4
18
/
1100394
Đã thành Tình Yêu đôi bờ Cửa Lục
longform
Đã thành Tình Yêu đôi bờ Cửa Lục

Cover

Hạ Long và Hoành Bồ về chung một nhà đã 2 năm nay. Thế nhưng, người dân từ trung tâm thành phố và khu vực Hoành Bồ cũ muốn đến với nhau vẫn còn sự ngăn trở về giao thông và  khoảng cách phát triển khác cần được khỏa lấp. Và đó là lý do để những cây cầu lần lượt ra đời bắc ngang Cửa Lục, thắt chặt mối lương duyên giữa đôi bờ.

Ảnh trong văn bản

Sự gắn kết giữa đôi bờ Cửa Lục không phải đến tận bây giờ mới có. Ngay từ thời Lý, cha ông ta đã gọi Hoành Bồ là Hoành Phố. Chữ “phố” ấy gợi ra trong tâm tưởng của chúng ta một không gian đô thị trên bến dưới thuyền. 

Ảnh với chú thích
Bản đồ tỉnh Quảng Yên (Quảng Ninh ngày nay) và huyện Hoành Bồ thời Đồng Khánh (1886 - 1888)

Theo sử sách, vào niên hiệu Quang Thuận thứ 10 (1469) đời Lê Thánh Tông, Hoành Bồ được thành lập và là một trong 3 huyện của phủ Hải Đông thuộc thừa tuyên An Bang. Đến năm 1557, thời Lê Trung Hưng, Hoành Bồ có 35 xã và là huyện rộng nhất trấn An Quảng. Hoành Bồ lúc đó gồm cả đất Hạ Long, Ba Chẽ và một phần của Sơn Động (Bắc Giang) hiện nay. Rồi đến thời vua Đồng Khánh, Hoành Bồ lại bao gồm Hạ Long, Cẩm Phả, một phần Sơn Động.

Sau Cách mạng tháng Tám 1945, địa giới hành chính của huyện Hoành Bồ bị thu hẹp lại. Đến năm 1949, huyện Hoành Bồ được sáp nhập vào Đặc khu Hòn Gai. Như thế, trong lịch sử Hoành Bồ và Hòn Gai (Hạ Long ngày nay) đã từng về chung một nhà.

Năm 1955, Đặc khu Hòn Gai sáp nhập với tỉnh Quảng Yên, Hoành Bồ cũng về mái nhà chung của khu Hồng Quảng. Và thị xã Hồng Gai là thủ phủ của khu Hồng Quảng lúc đó.

Ảnh với chú thích
Bản đồ do người Pháp lập (1890).

Mặc cho mọi biến thiên lịch sử, Hoành Bồ và Hạ Long vẫn có một mối quan hệ gắn bó mật thiết không thể tách rời. Và nếu nhìn từ nhãn quan lịch sử thì việc sáp nhập Hoành Bồ với Hạ Long được hiểu là “châu về Hợp Phố”, là cuộc trở về đất cũ mà thôi.

Chỉ khác, xưa kia người ở 2 bên bờ sông đến với nhau thì phải lụy đò, bây giờ đã có những nhịp cầu. Cha ông ta là những người kiến tạo nên lịch sử và bắc nhịp nó vào hiện tại cho con cháu. Bây giờ, đến lượt mình, cháu con lại bắc thêm những nhịp cầu mới vào tương lai.

Ảnh với chú thích
Cây cầu nối bờ Cửa Lục sắp hoàn thành đã hiện thực hóa mong ước của cha ông từ bao lâu.

Ảnh trong văn bản

Chị Nguyễn Thị Nguyệt, giáo viên Trường THCS Trới (TP Hạ Long), chia sẻ: “Khi mà 2 vùng đất đã bén duyên, về chung một nhà thì cần có cây cầu là sự gắn kết nối liền 2 vùng văn hóa: văn hóa núi rừng Hoành Bồ và văn hóa Hạ Long”.

Điều cô giáo Nguyệt nói không phải không có cơ sở. Cái cơ sở ấy xuất phát từ văn hóa dân gian. Trong những năm đi tìm hiểu văn hóa dân gian của vùng đất này, tôi được nghe các cụ cao niên kể về truyền thuyết song sinh giữa núi Bân và núi Rọi Đèn (Truyền Đăng). Núi Bân tức núi Mằn, thuộc xã Thống Nhất, huyện Hoành Bồ cũ, còn núi Rọi Đèn chính là núi Bài Thơ (TP Hạ Long).

