Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 08:48 (GMT +7)
TP Hạ Long: Nhiều giải pháp thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU
Thứ 6, 06/01/2023 | 08:47:09 [GMT +7] A A
Trong quá trình phát triển, TP Hạ Long luôn xác định bảo vệ môi trường (BVMT) giữ vị trí quan trọng, cấp bách. Để nâng cao hiệu quả lĩnh vực này, thành phố đã tập trung mọi nguồn lực để thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU (ngày 26/9/2022) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, BVMT, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước giai đoạn 2022-2030. Trên quan điểm coi môi trường là yêu cầu sống còn, là nền tảng cho sự phát triển, những năm gần đây, bằng nhiều giải pháp thiết thực, TP Hạ Long đã triển khai hiệu quả công tác phòng chống ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Khắc phục ô nhiễm môi trường
So với các địa phương trên địa bàn tỉnh, TP Hạ Long tập trung số doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, chế biến thực phẩm lớn nhất tỉnh. Đây cũng là những ngành kinh tế gây tác động mạnh mẽ nhất đến môi trường, tài nguyên, sức khỏe, an toàn và xã hội. Để hoàn thành mục tiêu phát triển bền vững, từ năm 2020 đến nay, thành phố đã tập trung di dời các cơ sở tiểu thủ công nghiệp, chế biến thực phẩm tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, hoặc không phù hợp với quy hoạch ra khỏi các khu dân cư.
Trong 364 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp cần di dời (cơ sở sản xuất, gia công cơ khí; chế biến và sản xuất các sản phẩm từ gỗ, tre, nứa; bảo dưỡng, sửa chữa ô tô và động cơ khác; cơ sở giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm; cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng), đến nay, thành phố đã di dời gần 100 cơ sở.
Đồng thời, đảm bảo 100% các KCN trên địa bàn thành phố hoàn thành đầu tư xây dựng, đưa các trạm xử lý nước thải vào vận hành và có hệ thống quan trắc nước thải tự động truyền số liệu trực tiếp về Sở TN&MT để kiểm soát; 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có quy mô xả nước thải từ 1.000m3 ngày/đêm trở lên, hoàn thành lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động; 100% cơ sở sản xuất điện, than, xi măng, vôi, khai thác khoáng sản thực hiện vận hành có hiệu quả công trình BVMT theo báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt.
Ngoài triển khai đầu tư của các doanh nghiệp, TP Hạ Long đã quan tâm phân khai nguồn ngân sách để thực hiện các dự án môi trường có trọng tâm, trọng điểm. Tổng kinh phí dành cho sự nghiệp BVMT từ năm 2020 đến nay là gần 100 tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí này, nhiều điểm nóng về BVMT đã được xử lý kịp thời.
Điển hình như việc cải tạo, chỉnh trang, mở rộng, khắc phục ô nhiễm môi trường trên đường Trần Quốc Nghiễn đoạn từ cầu Bài Thơ đến điểm đấu nối đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả; tiến hành xử lý, khắc phục triệt để việc ngập úng lâu nay tại khu vực phường Hà Lầm, Cao Thắng, Hà Khánh, Giếng Đáy; duy trì, thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt, cải tạo trồng cây xanh, xây tường kè tại 5 hồ sinh thái; lấy mẫu quan trắc đánh giá các điểm ô nhiễm môi trường...
Việc thực hiện vệ sinh môi trường tại các khu dân cư đã và đang tạo lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng, đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần xây dựng hình ảnh "thành phố xanh” đối với người dân và du khách.
Phấn đấu đạt mục tiêu cao hơn
Mặc dù đã có nhiều chuyển động tích cực trong công tác BVMT, tuy nhiên thực tế cho thấy lĩnh vực này vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, như: Một số cơ sở hoạt động chưa có hồ sơ BVMT, dẫn đến phải xử lý vi phạm; vẫn còn tình trạng người dân đổ rác trộm tại các khu đất trống; công tác phối hợp giữa các đơn vị chưa được thực hiện thường xuyên, hiệu quả. Không những thế, môi trường trên địa bàn thành phố vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm khi tỷ lệ nước thải sinh hoạt còn 67% chưa được xử lý tại khu đô thị, 100% nước thải khu vực nông thôn chưa được thu gom, xử lý. Công tác hậu kiểm sau xử lý đối với các cơ sở vi phạm còn ít.
Nhằm cụ thể hóa các quan điểm, định hướng, mục tiêu của tỉnh trong công tác BVMT và đảm bảo khắc phục những tồn tại trên, vừa qua Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đã xây dựng chương trình hành động để triển khai Nghị quyết số 10-NQ/TU. Đáng chú ý là trong chương trình hành động, TP Hạ Long đã xây dựng các mục tiêu cụ thể cao hơn so với mục tiêu mà Nghị quyết số 10-NQ/TU đặt ra.
Cụ thể, TP Hạ Long đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ rác thải rắn sinh hoạt ở các khu đô thị đạt 100%; tỷ lệ thu gom và xử lý nước thải đô thị đạt trên 80%; tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn ở khu đô thị đạt 100%; giữ vững độ che phủ rừng đạt ổn định từ 60,8-61%; tỷ lệ gia đình ở đô thị sử dụng nước sạch đạt 100%; tỷ lệ hộ gia đình thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn ở đô thị và xã nông thôn mới đạt trên 50%; giảm 30% thiệt hại về người đối với các loại hình thiên tai có cường độ, quy mô tương đương giai đoạn 2015-2020.
Thành phố cũng bổ sung thêm mục tiêu về quản lý tài nguyên, khoáng sản - lĩnh vực vốn phát sinh nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Theo đó đến năm 2028, sẽ hoàn thành mục tiêu 100% đơn vị khai thác khoáng sản thực hiện đúng lộ trình đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường; đề nghị cấp có thẩm quyền chấm dứt hoạt động khai thác than lộ thiên; các nhà máy, xi măng, nhiệt điện có ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường phải xây dựng xong lộ trình chấm dứt hoạt động theo quy hoạch, chủ trương của tỉnh. Đến năm 2030, các chỉ tiêu nói trên đều được nâng lên đảm bảo Hạ Long xứng tầm là đô thị loại I, thủ phủ của tỉnh.
Ông Trần Ngọc Thế, Phó Trưởng phòng TN&MT thành phố, chia sẻ: Trong chương trình hành động, TP Hạ Long đã chia lộ trình thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU thành 3 giai đoạn nhỏ (đến năm 2025, đến năm 2028 và đến năm 2030) để dễ kiểm đếm và cũng để đảm bảo bố trí nguồn lực phù hợp theo đặc thù của từng giai đoạn. Việc thực hiện nghị quyết cũng được xác định sẽ triển khai theo 9 nhóm giải pháp. Trên cơ sở chương trình hành động, UBND thành phố đã xây dựng kế hoạch cụ thể và nhiệm vụ cho từng đơn vị; việc BVMT sẽ luôn giữ vị trí trung tâm của các chủ trương, quyết định phát triển KT-XH của thành phố.
Hoàng Nga
Liên kết website
Ý kiến ()