Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 17:42 (GMT +7)
Đảm bảo một năm học an toàn, chất lượng
Thứ 3, 31/08/2021 | 07:48:44 [GMT +7] A A
Năm học 2021-2022, trên địa bàn toàn tỉnh có 646 cơ sở giáo dục, với 10.453 lớp, trên 321.000 học sinh, trẻ mầm non. Để đảm bảo các điều kiện tốt nhất đón học sinh trở lại trường, công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học, nhất là công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các trường được thực hiện chu đáo. Đến thời điểm này, tất cả các trường trên địa bàn tỉnh đã sẵn sàng bước vào năm học mới.
Nằm trên địa bàn xã Hòa Bình, là xã vùng sâu, vùng xa của TP Hạ Long, từ tháng 4/2021, Trường TH&THCS Hòa Bình được thành phố quan tâm đầu tư xây mới với đầy đủ phòng học chức năng. Công trình đến nay đã cơ bản hoàn thành, sẽ đưa vào sử dụng đúng dịp năm học mới, đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 1, lớp 2 và lớp 6.
Thầy giáo Nguyễn Duy Hải, Phó hiệu trưởng Trường TH&THCS Hòa Bình, chia sẻ: Được sự quan tâm của tỉnh, thành phố, năm học mới này, nhà trường được đầu tư trường học cao tầng khang trang với đầy đủ phòng học, phòng bộ môn... để đảm bảo điều kiện dạy và học tốt nhất. Học sinh có đủ phòng học 2 buổi/ngày; có bếp ăn bán trú cho học sinh. Đây là điều kiện thuận lợi để nhà trường thực hiện dồn học sinh điểm trường Thác Cát về trường trung tâm trong năm học 2021-2022.
Theo thống kê, năm học 2021-2022, các trường công lập trên địa bàn TP Hạ Long tăng hơn 1.400 học sinh so với năm học trước. Việc đầu tư cơ sở vật chất trường, lớp học là điều kiện quan trọng để thành phố tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, xứng đáng là lá cờ đầu của ngành GD&ĐT tỉnh. Năm 2021, TP Hạ Long bố trí trên 303 tỷ đồng để xây mới, cải tạo, sửa chữa 68 công trình trường học. Qua đó, không chỉ đảm bảo đủ phòng học và các điều kiện cần thiết khác cho 100% học sinh khối lớp 1, lớp 2 được học 2 buổi/ngày, mà còn tạo môi trường học tập thân thiện, hiện đại cho học sinh các cấp học trên địa bàn.
Không chỉ ở khu vực thành thị, những trường học tại các địa phương miền núi, biên giới, hải đảo trên địa bàn tỉnh đến nay cũng đã sẵn sàng đón học sinh vào năm học mới theo quy định. Tại huyện Bình Liêu, các cơ sở giáo dục đã tích cực phối hợp với các tổ chức đoàn thể của nhà trường, địa phương vận động trẻ mầm non, học sinh ra lớp; huy động nguồn lực chuẩn bị năm học mới, nhằm đảm bảo tốt nhất quyền học tập của học sinh.
Ông Vi Tiến Vượng, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Bình Liêu, cho biết: Năm học 2021-2022, Bình Liêu quyết tâm thực hiện mục tiêu không để học sinh không được đi học do ảnh hưởng của dịch Covid-19, không có phương tiện để học tập trực tuyến. Năm học mới này, huyện có tổng số 8.167 học sinh, 431 phòng học kiên cố, bán kiên cố. Các cơ sở giáo dục đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin và đội ngũ giáo viên để đảm bảo triển khai hiệu quả các hình thức dạy học trực tiếp, trực tuyến hoặc trực tiếp kết hợp với trực tuyến. Để nâng cao chất lượng dạy và học, 100% cán bộ, giáo viên các trường trên địa bàn đều tham gia lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, bồi dưỡng chính trị hè do Phòng GD&ĐT huyện tổ chức.
Năm học 2021-2022 diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, nguy hiểm; để đảm bảo một năm học an toàn, chất lượng, trước thềm năm học mới, cán bộ giáo viên các nhà trường đã tổ chức tổng vệ sinh trường lớp học; đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến cán bộ giáo viên, nhân viên và các phụ huynh thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế, của ngành GD&ĐT; chủ động xây dựng phương án dạy học trong bối cảnh có dịch bệnh.
Cô giáo Lý Hoàng Anh, Phó hiệu trưởng Trường PTDT bán trú TH&THCS Đồng Lâm 2 (TP Hạ Long), cho biết: Nhà trường đã xây dựng 2 phương án giảng dạy. Trong trường hợp học sinh vẫn được đến trường, các môn như: Toán, Ngữ văn, Sinh, Sử, Hóa, KHTN, các môn phục vụ cho tuyển sinh, thi cuối cấp, nhà trường được đẩy chương trình, số tiết học lên. Trong trường hợp học sinh không được đến trường do dịch, các môn đã dạy trước, nhà trường sẽ thực hiện giao phiếu học tập về nhà cho học sinh để các em củng cố lại kiến thức; các môn còn lại, như Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học, Thể dục, nhà trường sẽ thực hiện dạy học trực tuyến kết hợp trao đổi với phụ huynh qua các phương tiện, để các em nắm bắt được kiến thức, đảm bảo được chất lượng, chương trình giáo dục theo quy định.
Để tạo điều kiện tốt nhất cho công tác dạy và học, thời gian qua, tỉnh đã ban hành rất nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ giáo dục, phát triển nguồn nhân lực chất lượng và chất lượng cao. Trong bối cảnh kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch Covid-19, năm 2021 tỉnh vẫn ưu tiên dành nguồn lực với tổng kinh phí trên 250 tỷ đồng và "quỹ đất vàng" để đầu tư cải tạo, mở rộng Trường THPT Hòn Gai khang trang, hiện đại, đáp ứng kỳ vọng của các thế hệ cán bộ, giáo viên, phụ huynh, học sinh và nhân dân.
Đặc biệt, tại kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh khóa XIV vừa qua, cơ chế chính sách hỗ trợ 100% học phí năm học 2021-2022 theo mức thu học phí công lập cho trẻ mầm non, học sinh các cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập trên địa bàn tỉnh; chính sách thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại Trường Đại học Hạ Long, Trường Cao đẳng Việt - Hàn, Trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh gắn với tăng quy mô và chất lượng dân số giai đoạn 2021-2025 đã được ban hành. Đây là sự hỗ trợ hết sức kịp thời của tỉnh, thể hiện sự quan tâm cho phát triển con người, phát triển văn hóa giáo dục đồng bộ với phát triển kinh tế, thực hiện phương châm mọi người dân đều được hưởng thành quả của sự phát triển, không ai bị bỏ lại phía sau.
Trúc Linh
Liên kết website
Ý kiến ()