Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 17:07 (GMT +7)
Đảm bảo NLĐ trong khối nhà nước và khối tư nhân được hưởng lương hưu tương đương
Thứ 6, 27/10/2023 | 14:42:53 [GMT +7] A A
Cử tri tỉnh Quảng Ninh kiến nghị: Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) cần nghiên cứu sửa đổi các quy định hiện hành nhằm đảm bảo người lao động trong khối nhà nước và người lao động trong khối tư nhân được hưởng lương hưu tương đương khi có thời gian tham gia đóng bảo hiểm xã hội tương đương. Vì theo quy định hiện nay, người lao động làm việc cho doanh nghiệp ngoài nhà nước thì mức hưởng lương hưu được tính dựa trên bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của toàn bộ thời gian mà người lao động tham gia bảo hiểm xã hội nhưng cán bộ, công chức thì tính lương bình quân tháng đóng bảo hiểm xã hội theo mức 5 năm, 6 năm, 8 năm, 10 năm, 15 năm, 25 năm cuối đóng bảo hiểm xã hội dẫn đến sự khác biệt, không thực sự công bằng.
Về nội dung này, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trả lời như sau:
Ở Việt Nam, chính sách BHXH trước đây chỉ áp dụng đối với cán bộ, công nhân viên chức nhà nước, sau đó từng bước được mở rộng đối với người lao động thuộc các thành phần kinh tế khác nhau. Chế độ tiền lương của khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước cũng có sự khác biệt; ở khu vực ngoài nhà nước, không phải cứ những năm cuối trước khi nghỉ hưu người lao động có tiền lương cao hơn.
Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, chính sách BHXH cũng từng bước được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện góp phần ổn định việc làm, thu nhập và đời sống của người lao động, bảo đảm an sinh xã hội và hội nhập quốc tế. Việc bảo đảm công bằng, bình đẳng trong tham gia và thụ hưởng BHXH giữa những người tham gia BHXH (bao gồm cả khu vực nhà nước và ngoài nhà nước) luôn được đặt ra trong quá trình hoàn thiện pháp luật về BHXH. Chính vì vậy, Luật BHXH năm 2014 đã quy định lộ trình tính lương hưu của người lao động thuộc khu vực nhà nước (bao gồm tính bình quân toàn bộ quá trình đóng BHXH và thực hiện điều chỉnh tiền lương đã đóng BHXH trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng của từng thời kỳ), đảm bảo công bằng, bình đẳng trong tham gia và thụ hưởng BHXH giữa khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước. Việc quy định “lộ trình” như Luật BHXH năm 2014 là cần thiết và phù hợp, nhằm đảm bảo tính khả thi, sự đồng thuận, không tạo sự chênh lệch lớn giữa người hưởng lương hưu trước và sau thời điểm điều chỉnh.
Ngọc Huyền (Biên soạn)
- Quy định về đóng bảo hiểm xã hội cho những năm còn thiếu để hưởng lương hưu
- Bảo hiểm xã hội tỉnh: Chủ động ngăn ngừa phát sinh khiếu nại, tố cáo
- Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri chuyên đề về Bảo hiểm xã hội
- Đóng bảo hiểm xã hội 15 năm là đủ điều kiện chờ nhận lương hưu?
- Không đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội xin nghỉ hưởng lương hưu thế nào?
- Công ty phải chốt sổ bảo hiểm xã hội khi chấm dứt hợp đồng lao động
Liên kết website
Ý kiến ()