Ảnh với chú thích
Núi Mằn và núi Bài Thơ ẩn chứa phía sau một câu chuyện dân gian lý thú.

Truyền thuyết “Ông khổng lồ gánh đá vá trời” tự thuở khai sơn lập địa kể rằng, núi Mằn là núi đá có hình dáng đẹp nhất, còn nguyên vẹn trên khu vực Cửa Lục, vùng đệm của Vịnh Hạ Long.

Núi Mằn bước ra từ truyền thuyết khi vạn vật vùng này mới được kiến tạo, bầu trời còn thủng nhiều nơi. Cái nắng như thiêu như đốt. Dân chúng cầu khẩn thần linh và đã được ứng nghiệm. Ông khổng lồ được cử xuống vá từng mảnh thủng của bầu trời. Từ những mắt sọt lớn, đá rơi ra vương vãi tạo thành trăm nghìn hòn đảo lớn nhỏ trên Vịnh. Gánh cuối cùng khi bước qua Cửa Lục vì nặng quá, ông trở vai cho đỡ mỏi thì bỗng nhiên đòn gánh gãy làm đôi. Một bên quang gánh đá rơi về xã Xích Thổ tạo ra núi Mằn, một bên rơi về xã Hiệp Khẩu.

Sách “Địa danh Quảng Ninh xưa và nay” (NXB Hồng Đức năm 2021) dẫn giải cho chúng ta biết rằng xã Hiệp Khẩu, tổng Yên Mỹ xưa kia là vùng đất gồm 4 phường Hồng Gai, Bạch Đằng, Yết Kiêu và Trần Hưng Đạo, tức là trung tâm của thành phố Hạ Long, nơi có núi Bài Thơ sừng sững ngàn năm đứng đó.  

Vì mỗi bên quang gánh gãy làm đôi để tạc hình dáng núi nên núi Bài Thơ và núi Mằn có hình hài giống nhau. Không chỉ giống nhau về hình hài, theo một số nhà nghiên cứu, địa chất, địa mạo, hệ động, thực vật hoá thạch trên 2 ngọn núi này cũng tương tự nhau.

Còn một điều nữa làm tôi xác tín rằng, Hoành Bồ và Hạ Long vốn là một cặp đôi không thể chia cắt. Đó là từ trong ngọn nguồn tâm thức văn hóa biển của dân tộc. Ở đó, biển nuôi dưỡng con người. Biển tạo nên mạch đập văn hoá. Biển còn tạo ra một sự khao khát đoàn viên. Lại nhớ, câu chuyện truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng nở ra trăm con. 50 con theo mẹ lên núi, 50 con theo cha xuống biển để lại nỗi nhớ thương dằng dặc đến ngàn đời. Sự chia lìa ấy làm nảy sinh ra tâm thức dân tộc Việt luôn hướng về phía biển. Lịch sử của người Việt cũng là lịch sử từ núi xuống biển. Biển vừa là nơi khơi nguồn, đồng thời cũng là nơi trở về.

Ảnh với chú thích
Truyền thuyết về nguồn gốc chung, người xuống biển ...
Ảnh với chú thích

... người lên non.

Truyền thuyết thì luôn nằm trong lằn ranh hư thực, luôn bị bao phủ bởi lớp sương mờ bảng lảng. Nhưng có một sự thực mà tôi đồ rằng nó đúng đó là trong cuộc hành trình từ núi về biển, từ Hoành Bồ xuống Hiệp Khẩu bán buôn, định cư, cha ông chúng ta đã luôn thao thiết nhớ về mỗi thớ đá, mỗi gốc cây rừng. Bởi vậy, họ nhìn thấy ở núi Bài Thơ có dáng hình núi Mằn thân thuộc. Họ coi núi Bài Thơ là núi Mằn của riêng họ, ngọn núi trong tâm tưởng, trong nỗi nhớ thương. Vậy nên, thắt chặt mối lương duyên giữa hai vùng đất này là bổn phận báo hiếu của cháu con cho đúng với sở nguyện của cha ông lúc sinh thời.

Ảnh trong văn bản

Vậy tương lai của Hạ Long là gì? Đó là một đô thị du lịch, hiện đại, năng động. Chị Nguyễn Thị Nguyệt, giáo viên Trường THCS Trới (TP Hạ Long), chia sẻ: Hạ Long là thành phố trẻ, thành phố du lịch năng động, thành phố thông minh nên việc xây dựng đặt tên cho những công trình bao giờ cũng nên có ý nghĩa điểm nhấn. Bên cạnh việc bảo tồn văn hóa thì một mục tiêu khác nữa mà chúng ta cần hướng tới đó là phát triển du lịch. Tôi nghĩ, tên cầu cũng phải đảm bảo mục tiêu này.

