Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 14/12/2024 18:08 (GMT +7)
Bình đẳng giới cho phụ nữ và trẻ em vùng dân tộc thiểu số
Thứ 7, 14/12/2024 | 13:33:19 [GMT +7] A A
Tại Quảng Ninh, thời gian vừa qua các cấp, ngành, địa phương đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện và nâng cao vị thế, cơ hội cho phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) trong thụ hưởng đời sống, cũng như tham gia các lĩnh vực trong xã hội.
Đầu tháng 10/2024, Trường PTDT bán trú THCS Quảng Sơn (huyện Hải Hà) ra mắt CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi”. Đây là một trong 4 mô hình cơ bản thuộc chương trình “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết một số vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được Trung ương Hội LHPN Việt Nam triển khai thực hiện, nhằm huy động sự tham gia của trẻ em vào hoạt động này. CLB có 30 thành viên là các học sinh tiêu biểu của nhà trường.
Tham gia CLB, học sinh được cung cấp những kiến thức về quyền trẻ em, phòng chống xâm hại tình dục, phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, phòng tránh bạo lực học đường, kỹ năng giao tiếp ứng xử trên không gian mạng... được tạo điều kiện để trải nghiệm, phát huy các sở trường của mình, tham gia các hoạt động của CLB tại trường học và địa phương. Thầy giáo Nguyễn Trọng Hoà, Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú THCS Quảng Sơn, cho biết: CLB cũng là sân chơi bổ ích, vừa là nơi chia sẻ thông tin, giúp học sinh vùng đồng bào DTTS có thêm kiến thức về tâm lý lứa tuổi, giới tính, kỹ năng giao tiếp trong gia đình, nhà trường, đồng thời trở thành những “hạt nhân” tiên phong thay đổi nhận thức, xoá bỏ định kiến giới, lan toả những thông tin, thông điệp tích cực tới cộng đồng.
Hiện toàn tỉnh đang duy trì 17 mô hình CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại các trường THCS thuộc địa bàn vùng DTTS và miền núi. Ngoài mô hình này, để thu hẹp khoảng cách giới ở khu vực đồng bào DTTS, trên địa bàn tỉnh cũng đang có 33 mô hình về phòng chống bạo lực trên cơ sở giới; 125 mô hình phòng chống bạo lực gia đình theo chuẩn của Bộ VH-TT; 301 CLB phòng chống bạo lực gia đình, CLB gia đình phát triển bền vững; 508 nhóm phòng chống bạo lực gia đình và 1.025 địa chỉ tin cậy ở cộng đồng.
Đặc biệt, để nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, nhất là ở khu vực đồng bào DTTS, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, xây dựng cơ chế, chính sách riêng, đặc thù thúc đẩy bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ, tăng cường bảo vệ, chăm sóc trẻ em; tăng số phụ nữ được hưởng lợi, nhất là phụ nữ nghèo, phụ nữ vùng khó khăn, vùng DTTS. Các sở, ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh cũng đã tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ và người dân vùng DTTS về bình đẳng giới.
Tại huyện Bình Liêu, Hội LHPN huyện đã phối hợp với 11 tổ truyền thông cộng đồng về bình đẳng giới tại 11 thôn của các xã Đồng Tâm, Lục Hồn, Vô Ngại, Húc Động và thị trấn Bình Liêu. Thành viên của tổ truyền thông cộng đồng có cán bộ của thôn, bản, chi, tổ hội đoàn thể cơ sở. Với phương châm bám sát địa bàn, hoạt động của các tổ truyền thông này đã và đang góp thêm tiếng nói để dần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, xóa đi những quan niệm cổ hủ để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho phụ nữ và trẻ em gái. Chị Dường Tài Múi, Tổ phó Tổ truyền thông cộng đồng khu Khe Lạc (thị trấn Bình Liêu) cho biết: Các thành viên rất tích cực theo dõi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tình hình đời sống của người dân nói chung và phụ nữ, trẻ em gái nói riêng; tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi nếp nghĩ nhằm góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình, cộng đồng...
Các ngành, đoàn thể cũng tổ chức nhiều buổi tuyên truyền bằng hình thức sân khấu hóa về gia đình, phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống xâm hại phụ nữ và trẻ em; đẩy mạnh tuyên truyền bình đẳng giới vùng DTTS trên các phương tiện thông tin đại chúng; thực hiện chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh trong 42 ngày đầu; thực hiện chương trình học bổng hỗ trợ trẻ em gái và phụ nữ tham gia học tập, nâng cao trình độ ở vùng DTTS và miền núi...
Với nhiều hình thức, biện pháp tuyên truyền thiết thực, hiệu quả, nhiều năm qua, vùng đồng bào DTTS của Quảng Ninh không còn nặng nề hủ tục trọng nam khinh nữ hoặc bạo lực gia đình trên cơ sở giới, người dân vùng đồng bào DTTS đã được nâng cao nhận thức và thực hiện tốt về bình đẳng giới trong đời sống.
Yến Vy
Liên kết website
Ý kiến ()