Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 20:53 (GMT +7)
Đặc sắc nghi lễ rước nước trong lễ hội Thái miếu nhà Trần
Chủ nhật, 10/03/2024 | 08:23:41 [GMT +7] A A
Lễ hội Thái miếu nhà Trần với nghi thức rước nước độc đáo, gợi lại nguồn gốc phát tích của nhà Trần gắn liền với cuộc sống mưu sinh trên sông nước.
Lễ hội diễn ra tại Thái miếu nhà Trần, một trong những di tích quan trọng nằm trong quần thể Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều. Thái miếu là nơi thờ cúng tổ tiên của nhà Trần và 14 vị vua Trần. Chính vì thế, nơi đặt Thái miếu (thường là ở quê gốc của đức Thái tổ) vẫn được coi là kinh đô thứ hai nằm ở phía Đông của triều Trần. Thái miếu còn gọi là Đền Thái, tọa lạc trên đồi Đình, thôn Trại Lốc (xã An Sinh, TX Đông Triều), trước kia gọi chung là vùng đất An Sinh. Vùng đất An Sinh là quê gốc của nhà Trần, nơi đầu tiên nhà Trần đến sinh sống, lập nghiệp, sau này mới dời xuống vùng Long Hưng (Thái Bình), Tức Mặc (Nam Định) sinh sống.
Xuất phát từ cuộc sống gắn bó máu thịt với sông nước nên tổ tiên của nhà Trần vốn làm nghề chài lưới đã duy trì phong tục đặt tên con cháu theo các loài cá như: Trần Hấp (nghĩa là cá trắm), Trần Kinh (nghĩa là cá kình), Trần Lý (cá chép), Trần Thừa (cá dưa), Trần Thị Dung (cá ngừ), Trần Liễu (cá leo) và Trần Cảnh (nghĩa là cá lành canh). Sau khi Linh từ quốc mẫu Trần Thị Dung mất, dân địa phương lập đền thờ bà vẫn gọi là "Bà chúa Ngừ".
Sau khi lên ngôi, năm 1237, vua Trần Thái Tông đã ban cho anh trai mình là Trần Liễu tước Anh Sinh vương và vùng đất Ngũ Yên (còn đọc là Ngũ An) để làm đất thang mộc. Ngũ Yên gồm Yên Bang, Yên Dưỡng (nay là Uông Bí), Yên Hưng (nay là Quảng Yên), Yên Phụ (nay là Kinh Môn, Hải Dương) và Yên Sinh. Trần Liễu đã cho xây dựng Tiên miếu để thờ cúng tổ tiên và cha của mình là Đức Thái Tổ Trần Thừa. Sau khi An Sinh Vương mất, nhà Trần tiếp tục mở rộng di chuyển thêm lăng mộ về khu vực này và Tiên miếu trở thành Thái miếu của hoàng gia.
Vì thế, Đông Triều trở thành nơi đặt Tổ miếu cùng hệ thống lăng tẩm, chùa tháp gắn liền với chiều dài lịch sử của vương triều nhà Trần. Trong đó có Thái miếu, đền An Sinh, 7 lăng miếu an táng các đời vua, chùa Quỳnh Lâm - nơi sở hữu một trong 4 "An Nam tứ đại khí", chùa Ngọa Vân Hồ Thiên gắn liền với sự nghiệp tu hành của Phật hoàng Trần Nhân Tông.
Thái miếu là một trong 14 di tích quan trọng bậc nhất trong quần thể Khu di tích nhà Trần tại Đông Triều, trải qua nhiều đợt trùng tu, tôn tạo qua các triều đại, được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia ngay từ đợt đầu năm 1962, công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt năm 2013. Những năm gần đây, tỉnh Quảng Ninh đang từng bước tôn tạo, khôi phục lại giá trị của Khu di tích quốc gia đặc biệt này, trong đó có việc phục dựng Lễ hội Thái miếu nhà Trần từ năm 2019. Thị xã đã phối hợp với các nhà khoa học Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn nghiên cứu tái hiện các nghi lễ truyền thống như: Lễ tế mở cửa đền, Lễ tiến vua bằng các sản vật của địa phương, Lễ giỗ Đức Thái tổ Trần Thừa, hội diễn dân gian.
Lễ hội Thái miếu nhà Trần được tổ chức thường niên từ ngày 18-20 tháng Giêng hằng năm, trong đó khai hội vào ngày 18 tháng Giêng là ngày giỗ Thái Tổ Trần Thừa. Trước khi khai hội, sẽ có lễ rước nước - nghi lễ quan trọng tái hiện cuộc sống trước kia của tổ tiên nhà Trần gắn với nghề chài lưới trên sông nước. Đây là nghi lễ có ý nghĩa lịch sử gắn với đời Trần, đã lập nên trang sử vẻ vang cho dân tộc. Người tham gia lễ rước nước cầu mong mưa thuận gió hòa, đất nước được bình an, nhân dân ấm no, hạnh phúc.
Rước nước là một nghi lễ được thực hành trong hầu khắp các hội làng của cộng đồng cư dân ven sông Hồng, nhất là vùng Thái Bình, Nam Định. Nghi lễ này được thực hiện nhằm nhắc nhở con cháu nhớ lại thuở xa xưa của nhà Trần trước khi có được giang sơn xã tắc vốn làm nghề chài lưới trên sông. Theo truyền thuyết, các đội phải chuẩn bị những chiếc kiệu bát cống 8 người khiêng là trai đinh khoẻ mạnh, chưa vợ, nhà không có tang và làm ăn thuận hoà để làm lễ rước nước về dâng các vua Trần. Trên kiệu có 1 chum nhỏ để đựng nước, cổ chum có thắt sợi dây lụa màu đỏ. Khi đoàn rước đến bờ sông, kiệu rước được đặt trên bờ, 1 cụ cao niên khênh chiếc chum nhỏ từ kiệu lên thuyền và chèo ra giữa sông thả vòng dây chuối kết bện xuống sông và lấy gáo múc nước sông đổ đầy vào chum, sau đó chuyền tay nhau lên bờ, đưa vào kiệu.
Tại Đông Triều, đoàn rước xuất phát từ sân Thái miếu, rước đi dọc đường lên hồ Trại Lốc sau đó xuống thuyền ra hồ Trại Lốc. Đến giữa lòng hồ, từng gàu nước được lãnh đạo thị xã và các vị chư tăng múc vào chum. Chum đầy, đoàn rước lại trở về Thái miếu. Sau vài ngày tế lễ thì chia nước cho các gia đình trong thôn làng để lấy phúc. Tập tục này cho đến nay luôn được coi là một nét văn hoá đặc biệt trong tín ngưỡng thờ cúng các vua Trần.
Ngoài lễ rước nước, còn nhiều nghi lễ tâm linh diễn ra tại lễ hội như: Lễ thỉnh vua tại các lăng mộ về Thái miếu, lễ tế mở cửa đền, lễ tiến vua, lễ giỗ đức Thái tổ Trần Thừa. Lễ hội Thái miếu được tổ chức vào dịp đầu năm sau lễ hội xuân Ngọa Vân, Lễ hội Xuân Yên Tử là dịp bày tỏ lòng thành kính, tri ân công đức các bậc tiền nhân và các Vua Trần đã dựng nên một triều đại rực rỡ trong lịch sử Việt Nam. Đồng thời, lễ hội góp phần bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích, tạo thêm điểm nhấn trong tuyến du lịch văn hóa tâm linh của Đông Triều nói riêng, Quảng Ninh nói chung.
Huỳnh Đăng
Liên kết website
Ý kiến ()