Ảnh với chú thích
Hạ Long đang phát triển nhanh, mạnh và cần được mở rộng.

Những cây cầu sẽ mở rộng không gian phát triển cho TP Hạ Long trong tầm nhìn của đô thị hạt nhân vùng Đông Bắc. Việc sáp nhập này là bởi Hạ Long và Hoành Bồ cần nhau. Không chỉ cần về quỹ đất, không gian mở rộng mà Hoành Bồ chính là nơi cung cấp cho Hạ Long sự đa dạng về cơ cấu kinh tế, về thế mạnh phát triển du lịch rừng, biển, về nguồn nhân lực. 

Ảnh với chú thích
Hoành Bồ rộng lớn, nhiều tiềm năng chưa được đánh thức.
Ảnh với chú thích
Sự xuất hiện của cây cầu sẽ là cú hích thúc đẩy Hoành Bồ đi lên. 

Những cây cầu còn mang sứ mệnh kết nối các tuyến, điểm và sản phẩm du lịch mới chưa từng có ở Hạ Long. Đó là lâm viên tại Khu bảo tồn quốc gia Đồng Sơn-Kỳ Thượng, để cùng với Vịnh Hạ Long sẽ tạo thành chuỗi du lịch rừng xanh - biển biếc mà ít nơi nào có được. Từ rừng xanh ngút ngàn xuống biển cả bao la sẽ không còn bị cách nhỡ, xa xôi như trước đây nữa.

Khi cây cầu được khánh thành, giấy “khai sinh” của cầu sẽ ghi rõ lý trình. Và tên cầu trên tấm biển đó là gì cũng đã trở thành mối quan tâm của nhiều người. Ông Nguyễn Cảnh Loan, đồng tác giả công trình "Địa danh Quảng Ninh xưa và nay" nêu quan điểm: 

“Đặt tên công trình nên chọn những từ, cụm từ (là chữ) không nên đặt tên theo những con số theo kiểu 1, 2, 3 dễ dẫn đến sự chồng chéo, cơ học, nghèo nàn về ngôn ngữ.  Việc đặt tên công trình vừa thể hiện tầm cao văn hóa của cơ quan hoạch định đơn vị ở địa phương vừa hợp lòng dân. Việc đặt tên phải xuất phát từ tâm tư, tình cảm của người dân sống trong vùng”.

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Tổng Giám đốc Công ty CP Tư vấn xây dựng AZZ, đại diện Liên danh tư vấn thiết kế AZZ-APECO, đề xuất đặt tên cầu Cửa Lục 1 là cầu Tình Yêu và tên cầu Cửa Lục 3 là cầu Bình Minh. Liên danh tư vấn lý giải quan điểm của mình rằng: khi các dự án này hoàn thành, ngoài việc đảm bảo kết nối giao thông thuận lợi cho thành phố Hạ Long còn là điểm nhấn kiến trúc độc đáo, là sản phẩm du lịch khác biệt, góp phần tăng khả năng liên kết vùng thúc đẩy phát triển kinh tế. Việc đặt tên cho các công trình sẽ góp phần tăng tính biểu tượng, tạo điểm nhấn nâng cao tình yêu quê hương đất nước, lòng tự hào dân tộc, tăng thêm sự thu hút đối với du khách.

Ảnh với chú thích
Bay dù lượn từ tại khu vực rừng Đồng Sơn - Kỳ Thượng xuống khu vực chân núi là một trải nghiệm mới thú vị.

UBND tỉnh đã có văn bản giao Sở Văn hóa – Thể thao chủ trì phối hợp với UBND thành phố Hạ Long xem xét nghiên cứu đề xuất đặt tên cầu để báo cáo UBND tỉnh xem xét chỉ đạo. UBND thành phố Hạ Long mà trực tiếp là Phòng Văn hóa- Thông tin đã tổng hợp phiếu lấy ý kiến nhân dân. Song song với đó, người dân cũng đã tham gia bình chọn trực tuyến. Đại bộ phận người dân đều lựa chọn phương án đặt tên Cầu Cửa Lục 1 là Cầu Tình Yêu.

Những cây cầu còn góp phần lưu giữ khẳng định mối “lương duyên” bền chặt trong một "gia đình" TP Hạ Long mới.

Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Ngọc Tú, ở thôn Đình, xã Thống Nhất, TP Hạ Long, bày tỏ: “Nhân dân chúng tôi rất phấn khởi ngay từ khi nghe tin có dự án bắc những cây cầu nối hai bờ Cửa Lục nối khu vực Hoành Bồ cũ với thành phố Hạ Long. Những cây cầu không chỉ là công trình giao thông mà còn là sự kết nối phát triển kinh tế xã hội, phát triển du lịch, kéo vùng Hoành Bồ cũ bắt nhịp được với trung tâm Hạ Long. Chính vì vậy, nhân dân chúng tôi cho rằng, tên cầu phải là một điểm nhấn ấn tượng quan trọng tạo ra tiền đề phát triển du lịch. Những cái tên ví dụ như đã lựa chọn trưng cầu ý kiến nhân dân là “Tình Yêu”, là “Bình Minh” tôi thấy rất hợp lý”.

Ảnh trong văn bản

Từ năm 1985, ông Nguyễn Tất Dũng, Bí thư Thị ủy Hòn Gai đã đề nghị làm bộ phim chuyển thể từ ý tưởng thơ ca.  Và cuối cùng bộ phim được lấy tên là “Thị xã Bài Thơ- Thị xã Tình Yêu”. 

Thị xã mời 2 nghệ sĩ Trung ương nổi tiếng là Cường Việt và Như Quỳnh vào vai “anh” và “em”. Phim là tình yêu của đôi bạn trong các cảnh quan tuyệt đẹp của thị  xã, núi và biển- Vịnh Hạ Long, các ngõ phố, các hàng cây xanh, các công trình mới xây dựng. Hiện thực của đời sống thị xã đều được phản ảnh sinh động, quay tự nhiên. Hai chữ “Tình Yêu” đã được nhắc đến trong các tác phẩm nghệ thuật về mảnh đất và con người nơi đây.

Ảnh với chú thích
Tên gọi "cầu Tình Yêu" kỳ vọng mang đến cho du khách tới thăm những ấn tượng, cảm xúc khó phai.

Cùng mạch cảm xúc đó, tác giả Mai Anh đã sáng tác được bài thơ “Chuyện tình của núi”. Vì câu chữ tuôn theo mạch cảm xúc dạt dào nên bài thơ khá dài. Xin trích một đoạn như sau:

“Ta cùng nhau bắc nối nhịp sông sâu

Mang nỗi nhớ, đan lại sóng bạc đầu

Cầu Tình Yêu nối đôi bờ hạnh phúc

Để bao người cùng thoả nỗi ước ao

Ta tin rằng thành phố sẽ vươn cao

Cùng xây dựng và vươn xa nữa nhé

Bao tình yêu thắm nồng trong ngực trẻ

Cùng đồng lòng, cùng quyết chí dựng xây

Rồi mai thôi, mình sẽ tay trong tay

Cùng sánh bước trên con đường hạnh phúc

Cầu tình yêu vẫn êm đềm mỗi lúc

Kể chuyện tình của Núi đến mai sau”.

Nhạc sĩ Bùi Vân Anh, hội viên Hội VHNT Quảng Ninh, chia sẻ: “Kết thúc chuyến đi thực tế gần đây, tác giả Phan Thị Hải Hường đã có một bài thơ viết về cây cầu này. Tôi thấy bài thơ rất hay rất xúc động nên đã phổ nhạc chắp cánh thành ca khúc “Hạ Long cây cầu Tình Yêu”. Bài hát ngay khi ra đời đã được công chúng đón nhận rộng rãi, được phổ biến trong một chương trình cà phê nghệ sĩ. Tôi nghĩ cầu Tình Yêu sẽ là nguồn cảm xúc vô tận cho văn nghệ sĩ chúng tôi”.

Ảnh với chú thích
Một cây cầu độc đáo cả về hình dáng, tên gọi lẫn ý nghĩa, giá trị hiệu quả mang lại.

Có một ca từ bài hát khác đã vang lên trong tâm trí khi tôi dạo bước trên cây cầu sắp khánh thành:

“Như là Tình Yêu và nỗi nhớ

Nỗi nhớ suốt đời, suốt đời, suốt đời mang theo”.

Tôi tin rằng những cây cầu trên sông Cửa Lục rồi sẽ thành Tình Yêu, thành niềm thương, nỗi nhớ của biết bao người về vùng đất, con người và lan tỏa trong một khí thế phát triển mới.

Thực hiện: Huỳnh Đăng
Đồ họa: Mạnh Hà

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu