Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 18:29 (GMT +7)
An toàn thực phẩm vì sự phát triển bền vững
Thứ 4, 05/06/2024 | 14:22:48 [GMT +7] A A
An toàn thực phẩm (ATTP) có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với đời sống xã hội, sức khỏe con người, phát triển kinh tế - xã hội. Công tác bảo đảm ATTP thời gian qua được các cấp, ngành, đơn vị trong tỉnh tích cực triển khai với nhiều giải pháp đồng bộ. Qua đó nâng cao nhận thức, ý thức của người sản xuất, kinh doanh (SXKD) và người tiêu dùng về ATTP.
Siết chặt kiểm tra, xử lý vi phạm
Thời gian qua, tỉnh tăng cường chỉ đạo quán triệt, thực hiện nghiêm, có hiệu quả Chỉ thị số 17-CT/TW (ngày 21/10/2022) của Ban Bí thư "Về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới"; đồng thời tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền đối với công tác an ninh, ATTP; coi việc đảm bảo an ninh, ATTP là nhiệm vụ thường xuyên của cả hệ thống chính trị; nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm pháp luật về ATTP; xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân lơ là, thiếu trách nhiệm trong quản lý ATTP.
Ngay từ đầu năm, các cơ quan quản lý chuyên ngành về ATTP và các địa phương chủ động, phối hợp xây dựng kế hoạch, phương án phòng chống ngộ độc thực phẩm, thực hiện các biện pháp giám sát bảo đảm ATTP; thành lập các đoàn, tổ điều tra ngộ độc thực phẩm phản ứng nhanh để sẵn sàng điều tra, xử lý các vụ ngộ độc thực phẩm và sự cố về ATTP khi xảy ra theo phân công, phân cấp quản lý. Trong đó, công tác thanh tra, kiểm tra về ATTP được chú trọng và tăng cường thường xuyên, để quản lý chặt chẽ cũng như nâng cao ý thức, trách nhiệm trong cộng đồng.
Trên cơ sở đó, căn cứ vào đặc điểm tình hình thực tế, chức năng nhiệm vụ, các ngành chức năng và địa phương chủ động xây dựng phương án kiểm tra, phối hợp kiểm tra công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn. Trong đó, siết chặt xử lý nghiêm các cơ sở SXKD, chế biến không đảm bảo các quy định về ATTP, làm trong sạch môi trường kinh doanh thực phẩm nói riêng, đảm bảo môi trường du lịch an toàn, thân thiện nói chung; đồng thời góp phần nâng cao nhận thức của những người làm trong lĩnh vực thực phẩm, du lịch.
5 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh có 216 đoàn thanh tra, kiểm tra được thành lập từ cấp tỉnh đến cấp xã với gần 3.000 số cơ sở được thanh, kiểm tra; trong đó đặc biệt lưu ý các địa bàn trọng điểm du lịch, tăng cường kiểm tra đột xuất, xử lý nghiêm vi phạm. Điển hình: Đội QLTT số 2 (Cục QLTT tỉnh) phối hợp với Đội CSGT số 3 (Công an tỉnh) kiểm tra, phát hiện, xử phạt hành chính, buộc tiêu hủy toàn bộ 110kg quả lê nhập lậu đang vận chuyển đi tiêu thụ trên địa bàn huyện Hải Hà; Đội QLTT số 7 (Cục QLTT tỉnh) phối hợp phát hiện, xử lý, buộc tiêu hủy 950kg cua cà ra không rõ nguồn gốc xuất xứ, vận chuyển qua địa bàn TP Uông Bí; Công an huyện Vân Đồn phối hợp kiểm tra cơ sở chế biến chân vịt không đảm bảo ATTP, tịch thu, tiêu hủy 2 tấn chân vịt không rõ nguồn gốc, kịp thời ngăn chặn không để đưa ra thị trường tiêu thụ…
Qua quá trình thanh tra, kiểm tra, các đoàn kiểm tra đã phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính 149 cơ sở vi phạm về ATTP với tổng số tiền gần 1,65 tỷ đồng; tịch thu tiêu huỷ nhiều sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, thực phẩm nhập lậu, trị giá trên 750 triệu đồng.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Y tế, Trưởng Cơ quan Thường trực BCĐ liên ngành ATTP tỉnh, cho biết: Với vai trò nòng cốt, Sở tăng cường quản lý có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó tập trung kiểm soát chặt chẽ các điều kiện bảo đảm ATTP đối với các cơ sở SXKD thực phẩm; các cơ sở tập kết, tích trữ, bảo quản, trung chuyển thực phẩm; các phương tiện vận chuyển thực phẩm, nông, lâm, thủy sản từ bên ngoài vào địa phương tiêu thụ; các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể trường học, kinh doanh thức ăn đường phố, khu du lịch, lễ hội; xử lý, xử phạt nghiêm đối với tổ chức/cá nhân vi phạm pháp luật về ATTP, công khai trên phương tiện thông tin đại chúng theo quy định.
