Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 30/11/2024 10:31 (GMT +7)
Đặc trưng văn hoá, con người Quảng Ninh là gì?
Chủ nhật, 06/09/2020 | 12:43:29 [GMT +7] A A
Đó là một câu hỏi từ lâu đã có nhiều học giả, nhà nghiên cứu, những người quan tâm đến lịch sử, vùng đất con người Quảng Ninh đi tìm lời giải đáp.
Trước hết, hãy nhìn về lịch sử. Quảng Ninh là một trong những nơi có người Việt cổ cư trú từ lâu đời. Những di chỉ ở Thoi Giếng, Vạn Ninh (Móng Cái), Núi Hứa (Đầm Hà), Ngọc Vừng, Hà Giắt, Hang Đông Trong (Vân Đồn), Xích Thổ, Hòn Hai – Cô Tiên (TP Hạ Long), Hoàng Tân (Quảng Yên)… đã chứng minh người Việt cổ đã cư trú ở ven bờ, các đảo trên Vịnh Hạ Long từ rất sớm. Tức khoảng đầu sơ kỳ đá mới (khoảng 7.000 năm trước) đến hậu kỳ đá mới (3.500 năm trước), tiếp nối sang đến thời đại kim khí hay còn gọi thời đại Hùng Vương (3.500 năm đến 2.000 năm cách ngày nay).
Những hiện vật tại các cuộc khai quật khảo cổ cho thấy, người Việt cổ giai đoạn trên đã sống dựa vào biển, lấy khai thác biển làm phương thức sống chủ yếu, kết hợp săn bắn, hái lượm.
Tại di chỉ khảo cổ Đầu Rằm ở xã Hoàng Tân, các nhà khảo cổ đã tìm thấy rất nhiều “chì lưới” bằng đất nung, mũi lao bằng xương, xương cá, vỏ nhuyễn thể, đặc biệt là xương rùa cho thấy người cổ Hoàng Tân rất khoái khẩu rùa biển và đây là minh chứng môi trường biển Hạ Long trên dưới 3.000 năm trước đa dạng, phong phú như thế nào.
Không chỉ tàn tích thức ăn, tín ngưỡng, đời sống vật chất, tinh thần của người cổ Văn hoá Hạ Long, thời đại Hùng Vương ở Quảng Ninh cũng gắn bó chặt chẽ với biển. Bằng chứng là người cổ Văn hoá Hạ Long đã dùng vỏ nhuyễn thể giã nhỏ, trộn với đất để nặn lên những chiếc nồi, vò, hũ. Họ lại lấy ý tưởng sóng nước Hạ Long để trang trí cho các đồ gốm trên, tạo nên một trong các đặc trưng không lẫn vào đâu được của Văn hoá Hạ Long so với các nền văn hoá khác cùng thời.
Cùng ở một số di chỉ Văn hoá Hạ Long và di chỉ thời kỳ Hùng Vương ở Quảng Ninh, các nhà khảo cổ còn tìm thấy nhiều mảnh vỏ nhuyễn thể được mài tròn, giữa có đục lỗ được cho là đồ trang sức của người Việt cổ. Trên trống đồng Quảng Chính tìm thấy tại Hải Hà có những hoa văn mô tả cảnh đua thuyền náo nhiệt…
Những minh chứng đó cho thấy ngay từ buổi đầu sơ khai, từ Sơ kỳ đá mới đến thời đại Hùng Vương, người Việt cổ ở Quảng Ninh đã có đời sống vật chất, tinh thần gắn bó chặt chẽ với biển, sống dựa vào biển và chính biển đã tác động lại họ qua những nhân sinh quan, qua tín ngưỡng, quan niệm làm đẹp. Vì thế, có thể nói văn hoá biển là sự xuyên suốt qua hàng ngàn năm trên vùng đất Quảng Ninh xưa.
Trải qua thời gian, biến động của lịch sử, cuối thế kỷ 19, sau khi thực dân Pháp đánh chiếm khu mỏ, tổ chức khai thác than, các chủ mỏ Pháp mộ phu từ các tỉnh từ Hà Tĩnh trở ra, vùng đất Quảng Ninh dần trở thành nơi hội tụ của nhiều người, tập trung đông công nhân. Hoạt động sản xuất than tác động nhiều đến đời sống kinh tế - xã hội của Quảng Ninh, len lỏi vào đời sống sinh hoạt của nhiều gia đình. Từ đó dần hình thành một nét văn hoá mới: Văn hoá công nhân mỏ gắn với tinh thần “Kỷ luật và đồng tâm”. Đến mức những năm trước đây, khi nói đến Quảng Ninh là người ta nghĩ ngay đó là vùng công nghiệp than, có những người công nhân đen cháy bụi than.
Cho đến hôm nay, Văn hoá biển và Văn hoá công nhân mỏ đã và đang tồn tại, gắn bó chặt chẽ với nhau, cùng song hành tồn tại và chi phối lẫn nhau tạo nên đặc trưng văn hoá, con người Quảng Ninh. Văn hoá biển có sự kế thừa, bồi đắp của cha ông qua hàng ngàn năm. Văn hoá công nhân mỏ dù mới ra đời hơn 100 năm nay nhưng được xây dựng trên bao sự đấu tranh, hy sinh của lớp lớp những người thợ mỏ. Đó là di sản quý, là yếu tố cốt lõi để mỗi người Quảng Ninh không ngừng nỗ lực cống hiến xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Đại Dương
Liên kết website
Ý kiến ()