Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 12:13 (GMT +7)
Bảo tồn Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long
Thứ 4, 15/06/2022 | 08:48:27 [GMT +7] A A
Trong định hướng phát triển KT-XH của tỉnh, du lịch Vịnh Hạ Long đóng vai trò đặc biệt quan trọng, là động lực chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ "nâu" sang "xanh”. Tỉnh cũng đặt mục tiêu đưa Hạ Long trở thành trung tâm du lịch lớn trong nước và quốc tế, một thành phố đô thị hiện đại trong vành đai kinh tế vịnh Bắc Bộ. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra nhiều thách thức đối với công tác bảo tồn văn hóa và di sản cũng như vấn đề suy thoái môi trường từ du lịch và các hoạt động phát triển KT-XH.
Sức hút của Di sản
Vịnh Hạ Long là vùng biển đảo giàu tài nguyên du lịch với diện tích 1.553km2 và gần 2.000 hòn đảo lớn nhỏ. Nơi đây là vùng biển đẹp nổi tiếng trên thế giới và rất giàu tiềm năng cho phát triển du lịch với cảnh quan thiên nhiên tuyệt sắc và những hệ sinh thái điển hình, độc đáo, như: Rừng ngập mặn, rạn san hô, bãi cát biển, hồ nước mặn và tùng áng, hang động…
Đặc biệt, khu trung tâm Vịnh Hạ Long có giá trị ngoại hạng toàn cầu về địa chất, địa mạo và cảnh quan thiên nhiên đã vinh dự hai lần được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới vào năm 1994 và 2000 với giá trị ngoại hạng toàn cầu nổi bật về địa chất, địa mạo và cảnh quan tự nhiên.
Kể từ đó, du lịch Vịnh Hạ Long là một trong những sản phẩm thế mạnh và phát triển mạnh mẽ, trở thành động lực tăng trưởng chủ lực cho nền kinh tế hiện đại của Quảng Ninh. Số liệu thống kê giai đoạn 1996-2020, số lượt khách trong nước và quốc tế tới tham quan Vịnh Hạ Long liên tục tăng. Năm 1996 chỉ có trên 236.000 người, đến năm 2000 tăng lên trên 852.000 người, năm 2005 tăng gần 1,5 triệu người, năm 2010 là gần 2,8 triệu người, năm 2015 gần 2,6 triệu người.
Trước thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát, tính riêng trong năm 2019, doanh thu từ hoạt động tham quan Vịnh Hạ Long đạt gần 1.300 tỷ đồng (tăng 9% so với năm 2018). Tốc độ tăng trưởng trung bình của khách du lịch đạt 16,13%/năm, trong đó khách quốc tế tăng trưởng 26,5% và khách du lịch nội địa tăng 14,6%/năm. Du lịch vịnh phát triển đã tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người dân địa phương và thúc đẩy sự phát triển của các ngành liên quan, đặc biệt là vận tải, logistics và dịch vụ du lịch.
Để phấn đấu đạt mục tiêu đón 4,5 triệu lượt khách năm 2022, TP Hạ Long đã nhanh chóng thay đổi và đưa ra các sản phẩm du lịch mới. Từ "Phố đêm du thuyền" cho đến những dịch vụ du lịch đẳng cấp trên vịnh, như: Nghỉ đêm trên Vịnh Hạ Long, bay thủy phi cơ và trực thăng, diễu hành thuyền buồm thể thao…
Với những sản phẩm mới, từ sau ngày 15/3/2022, khi du lịch mở cửa hoàn toàn, Vịnh Hạ Long liên tiếp đón những tín hiệu vui. Ghi nhận trong những ngày qua cho thấy, du lịch Vịnh Hạ Long đã nhộn nhịp trở lại cả vào những ngày thường trong tuần. Trong số khách đến du lịch Quảng Ninh, lượng khách tham quan Vịnh Hạ Long thường chiếm 1/3. Đơn cử như trong 2 ngày cuối tuần vừa qua (11, 12/6), các điểm đến du lịch, dịch vụ trên địa bàn tỉnh đón khoảng 170.000 lượt khách thì Vịnh Hạ Long đón trên 50.000 lượt.
Mâu thuẫn giữa phát triển với bảo vệ môi trường
Thực tiễn ở Việt Nam và trên thế giới cho thấy, bên cạnh những đóng góp to lớn của ngành Du lịch trong tăng trưởng kinh tế, lượng khách du lịch tăng mạnh tại một địa điểm cũng đặt ra nhiều thách thức lớn đối với công tác bảo tồn văn hóa và di sản cũng như vấn đề suy thoái môi trường. Đối với di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, những thách thức này lại càng trở nên nghiêm trọng, khi cơ sở hạ tầng, năng lực quản lý và tổ chức còn bất cập, các nút thắt cản trở sự phát triển bền vững du lịch chưa được nhận diện đầy đủ và có giải pháp đồng bộ để tháo gỡ. Trong đó, nhiệm vụ bảo vệ môi trường và các cảnh quan thiên nhiên đóng vai trò quan trọng vào bảo tồn hiệu quả các giá trị di sản, thúc đẩy phát triển du lịch bền vững khu di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long.
