Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 25/11/2024 12:59 (GMT +7)
Đảm bảo VSATTP trong lĩnh vực chăn nuôi còn nhiều trở ngại
Thứ 5, 25/03/2021 | 08:45:32 [GMT +7] A A
Thịt gia súc, gia cầm là thực phẩm được tiêu thụ hàng ngày với số lượng lớn trên địa bàn tỉnh. Ngoài nguồn cung cấp từ các cơ sở chăn nuôi trong tỉnh, Quảng Ninh cũng nhập gia súc, gia cầm từ các tỉnh, thành khác rất nhiều. Tuy nhiên, việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực chăn nuôi, thú y trên địa bàn hiện gặp khá nhiều trở ngại.
Theo Sở NN&PTNT, tính đến hết năm 2020, toàn tỉnh có gần 33.000 con trâu, hơn 31.600 con bò, 269.570 con lợn. Đàn gia cầm khoảng 3,9 triệu con. Trong thời gian qua, công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong lĩnh vực chăn nuôi, thú y cũng đã được các địa phương xem trọng, tổ chức sản xuất, chăn nuôi, chỉ đạo tái đàn, tăng đàn đảm bảo an toàn sinh học. Trong năm 2020, toàn tỉnh phát sinh 3 ổ dịch cúm gia cầm H5N6; 4 ổ dịch lở mồm long móng trâu, bò; 3 ổ dịch viêm da nổi cục trâu, bò. Các ổ dịch đã được kiểm soát, xử lý nhanh chóng, không lây lan phát sinh.
Khoanh vùng khống chế dịch cúm gia cầm H5N6 tại Hải Hà, tháng 1/2021. Ảnh: Hoàng Nga |
Công tác xử lý động vật và sản phẩm động vật nhập lậu không rõ nguồn gốc cũng được các đơn vị, địa phương tăng cường. Năm 2020, các lực lượng chức năng, địa phương đã phát hiện, xử lý 10 vụ vận chuyển sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm quy định...
Cùng với đó, các địa phương cũng đã thực hiện kiểm soát giết mổ 534.000 con gia súc, gia cầm; thu phí 1,5 tỷ đồng; cấp 1.071 giấy chứng nhận kiểm dịch xuất tỉnh động vật, sản phẩm động vật trên cạn gồm 7.219 con bò thịt, 16.811 con lợn thịt, lợn nái, lợn sữa, hơn 9.200 con lợn giống, trên 362.000 con gà thịt, gần 60.000 con gà giống, hàng chục nghìn kg mỡ bò, nội tạng bò....
Mặc dù vậy, việc kiểm soát vệ sinh thú y của tỉnh gặp khá nhiều khó khăn, chủ yếu liên quan đến cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung. Theo Luật Thú y năm 2017, việc giết mổ động vật phải được thực hiện tại cơ sở giết mổ động vật tập trung đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y. Còn ở các vùng nông thôn, miền núi, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn chưa có cơ sở giết mổ động vật tập trung thì việc giết mổ động vật được thực hiện tại cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ và phải đáp ứng yêu cầu vệ sinh thú y.
Luật cũng quy định cụ thể yêu cầu vệ sinh thú y đối với cơ sở giết mổ động vật trên cạn; cơ sở sơ chế, chế biến sản phẩm động vật, trong đó có cả cơ sở giết mổ động vật tập trung, cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ, cơ sở sơ chế, chế biến động vật, sản phẩm động vật để kinh doanh...
Cán bộ thú y đóng dấu kiểm dịch trước khi thực phẩm đưa ra thị trường tại Cơ sở giết mổ tập trung Đức Hà, TP Uông Bí, tháng 1/2021. Ảnh: Đinh Hằng |
Tuy nhiên, thực tế trên địa bàn tỉnh hiện mới chỉ có 6 cơ sở giết mổ tập trung ở các địa phương: Đông Triều, Uông Bí, Hạ Long, Cẩm Phả với công suất 200-250 con/ngày. Các cơ sở này do Chi cục Chăn nuôi và Thú y thực hiện giám sát vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm. Các địa phương khác hiện vẫn chưa có cơ sở giết mổ tập trung nên toàn tỉnh vẫn có tới 699 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ được giao cho các địa phương quản lý, kiểm soát vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm.
Tuy vậy, với số lượng cơ sở nhỏ lẻ nhiều như vậy, việc kiểm soát vệ sinh gặp khó khăn do không đủ nhân lực thực hiện hàng ngày. Do đó, có rất nhiều gia súc, gia cầm tiêu thụ trên địa bàn tỉnh chưa được kiểm soát vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, trong khi đó, những cơ sở giết mổ nhỏ lẻ hầu hết làm thủ công, các công đoạn giết mổ được thực hiện trên sàn. Nhiều cơ sở không đáp ứng yêu cầu vệ sinh thú y, ATTP. Việc kiểm soát gia súc, gia cầm nhập từ các địa phương khác về các lò mổ nhỏ lẻ cũng không thể bao quát hết.
Để tháo gỡ khó khăn này, yêu cầu cấp bách hiện nay chính là sự vào cuộc tích cực của tỉnh và các địa phương trong quy hoạch, xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tại những địa phương; đồng thời xử lý nghiêm những cơ sở giết mổ không đảm bảo vệ sinh thú y theo quy định.
Thu Nguyệt
Liên kết website
Ý kiến ()