Vì sức khỏe con người
Thời gian qua, nhiều sự kiện lớn được tổ chức trên địa bàn tỉnh diễn ra thành công, trong đó công tác đảm bảo ATTP có vai trò quan trọng. Tỉnh đang đẩy mạnh phát triển du lịch, xây dựng điểm đến an toàn, hấp dẫn và thân thiện. Đến Quảng Ninh, bên cạnh tham quan các địa điểm du lịch, du khách luôn quan tâm khám phá, thưởng thức văn hoá ẩm thực địa phương. Do đó đảm bảo ATTP luôn được tỉnh xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần xây dựng hình ảnh, thương hiệu du lịch Quảng Ninh an toàn, hấp dẫn và thân thiện.
Theo ông Đoàn Văn Dũng, Tổng Giám đốc Công ty CP Du thuyền Đông Dương, đảm bảo ATTP trong lĩnh vực du lịch là vô cùng quan trọng. Bên cạnh đảm bảo an toàn sức khoẻ cho du khách khi thưởng thức các món ăn, việc đảm bảo ATTP còn góp phần tạo ấn tượng tốt đẹp đối với du khách về thương hiệu của Công ty, hình ảnh du lịch của địa phương. Công ty luôn chủ động thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ các quy định về ATTP. Định kỳ, đơn vị cử nhân viên phục vụ, đầu bếp trên các tàu tham gia tập huấn về đảm bảo ATTP. Các khâu chế biến và bảo quản thực phẩm trên tàu đều đảm bảo yêu cầu về nhập thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, cơ sở cung cấp có uy tín...
Toàn tỉnh hiện có gần 49.000 cơ sở SXKD, chế biến thực phẩm. Để tạo điều kiện cho người dân cùng giám sát chất lượng ATTP, các sở, ngành có chức năng quản lý ATTP đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý và cung cấp thông tin cho doanh nghiệp, người dân. Cụ thể: Sở NN&PTNT duy trì, vận hành, bổ sung, cập nhật thông tin của 61 đơn vị, 314 sản phẩm thực phẩm vào Hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông lâm thủy sản; đăng tải 197 sản phẩm nông nghiệp, thủy sản trên các sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh; phối hợp hỗ trợ đưa thông tin hơn 400 cơ sở, hộ sản xuất thực phẩm nông nghiệp lên một số sàn thương mại điện tử trong nước. Sở Công Thương thường xuyên thông tin các chương trình xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế tới các doanh nghiệp, đơn vị SXKD, chế biến thực phẩm; kết nối khoảng 80% sản phẩm OCOP tham gia chương trình “Gian hàng Việt trực tuyến” trên các sàn thương mại điện tử có uy tín...
Đặc biệt, để quản lý thực phẩm từ “gốc”, ngành Nông nghiệp tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp. Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Các hoạt động đảm bảo ATTP lĩnh vực nông nghiệp được thực hiện ngày càng bài bản hơn. Đặc biệt, ngành tập trung xây dựng việc tổ chức sản xuất, chế biến nông sản theo chuỗi, trong đó các quy trình từ xuống giống, chăm sóc, thu hoạch, đến đóng gói tiêu thụ đều được thực hiện đúng quy trình. Toàn tỉnh hiện có 91 cơ sở trồng trọt được chứng nhận VietGAP, diện tích 1.108ha; 4 cơ sở chứng nhận nông nghiệp hữu cơ (quế, lúa), diện tích 419ha; 1 cơ sở nuôi cá tầm Nga, cá lăng được chứng nhận VietGAP, diện tích 0,405ha; 2 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP (lợn thịt 20.250 tấn/năm, gà đẻ trứng 13,512 triệu quả/năm, gà thịt 120 tấn/năm, lợn mẹ sinh sản 12.000 con/năm); 41 hộ chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận VietGAHP và các chứng nhận khác tương đương (gà thịt 502 tấn/năm, gà con giống 300.000 con/năm, trứng vịt 1,2 triệu quả/năm); 13 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn có xác nhận với 46 sản phẩm.
Tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho người dân, doanh nghiệp về ATTP với nhiều hình thức. Các ngành chức năng, địa phương tổ chức 244 hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về ATTP cho 15.642 lượt cán bộ, người quản lý, chủ cơ sở SXKD, chế biến thực phẩm trên địa bàn; 646 buổi tọa đàm, nói chuyện, lồng ghép phổ biến kiến thức ATTP cho 27.093 người của các tổ chức hội, đoàn thể và người tiêu dùng. Ủy ban MTTQ, các hội, đoàn thể tích cực vào cuộc trong công tác đảm bảo ATTP; phát động phong trào thực hiện các tiêu chí về VSATTP, gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, phong trào “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”; duy trì hiệu quả 345 CLB xây dựng gia đình "5 không, 3 sạch", 13 mô hình điểm phụ nữ kinh doanh thực phẩm an toàn tại 13 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Nguyễn Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()