Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 17/11/2024 14:24 (GMT +7)
Gìn giữ đạo thầy trò
Chủ nhật, 17/11/2024 | 11:54:52 [GMT +7] A A
Tháng 11 về trong làn gió thu man mát dịu dàng có lẽ cũng là khoảng thời gian để mỗi người bồi hồi nhớ về mái trường, bè bạn, về những kỷ niệm đẹp với thầy, cô giáo đáng kính. Bởi vậy, đã từ rất lâu, Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm không chỉ là ngày lễ, ngày tôn vinh những đóng góp, cống hiến của các nhà giáo cho sự nghiệp trồng người mà còn là dịp để các em học sinh thể hiện tình cảm tri ân sâu sắc, góp phần gìn giữ truyền thống “tôn sư trọng đạo” - nét văn hóa đẹp đẽ ngàn đời của dân tộc.
Từ xa xưa, truyền thống “Tôn sư trọng đạo” được nhân dân ta luôn đề cao. Tục ngữ xưa có câu “Không thầy đố mày làm nên” như cách nói khẳng định vai trò to lớn của người thầy đối với sự nghiệp giáo dục, dạy dỗ học trò, đồng thời cũng là lời nhắc nhở các thế hệ học sinh luôn phải biết ơn, kính trọng thầy, cô giáo.
Theo sự phát triển của xã hội hiện đại ngày nay, một số quan niệm xưa cũng có sự thay đổi nhất định khi nhìn nhận về vai trò, vị thế của người thầy và quan hệ giữa thầy cô với học sinh. Giáo dục không còn đơn thuần một chiều, thụ động. Tư duy mới và hiện đại đã coi học sinh là trung tâm của quá trình giáo dục, khác với trước kia coi người thầy là hạt nhân. Khi người thầy trở thành người hướng dẫn, định hướng thì cách ứng xử giữa thầy và trò cũng cởi mở hơn rất nhiều, không còn khoảng cách như trước đây nữa. Song không vì vậy mà vai trò, vị trí của người thầy bị coi nhẹ mà càng đòi hỏi người giáo viên không ngừng trang bị cho mình kiến thức, kỹ năng, phương pháp giảng dạy tích cực, hiện đại để dễ dàng tiếp cận, gần gũi, trở thành người đồng hành, khơi dậy năng lực, sự sáng tạo, chủ động của học sinh.
Cô giáo Bùi Thị Thảo, Phó Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Hoành Mô, cho biết: Dù là trong thời đại nào, nét văn hóa ứng xử “tôn sư trọng đạo” giữa thầy và trò luôn cần chúng ta xây dựng, gìn giữ. Để có được điều đó, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dù cởi mở đến đâu trong giao tiếp ứng xử với học trò, người thầy phải thể hiện mình là người mẫu mực, văn minh, chừng mực trong hành động, lời nói, ngay cả trong cách xưng hô với học sinh. Về phía nhà trường, bên cạnh tập trung nâng cao chất lượng dạy và học cũng cần chú trọng công tác giáo dục kỹ năng sống để giúp học sinh hình thành nhận thức, thái độ, hành vi theo chuẩn mực văn hóa không chỉ trong không gian lớp học, trường học mà còn ở ngoài xã hội.
Có thể thấy, ngày nay trong công tác dạy và học, ngoài phấn trắng bảng đen thì các công nghệ như camera, máy chiếu, máy tính, ứng dụng công nghệ thông minh đã được áp dụng và mang lại nhiều tiện ích, giúp nâng cao ý thức, trách nhiệm không chỉ của thầy mà cả trò, tạo môi trường học tập an toàn, chuẩn mực. Không chỉ trong phạm vi lớp học, sự phát triển của mạng xã hội cũng mở ra nhiều không gian mới để thầy cô và học sinh tương tác.
Cô giáo trẻ Vũ Thị Thùy Dung, giáo viên Hóa học, Trường THPT Chuyên Hạ Long, tâm sự: Hiện nay, nhiều giáo viên sử dụng facebook, zalo không chỉ phục vụ công việc, giao tiếp cá nhân mà còn để kết nối, coi đó là kênh giao lưu với học sinh. Tôi nhận thấy cách ứng xử giữa thầy và trò không còn cứng nhắc và gò bó như trước nữa. Người thầy, người cô không chỉ truyền tải tri thức mà còn là người bạn, một người anh, người chị, một người thân, thậm chí ở bậc tiểu học còn là một người cha, người mẹ thứ hai luôn gần gũi và hỗ trợ các em học sinh vượt qua mọi vấn đề khó khăn trong cuộc sống. Là thế hệ giáo viên trẻ, tiếp cận nền giáo dục hiện đại cùng khả năng bắt nhịp những xu hướng, trào lưu giới trẻ nên bản thân tôi cũng cởi mở hơn, thân thiện hơn để hiểu học sinh của mình hơn. Chính điều này, khiến khoảng cách giữa thầy và trò được rút ngắn, tạo nên không khí lớp học thoải mái, thân thiện, Tôi tin rằng, đây cũng là cách mà chúng ta gìn giữ và làm đẹp thêm văn hóa “tôn sư trọng đạo” trong thời đại mới.
Và trong không khí vui tươi hướng về chào mừng kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tất cả các trường học, bậc học từ mầm non đến đại học trên toàn tỉnh đều tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực như giao lưu văn nghệ, thể thao, thi giờ dạy học, thi trường sạch, lớp đẹp, làm báo tường, thi vẽ tranh, sinh hoạt dưới cờ với chủ đề tri ân thầy cô, mái trường. Cùng với đó là sự nỗ lực của rất nhiều học sinh để giành những thành tích, giải thưởng cao trong học tập dành tặng, đền đáp công ơn thầy cô. Có thể những lời tri ân thầy cô đôi khi không dễ để thể hiện thành lời song bằng nhiều cách khác nhau, sự kính trọng, biết ơn sâu sắc ấy vẫn được mỗi học sinh trao gửi đến thầy cô bằng tất cả tình cảm yêu mến chân thành.
Duy Khoa
Liên kết website
Ý kiến ()