Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 18/11/2024 00:20 (GMT +7)
Thấy gì ở Cuộc thi sáng tác ca khúc về Quảng Ninh?
Thứ 5, 05/05/2022 | 11:07:41 [GMT +7] A A
Cuộc thi sáng tác ca khúc về Quảng Ninh năm 2021 do Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức vừa tổng kết và trao giải đúng ngày kỷ niệm 67 năm Ngày tiếp quản Vùng mỏ, 25/4 (1955-2022), đã cho chúng ta thấy được một bức tranh rất đa dạng về Quảng Ninh qua lăng kính âm nhạc. Các ca khúc được sáng tác là tấm lòng với cảm xúc và tài năng của các nhạc sĩ, nghệ sĩ với vùng đất thiêng liêng địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc.
Cuộc thi sáng tác ca khúc về Quảng Ninh năm 2021 được phát động từ tháng 4/2021 dành cho tất cả các nhạc sĩ chuyên nghiệp và không chuyên trong và ngoài tỉnh viết về mảnh đất và con người Quảng Ninh. Đây là hoạt động hưởng ứng Năm Âm nhạc - Sân khấu Quảng Ninh với nhiều chuyến thực tế sáng tác, biểu diễn đa dạng phong phú và trải dài trong suốt năm 2021. Cuộc thi góp phần tôn vinh những cá nhân có tác phẩm chất lượng tốt trong cuộc thi, giới thiệu những tác phẩm đã đạt giải của cuộc thi này để động viên, khích lệ phong trào sáng tác của văn nghệ sĩ Quảng Ninh.
Sau gần 1 năm triển khai, Ban Tổ chức đã nhận được 50 tác phẩm của 29 tác giả, trong đó có 36 tác phẩm của 24 tác giả phù hợp với thể lệ cuộc thi đã được lựa chọn để thẩm định. Hội đồng Giám khảo tổ chức thẩm định nghiêm túc, công tâm để đánh giá chất lượng và lựa chọn những tác phẩm âm nhạc tốt nhất đề nghị Ban Tổ chức trao giải.
Bà Trần Thùy Liên, Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Quảng Ninh, thành viên Ban Tổ chức, cho biết: Cuộc thi đã được triển khai nghiêm túc. Công tác tuyên truyền về cuộc thi có nhiều hình thức và đã bước đầu có tác dụng tích cực thu hút được sự quan tâm, hưởng ứng tham gia của đội ngũ hội viên sáng tác và người dân trên địa bàn tỉnh. Đối tượng tham dự cuộc thi đa dạng bao gồm những cá nhân ở nhiều lứa tuổi và ngành nghề cư trú ở nhiều địa phương trong tỉnh và một số tác giả tỉnh ngoài. Với nhiều phong cách và thể loại, nhìn chung các tác phẩm tham gia cuộc thi đã phản ánh được phần nào những thành tựu của Quảng Ninh trong thời kỳ đổi mới cũng như ca ngợi truyền thống văn hóa lịch sử và con người quê hương Quảng Ninh.
Nhạc sĩ Hoàng Thành, nguyên cán bộ Công an Quảng Ninh, hiện đang sinh sống tại TP Hồ Chí Minh, chia sẻ: Tôi đã xa Quảng Ninh được 24 năm rồi và lúc nào cũng nhớ về quê hương. Xa Hạ Long, xa Quảng Ninh, tôi cũng có nhiều trăn trở lắm bởi mảnh đất Quảng Ninh rất giàu truyền thống anh hùng, có phong cảnh thiên nhiên giàu đẹp, kỳ quan thế giới. Chính vì thế, tôi trăn trở nhớ về Quảng Ninh và đã viết ca khúc Yêu Hạ Long huyền thoại để tri ân Hạ Long, tri ân Quảng Ninh, gửi gắm tình cảm của tôi - một người xa quê hương mấy chục năm đến mảnh đất này.
Nhìn chung, những tác phẩm âm nhạc tham dự cuộc thi đều là những sáng tác được đầu tư công phu, nghiêm túc về ca từ và giai điệu. Đặc biệt, nội dung các ca khúc thể hiện được trách nhiệm công dân và niềm tự hào của người nhạc sĩ, người nghệ sĩ trước sự phát triển, đổi thay của quê hương Quảng Ninh thân yêu.
Nhạc sĩ Đinh Công Thuận, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam, thành viên Hội đồng Giám khảo, đánh giá: Đề tài của cuộc thi rất đa dạng phong phú về phong tục tập quán con người, truyền thống cách mạng, ca ngợi Đảng ca ngợi Bác Hồ; về danh lam thắng cảnh những địa danh rất nổi tiếng từ xa xưa, đặc biệt là trung tâm mỏ của cả nước và truyền thống của người thợ mỏ. Các ca khúc đã đề cập đến những khía cạnh rất đa dạng tạo nên được một bức tranh âm nhạc Quảng Ninh rất phong phú và nhiều tác phẩm có chất lượng rất đáng trân trọng. Một số nhạc sĩ quan tâm đến đề tài truyền thống đấu tranh cách mạng gắn với miền đất và con người Quảng Ninh như: "Cô Tô nhớ Bác về thăm" của nhạc sĩ Vũ Đức Tạo, "Phong Dụ miền đất anh hùng" của nhạc sĩ Lê Huy Hòa, "Cô Tô nhớ Bác" của cố nhạc sĩ Nguyễn Thành Long, "Đông Triều đệ tứ quê hương" của nhạc sĩ Phạm Đức Toàn v.v..
Các tác phẩm lần này khá đa dạng về đề tài và về văn hóa các dân tộc, phong tục tập quán và sự phát triển đổi mới của nông thôn vùng cao, mỗi tác phẩm lại có khung cảnh âm nhạc riêng, làm cho toàn cảnh bức tranh âm nhạc cũng đa dạng với những chất liệu âm nhạc riêng. Đó là những chất liệu âm nhạc dân gian, đậm sắc thái của mảnh đất Quảng Ninh được ví như "một Việt Nam thu nhỏ". Nơi đó có cả biển đảo, đồng bằng duyên hải và miền núi trung du. Có thể kể ra những ca khúc như: "Đi thuyền trên sông Ba Chẽ" của nhạc sĩ Lê Nguyên Thêm, "Khúc hát cầu sông Chanh" của nhạc sĩ Lê Đăng Vệ, "Trầm tích phía sông Cầm" của nhạc sĩ Bùi Vân Anh, "Tình ca biển rừng quê ta" của nhạc sĩ Phan Thế Phùng, "Phiên chợ xuân" của nhạc sĩ Nguyễn Quang Vinh v.v..
Những ca khúc về đề tài Hạ Long chiếm số lượng lớn. Về điểm này, nhạc sĩ Đinh Công Thuận nhận định: Hạ Long thực sự là niềm tự hào và đã chiếm lĩnh cảm xúc của số đông nhạc sĩ trong đợt sáng tác lần này. Với số lượng khoảng 1/3 các sáng tác trực tiếp viết về Hạ Long huyền thoại, có những bài thực sự gây xúc động mạnh mẽ qua sự tìm tòi về âm điệu, bút pháp và đã được hội đồng thẩm định đánh giá cao. Nhiều tác phẩm thiên về phong cách trữ tình, ngợi ca, có những tìm tòi đáng trân trọng trong việc xây dựng cấu trúc và giai điệu tác phẩm. Ca từ thường nêu bật được cảm xúc của tác giả với những khía cạnh khoảnh khắc sắc thái và kỷ niệm đẹp rất đặc sắc của Hạ Long. Bên cạnh đó là một số tác phẩm có phong cách nhạc nhẹ, sôi động phản ánh không khí Quảng Ninh thân thiện, trẻ trung phát triển hiện đại và đã đem lại hiệu quả âm nhạc khá tốt.
Nhạc sĩ Hoàng Văn Thành, hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Giám đốc Phòng trà Hạ Long ByNight, cho biết: Khi tiếp cận bài thơ của tác giả Hoa Trần, tôi đã hiểu được con người Hạ Long, cảnh quan rất đẹp, rất nên thơ. Và vì thế, tôi muốn chuyển tải cho mọi người thấy Hạ Long là một kỳ quan thế giới. Đến hôm nay, Hạ Long đã thay đổi nhiều và như là một bức tranh tạo ra rất nhiều cảm xúc cho những nhạc sĩ như tôi viết nên những giai điệu ngợi ca.
Ngoài ra, còn có một số đề tài khác cũng được các nhạc sĩ đề cập. Có hai tác phẩm viết về đề tài người chiến sĩ đó là "Lính đảo Trần" của Trần Mai và "Bài ca người chiến sĩ công an nhân dân" của Nguyễn Văn Hải. Chỉ có 1 ca khúc viết về người thợ mỏ là "Tự hào khúc hát vùng than" của Bùi Vân Anh. Rất tiếc chỉ có một ca khúc về thợ mỏ gửi tham gia cuộc thi. Nhạc sĩ Đinh Công Thuận bày tỏ tiếc nuối: Quảng Ninh là mảnh đất từng có những ca khúc bất hủ về hình tượng người thợ mỏ rất đỗi tự hào thì số lượng tác phẩm ít ỏi như thế về người thợ mỏ hôm nay thật chưa tương xứng với kỳ vọng của cuộc thi.
Nhạc sĩ Đinh Công Thuận cũng thẳng thắn chỉ ra việc trong cuộc thi, vẫn còn những ca khúc nghe quen thuộc, thiếu tìm tòi trong cách tiến hành giai điệu hoặc cấu trúc hòa âm. Có những ca khúc được các ca sĩ thể hiện hay phối khí không trùng khớp với văn bản về giai điệu âm nhạc và tiết tấu. Một số tác phẩm phản ánh chung chung về Quảng Ninh giai điệu kể lể chạy theo lời thơ. Cấu trúc âm nhạc còn lỏng lẻo, ca từ còn tản mạn, do vậy chưa có tính thuyết phục cao.
Bà Trần Thùy Liên cũng thừa nhận: Bên cạnh những kết quả đạt được công tác tổ chức và triển khai, cuộc thi vẫn còn có những tồn tại hạn chế. Việc xây dựng kế hoạch và triển khai cuộc thi còn chưa thực sự chuyên nghiệp khoa học và thống nhất, thiếu sự đôn đốc giám sát chưa lường hết được những khó khăn trong triển khai. Chưa thành lập được ban tổ chức cũng như tổ thư ký, do đó còn nhiều lúng túng khi triển khai. Việc tiếp nhận và tổ chức các hội đồng còn chậm. Một số tác giả không nghiên cứu kỹ thể lệ nên còn có những vi phạm như: Không phải là sáng tác mới, tác giả dự thi lại là người trực tiếp giúp việc cho Thường trực Hội, tác giả không sinh sống trên địa bàn tỉnh. Các hoạt động tuyên truyền cho cuộc thi chưa liên tục, chưa có các biện pháp tuyên truyền nổi bật, mới chỉ dừng lại ở việc đưa tin, chưa thu hút sâu rộng và có sức lan tỏa đối với các tầng lớp nhân dân. Vì thế, số lượng tác phẩm gửi về còn ít. Một số tác phẩm dự thi mang tính phong trào chưa có sự đầu tư kỹ lưỡng nên chất lượng chưa cao.
Bỏ qua những hạn chế nhỏ đó, nhìn chung cuộc thi đã thành công tốt đẹp để lại dư âm trong lòng công chúng yêu nhạc. Kết quả chung cuộc, Ban Tổ chức đã trao 12 giải thưởng gồm: 1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba và 6 giải khuyến khích cho các tác phẩm. Giải nhất của cuộc thi đã thuộc về ca khúc “Huyền thoại Hạ Long xanh”, một sáng tác của tác giả Trần Thanh Bình, Phó Giám đốc Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh Quảng Ninh. Ngày trao giải (25/4/2022), do ông Trần Thanh Bình bận công việc đi công tác vắng nên uỷ quyền bà Lê Tuyết, vợ ông đến nhận thay.
Phạm Học
Liên kết website
Ý kiến ()