng tốt với những vở diễn đáng nhớ như: “Nàng Sita”, “Tiếng đàn bầu”, “Ngôi sao Hạ Long”, “Tiếng sóng Bạch Đằng”, “Cầu phúc”, “Trinh nguyên”, “Tiếng vọng rừng xanh” v.v.. Theo nhà biên kịch sân khấu Thanh Đạm, đây là thời kỳ hoàng kim của sân khấu Quảng Ninh vì có nhiều vở diễn để đời, nhiều tài năng sân khấu xuất hiện và các đoàn nghệ thuật hoạt động rất chuyên nghiệp và bài bản.
Từ khoảng gần hai chục năm lại đây, “thời vàng son” của sân khấu Quảng Ninh đã lùi dần vào hoài niệm. Sân khấu truyền thống bị các loại hình nghệ thuật đương đại lấn át; diễn viên sân khấu loay hoay trong cơ chế thị trường. Để tháo gỡ khó khăn, năm 1991, ba đoàn sân khấu chuyên nghiệp và Đoàn ca múa đã được sáp nhập làm một. Đến năm 1993, lại tách ra thành Đoàn Ca - Múa - Nhạc, Đoàn Kịch nói, còn hai đoàn Chèo và Cải lương sáp nhập thành Nhà hát nghệ thuật dân tộc. Để rồi, tháng 8-1996 thì Chèo và Cải lương tiếp tục tách ra, “trả lại tên cho em”. Chuyện “khắc nhập, khắc xuất” giữa những loại hình khác nhau đã cản trở hoạt động của sân khấu Quảng Ninh suốt một thời gian khá dài... Nhưng rất may là sau đó mọi chuyện dần đi vào nề nếp hơn và sân khấu Quảng Ninh bước đầu có những thành tựu mới với sự xuất hiện của một số nghệ sĩ có tài năng, trong đó nhiều gương mặt còn rất trẻ. Về cải lương, có NSƯT Thanh Chương, NSƯT Tiến Mác, NSƯT Bích Hoà, Thế Sinh, Văn Nam v.v.. Kế đó là Hoàng Thuỷ, Hương Sen, Thu Thuỷ, Duy Quang, Tuấn Ngọc, Thanh Thanh. Về chèo, có Huy Mạch, Tân Bình, Văn Diễn, Hồng Vân, Thanh Mai. Kịch nói có Diệu Hương, Mạnh Hải, Mai Lan, Mạnh Hùng, Tố Hương, Lê Thắng v.v..
Một cảnh trong vở “Giếng thơi trong lòng phố” của Đoàn kịch Quảng Ninh. |
Một thành công nữa không thể không nói đến, đó là việc khai thác các đề tài đương đại của các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp. Riêng Cải lương và Chèo còn biến những vở diễn ấy thành sản phẩm du lịch... Có thể kể đến các vở chèo mang hơi thở đời sống đương đại, như: “Tiếng hát người Dao”, “Trái tim tượng đá”, “Mẹ kế của chồng tôi”, “Nỗi đau tình mẹ”, “Những vần thơ thép”, “Đời người phu mỏ”, “Dấu ấn con đường”. Sân khấu Kịch nói cũng có: “Biển không yên tĩnh”, “Người đàn bà uống rượu”, “Khoảnh khắc mong manh”, “Người tôi yêu”, “Đối đầu”, “Người tình nguyện”, “Người tự xé xác”, “Lời nguyền của Biển” và “Lâu đài tuổi thơ”, “Người tự xé xác”. Và gần đây nhất là “Giếng thơi trong lòng phố”, đã mang lại cho Đoàn 2 HCB dành cho cá nhân tại Hội diễn kịch chuyên nghiệp toàn quốc năm 2012. Cải lương cũng mang đến hơi thở cuộc sống đương đại trong vở diễn mới “Người đàn bà 13 bến nước”. Vở diễn này đã đem lại cho Cải lương Quảng Ninh 2 HCV, 2 HCB và một giải thưởng “Diễn viên trẻ triển vọng” trong Hội diễn sân khấu cải lương toàn quốc năm qua.
Nhìn lại sân khấu Quảng Ninh hôm nay, theo NSƯT Trọng Bình, sân khấu chuyên nghiệp có những thành công nhất định, nhưng sân khấu không chuyên mới thực sự khởi sắc. Nguyên nhân nằm ở chỗ sân khấu không chuyên đã được đầu tư nhiều hơn, kể cả trang phục, đạo cụ, bồi dưỡng diễn viên; nhiều phong trào, hội diễn tạo ra được những mô hình có sức lan toả trong xã hội. Phong trào đó đã làm cho sân khấu chuyên nghiệp phải “ghen tỵ”... Có không ít nghệ sĩ sân khấu Quảng Ninh, khi trò chuyện với chúng tôi, đã chia sẻ: Bước lên sân khấu, được đóng vai ông vua, bà chúa, khi tắt ánh đèn màu, đi xuống lại “thêm tủi” giữa đời thường. Thôi cùng đành gửi giấc mơ theo vai diễn. Mong một ngày nào đó, nghệ thuật truyền thống sẽ lại lên ngôi, sân khấu chuyên nghiệp trở về thời “hoàng kim một thuở”...
Huỳnh Đăng
Liên kết website
Ý kiến ()