Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 17/12/2024 16:29 (GMT +7)
Đầm Hà phát huy hiệu quả thiết chế văn hóa
Thứ 3, 17/12/2024 | 14:07:34 [GMT +7] A A
Là huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, các thiết chế văn hóa ở Đầm Hà được đầu tư khá bài bản. Thời gian qua, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã tích cực phát huy hiệu quả của những thiết chế này.
Đối với thiết chế văn hóa cấp huyện, Đầm Hà có 1 quảng trường đang được xây dựng, 1 trung tâm văn hoá các dân tộc đạt chuẩn theo quy định của Bộ VH-TT&DL, trong đó có cả thư viện; công viên tượng đài Anh hùng liệt sĩ Hà Quang Vóc; 1 SVĐ; một số nhà luyện tập và sân thi đấu thể thao…
Ở cấp xã, cả 8/8 xã đều có điểm bưu điện văn hóa, sân vui chơi dành cho trẻ em… 100% thôn, bản, khu phố đã được đầu tư xây dựng nhà văn hoá, trong đó có 56 nhà văn hóa đạt chuẩn theo quy định, 4 nhà văn hóa cơ sở vật chất đảm bảo, 16 nhà văn hoá đề nghị xây mới, sửa chữa và đã có lộ trình đưa vào phương án thực hiện dự kiến xong trong giai đoạn 2024-2026. Nhiều cơ quan, đơn vị, trường học cũng đã có sân tập luyện cầu lông, bóng bàn...
Các trung tâm văn hóa, thể thao cấp huyện, cấp xã, nhà văn hóa các thôn, bản, khu phố cơ bản được đầu tư mua sắm trang thiết bị như: Bàn, ghế, phông, tượng Bác, âm thanh, ánh sáng… và lắp đặt một số dụng cụ thể dục, thể thao ngoài trời, nên cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hoá, văn nghệ, tập luyện thể thao, hội họp của nhân dân.
Để phát huy hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa, huyện tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết số 17-NQ/TU, ngày 30/10/2023 của BCH Đảng bộ tỉnh về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh của con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho sự phát triển nhanh, bền vững. Tất cả người dân trên địa bàn huyện đều được tuyên truyền về hệ giá trị tỉnh Quảng Ninh, hệ giá trị con người Quảng Ninh, hệ giá trị quốc gia, văn hóa, gia đình, chuẩn mực con người Việt Nam; học sinh trên địa bàn đều được giáo dục nghệ thuật, giáo dục di sản văn hóa và được tham quan các di tích quốc gia đặc biệt, khu trưng bày truyền thống lịch sử Đảng bộ huyện...
Huyện còn thường xuyên chỉ đạo các phòng, ban, ngành, UBND các xã, thị trấn quan tâm rà soát, đưa vào quy hoạch, bố trí nguồn vốn theo thẩm quyền, hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền hỗ trợ kinh phí xây bổ sung các hạng mục thiết chế văn hóa còn thiếu; tăng cường công tác quản lý hoạt động văn hoá, dịch vụ văn hoá, thể thao, du lịch, lễ hội, kinh doanh du lịch trên địa bàn, tạo môi trường văn hoá lành mạnh trong nhân dân. Đồng thời chú trọng công tác quản lý, bảo vệ, trùng tu, tôn tạo phát huy giá trị các di tích.
Qua đó, các di tích trên địa bàn huyện được khôi phục, trùng tu tôn tạo, như: Khu di tích khảo cổ lịch sử, danh thắng, văn hóa cách mạng Rừng cò núi Hứa; cụm di tích đình, chùa, miếu Đầm Hà; đình Tràng Y, tượng đài Anh hùng liệt sĩ Hà Quang Vóc... Hiện Đầm Hà có 4 di tích xếp hạng cấp tỉnh, 4 di tích đã kiểm kê, phân loại, nhưng chưa được xếp hạng.
Công tác bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể cũng được huyện Đầm Hà chú trọng. Hiện trên địa bàn huyện có 12 di sản văn hóa phi vật thể thuộc 2 loại hình: Tập quán xã hội (9 di sản), lễ hội truyền thống (3 di sản). Trong đó, Lễ hội đình Đầm Hà được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia năm 2023.
Các lễ hội diễn ra trên địa bàn như: Lễ hội đình Đầm Hà, lễ hội đình Tràng Y, ngày hội kiêng gió... đã góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân. Huyện Đầm Hà đã tổ chức các lớp truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia trong cộng đồng; thành lập và duy trì hoạt động của các CLB một số loại hình di sản văn hóa phi vật thể đặc trưng của địa phương, như: Hát nhà tơ, hát sán cố, hát soóng cọ... Tổ chức các hội thi, giao lưu văn nghệ dân gian của các dân tộc.
Bà Hoàng Thị Mai (thôn Tân Phú, xã Tân Lập, huyện Đầm Hà) cho biết: Vào các ngày lễ, tết, xã đều tổ chức các giải thể thao, hoạt động văn nghệ. Nhà văn hóa thôn Tân Phú không chỉ diễn ra các buổi hội, họp của khu, mà còn thường xuyên diễn ra hoạt động văn nghệ, thể thao, tạo không khí phấn khởi cho người dân chúng tôi.
Việc phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa đã góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho các tầng lớp nhân dân của huyện Đầm Hà. Gần 97% hộ gia đình trên địa bàn huyện đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”; 100% thôn, khu đạt danh hiệu “Thôn, khu phố văn hóa”. Các nhà văn hóa thôn, khu đều thường xuyên tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao. Chỉ số phát triển con gười (HDI) ở Đầm Hà ngày càng được cải thiện và nâng cao chất lượng.
Thu Nguyệt
- Quan tâm phát triển thiết chế văn hóa, thể thao
- Vân Đồn: Khai thác hiệu quả các thiết chế văn hoá, thể thao
- Tháo gỡ “điểm nghẽn” về chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao
- Huyện Đầm Hà: Dồn sức xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu
- Đầm Hà: Bồi dưỡng lý luận chính trị, nghiệp vụ cho lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở
Liên kết website
Ý kiến ()