Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 07:49 (GMT +7)
Đảm bảo sức khỏe phụ nữ khi mang thai
Thứ 6, 15/03/2024 | 14:38:25 [GMT +7] A A
Thời kỳ mang thai, cơ thể phụ nữ có nhiều thay đổi. Bên cạnh đó, sức khỏe của người mẹ ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phát triển của thai nhi. Vì thế, để có một thai kỳ khỏe mạnh, phụ nữ cần khám sức khỏe định kỳ nhằm góp phần can thiệp sớm những bất thường, đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.
Trong tháng 1/2024, các bác sĩ của Trung tâm Y tế TX Quảng Yên đã thực hiện thành công ca đỡ đẻ cho sản phụ sinh con lần thứ 6. Sản phụ là chị N.T.H (43 tuổi) ở xã Liên Vị, TX Quảng Yên, chuyển dạ lần 6 vào tuần thai thứ 40, bị rối loạn cơn co tử cung.
Khi vào viện sản phụ có tình trạng rối loạn cơn co, cổ tử cung mở 7cm, cơn co yếu. Các bác sĩ đã nhanh chóng tiến hành thăm khám toàn diện, tư vấn cho sản phụ và người nhà sử dụng phương pháp đẻ chỉ huy. Sau gần 40 phút theo dõi chặt chẽ, kiểm soát kỹ lưỡng tiến trình chuyển dạ, chị N.T.H đã sinh thường 1 bé gái nặng 3,5kg. Sau sinh sản phụ có dấu hiệu tử cung co yếu, đã được chỉ định soát buồng tử cung và dùng các loại thuốc tăng co, cầm máu, theo đó, sức khỏe sản phụ và em bé ổn định.
Theo các bác sĩ sản khoa, mang thai nhiều lần, khi chuyển dạ rất dễ bị băng huyết, đờ tử cung, rau cài răng lược, thuyên tắc mạch ối, dẫn đến nguy cơ tử vong cao cho mẹ và trẻ sơ sinh, nguy cơ hậu sản nặng nề. Vì vậy, khi có thai, các bà mẹ nên thăm khám định kỳ theo khuyến cáo của bác sĩ, nhằm phát hiện kịp thời những vấn đề sức khỏe, sự phát triển của thai nhi và những bất thường khi sinh nở.
Quản lý thai sản đặc biệt quan trọng, nhằm theo dõi, chăm sóc sức khỏe của thai phụ từ khi mang thai và chăm sóc cho cả mẹ lẫn con an toàn trong khi sinh. Trong quá trình mang thai, nếu các bà mẹ có kế hoạch khám, quản lý thai nghén ngay từ sớm, sẽ giúp nắm bắt rõ quá trình thai phát triển khỏe mạnh, qua đó bác sĩ sẽ nắm chắc tình trạng sức khỏe bà mẹ và thai nhi để tiên lượng và chuẩn bị tốt việc sinh con, đề phòng những nguy cơ khi chuyển dạ.
Theo quy định của Bộ Y tế, thai phụ tối thiểu phải khám thai 4 lần trong quá trình mang thai. Lần khám thứ nhất khi có thai trong 3 tháng đầu; lần khám thứ 2 vào 3 tháng giữa; 2 lần khám tiếp theo vào 3 tháng cuối. Ngoài 4 lần khám kể trên, người mẹ phải đi khám thêm bất kỳ lúc nào nếu có triệu chứng bất thường, như đau bụng, ra máu, ra nước âm đạo, phù, nhức đầu, chóng mặt, mờ mắt...
Trong các lần khám thai, thai phụ còn có thể cần kiểm tra sức khỏe bằng các xét nghiệm: Công thức máu, sinh hóa máu, miễn dịch (HIV, viêm gan B), nước tiểu, siêu âm, monitoring sản khoa... Theo dõi về cân nặng của mẹ, đo tim mẹ, tim thai, huyếp áp mẹ, bề cao tử cung và vòng bụng để theo dõi sự phát triển và sức khỏe thai nhi.
Việc khám thai phải thực hiện đúng quy trình chuẩn với các bước cơ bản như: Hỏi, khám toàn thân, khám sản khoa, thử nước tiểu, vệ sinh thai nghén, tiêm chủng phòng ngừa bệnh, siêu âm thai… Thực tế có một số ít phụ nữ mang thai ít đi khám thai định kỳ, chỉ kiểm tra khi thấy có vấn đề, dấu hiệu bất thường và đến bệnh viện khi có cơn chuyển dạ. Điều này rất nguy hiểm, việc xử trí các bệnh lý của sản phụ và bác sĩ sẽ khó tiên lượng tình trạng sức khỏe của sản phụ và thai nhi trong quá trình sinh nở.
Hiện việc khám thai định kỳ và quản lý thai nghén đã được nhiều chị em quan tâm. Tuy nhiên cũng có một số người chưa nhận biết được đầy đủ quy trình khám thai ở những mốc quan trọng, vì thế rất khó có thể tầm soát được những nguy cơ từ mẹ và bé. Đã có nhiều trường hợp bị lưu thai ở tuần thứ 38, 39 của thai kỳ do không được phát hiện những bất thường kịp thời.
Cùng với khám thai định kỳ, phụ nữ khi mang thai cần tuân theo tư vấn của bác sĩ sản khoa về dinh dưỡng, bổ sung các vitamin, khoáng chất. Đồng thời cần thực hiện lối sống, sinh hoạt lành mạnh nhằm bảo đảm sức khỏe cho bản thân và thai nhi trong suốt quá trình mang thai.
Vân Anh
Liên kết website
Ý kiến ()