Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 23:25 (GMT +7)
Cơ chế đặc thù cho đặc khu
Thứ 6, 27/10/2017 | 07:42:47 [GMT +7] A A
Thực tế xây dựng các khu kinh tế ở nước ta trong hơn 20 năm qua cho thấy, dù có ưu đãi về đầu tư, thuế, đất đai… nhưng sự phát triển của các khu kinh tế, nhất là khu kinh tế ven biển vẫn chưa đáp ứng mục tiêu, kỳ vọng đặt ra. Vì vậy, việc đánh giá một cách tổng thể, kỹ lưỡng về các chính sách áp dụng tại các mô hình khu kinh tế những năm qua để rõ hơn cơ sở thực tiễn khi xây dựng các cơ chế, chính sách mới, đặc thù, vượt trội cho các đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt là rất cần thiết.
Từ năm 2012 khi xây dựng đề án Khu Kinh tế đặc biệt Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh đã nêu nguyên tắc không xin tiền ngân sách trung ương để đầu tư cho Vân Đồn, mà chỉ cần cơ chế để lôi kéo, lan tỏa, để tạo nên được mô hình mới tại đây. Và hiện nay khi đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù cho Đề án Đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt Vân Đồn, một lần nữa tỉnh Quảng Ninh khẳng định quan điểm Vân Đồn cần những thể chế vượt trội chứ không hẳn chỉ là ưu đãi thuế, phí. Và để đặc khu “sống” tốt theo đề xuất của Quảng Ninh tập trung vào 12 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù. Gồm: Thuế, đất đai và bất động sản, tài chính - ngân sách, tiền tệ - ngân hàng, đầu tư - kinh doanh, quản lý và phát triển nguồn nhân lực, xuất ,nhập cảnh và quản lý cư trú, xuất, nhập khẩu hàng hóa, nhà đầu tư chiến lược, hoạt động công nghệ cao, phát triển du lịch và chính sách khác.
Kinh nghiệm thực tiễn trên thế giới cho thấy muốn các cơ chế, chính sách cho đặc khu vận hành thành công thì ở giai đoạn ban đầu sự hỗ trợ của Nhà nước là rất quan trọng. Đây là cơ sở quan trọng bảo đảm tính khả thi của việc tạo niềm tin cho các nhà đầu tư, thu hút đầu tư vào đặc khu. Vì vậy, với Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh đề xuất nguyên tắc chung Nhà nước hỗ trợ ở giai đoạn 5 năm đầu, xác định rõ nguồn lực hỗ trợ có mục tiêu trên cơ sở trích lại một tỷ lệ nhất định từ đóng góp của Quảng Ninh nộp về ngân sách trung ương. Sau thời gian đó, đặc khu sẽ đảm bảo được yêu cầu trang trải và có một phần tích lũy để phát triển tiếp cơ sở hạ tầng cũng như đóng góp về ngân sách tỉnh và trung ương.
Đó là, được để lại toàn bộ 100% số thu ngân sách nội địa phát sinh trên địa bàn Đặc khu Vân Đồn đến năm 2030 để thực hiện một số chính sách đặc thù tại Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt. Bổ sung có mục tiêu cho Đặc khu Vân Đồn trong thời gian 5 năm kể từ ngày thành lập tương ứng 25% số thu nội địa của tỉnh Quảng Ninh đang điều tiết về ngân sách trung ương để đầu tư phát triển một số cơ sở hạ tầng thiết yếu và thực hiện một số chính sách đặc thù quy định tại Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt. Ngân sách tỉnh Quảng Ninh bổ sung cho Đặc khu Vân Đồn trong 5 năm kể từ ngày thành lập, để xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, công trình bảo vệ môi trường quan trọng của đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và thực hiện chính sách đặc thù quy định tại Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt. Các hãng hàng không mở mới các tuyến bay đến và đi tại Cảng hàng không Vân Đồn được hỗ trợ phí cất, hạ cánh, chi phí sân đỗ máy bay và chi phí liên quan tối đa.
Qua thảo luận của các chuyên gia, có thể khẳng định các cơ chế, chính sách đặc thù Quảng Ninh đề xuất cho Đặc khu Vân Đồn đảm bảo tính cạnh tranh, lợi ích hài hòa giữa quốc gia, nhà đầu tư, địa phương và người dân. Và thành công trong việc vận hành Đặc khu Vân Đồn không phải từ việc lấy phí, thuế làm gậy dọn đường mà là môi trường đầu tư kinh doanh, là độ an toàn cho các nhà đầu tư theo nguyên tắc “thượng tôn pháp luật; chính quyền có năng lực chuyên môn cao; tập trung vào thu hút nguồn lực con người”.
Ngọc Lan
Liên kết website
Ý kiến ()