Hiện nay, Vịnh Hạ Long đang chịu khá nhiều áp lực lớn về môi trường. Bên cạnh các áp lực tại chỗ (giao thông, cảng biển, du lịch, nuôi trồng và đánh bắt thuỷ sản, sinh cư trên mặt nước), các hoạt động ven vịnh rộng lớn và trên các lưu vực đổ vào vịnh (nông nghiệp, lâm nghiệp, giao thông, công nghiệp, khai khoáng, du lịch - dịch vụ và sinh hoạt) đã gây ra những áp lực lớn lên môi trường, tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học.
PGS.TS Lưu Thế Anh, Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: Vịnh Hạ Long nhìn thấy rõ nhất là vấn đề nước thải sinh hoạt. Trung bình hơn 60.000m3 nước thải sinh hoạt hàng ngày đổ ra thì chỉ có khoảng 12% lượng nước thải trên bờ, phần lớn còn lại xả thải ra vịnh nhưng chúng ta mới xử lý có 38%. Môi trường nước hiện nay liên thông với nhau nên việc ô nhiễm ở hải lưu dọc bờ có thể di chuyển vào vùng lõi - đây là vấn đề cần quan tâm khi muốn phát triển du lịch bền vững.
Ông Christian Manhart, Trưởng đại diện tổ chức UNESCO tại Việt Nam, cho biết: Chúng ta có di sản thiên nhiên ban tặng và cần khai thác hài hòa, bền vững lâu dài. Ban Quản lý Vịnh Hạ Long cần tăng thêm nguồn lực để làm tốt công tác quản lý. Bản thân du khách cần có trách nhiệm trong việc bảo vệ, bảo tồn di sản, cần truyền thông, đẩy mạnh giáo dục du khách về trách nhiệm này. Bởi một trải nghiệm tốt chắc chắn sẽ mang lại sự hài lòng và những giá trị lâu dài là khi họ tiếp tục giới thiệu cho bạn bè đến với di sản. Tôi cho rằng các bạn cần theo đuổi những cách tiếp cận bền vững theo các nhóm giải pháp đã đưa ra để trở thành một điển hình cho các địa phương khác trong cả nước học tập. Đã đến lúc chúng ta nên hạn chế du lịch đại trà và tập trung nhiều hơn vào các hoạt động du lịch bảo vệ môi trường.
Quản lý di sản khoa học
Để giúp các nhà quản lý có những điều chỉnh phù hợp, phát triển du lịch bền vững trong tương lai, năm 2020 Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã mời các chuyên gia từ Tập đoàn tư vấn Kiran (Hoa Kỳ) - đơn vị đã có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực phân tích, tính toán, đánh giá sức tải tại các khu di sản, trung tâm thương mại, các điểm du lịch lớn trên thế giới để khảo sát, xây dựng đề án nhìn nhận lại sức tải của Vịnh Hạ Long.
Từ các nghiên cứu cho thấy, 5 tuyến tham quan Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long đón khoảng 30.000 lượt khách mỗi ngày. Tuy nhiên, lượng khách tham quan tập trung vào các tuyến 1, 2 và 5 với khoảng 25.000 lượt khách. Tính trung bình sức tải của Vịnh Hạ Long không phải ở mức cao nhưng thường xuyên có tình trạng quá tải một số điểm du lịch, như: Động Thiên Cung, hang Đầu Gỗ, hòn Chó Đá, hòn Gà Chọi... với 2.000 khách trong một giờ. Cá biệt có thời điểm lên tới gần 3.000 lượt khách và lượng khách đến Vịnh Hạ Long mùa hè luôn cao hơn rất nhiều so với các mùa còn lại. Điều này không chỉ gây áp lực lên điểm đến, gia tăng rác thải mà còn mang lại những trải nghiệm không trọn vẹn cho du khách, ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững, lâu dài.
Ngay khi tìm ra những điểm nghẽn, các chuyên gia đã đề xuất 5 nhóm giải pháp: Về cơ chế, chính sách quản lý bền vững du lịch; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng; ứng dụng khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế trong quản lý và phát triển bền vững; phát triển nguồn nhân lực và nâng cao nhận thức cộng đồng cho phát triển du lịch bền vững; quản lý, giám sát và kiểm soát môi trường, hoạt động du lịch.
Trong đó điểm nhấn là các giải pháp phát triển một hệ thống quản lý lịch trình tàu du lịch; áp dụng mức trần giới hạn số lượng tàu thuyền, tiến hành điều tra, đánh giá, phân loại xác định giá trị của các yếu tố di sản với tư cách là tài nguyên du lịch; rà soát các loại quy hoạch, kế hoạch đầu tư, bảo tồn liên quan; tuyên truyền nâng cao nhận thức của du khách về việc bảo vệ môi trường di sản… Từ đó, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững về môi trường, thỏa mãn nhu cầu của du khách và đảm bảo hài hòa lợi ích cho tất cả các bên liên quan.
TS. Celal Kaplan, Tập đoàn tư vấn Kiran (Hoa Kỳ) mong muốn: "Để phát triển du lịch bền vững, điều quan trọng nhất là cần phải có những thay đổi về mặt chính sách. Công tác quản lý cần phải mang tính tập trung hơn để có thể đưa ra những giải pháp thực thi tối ưu. Ngoài ra cũng phải có những giải pháp về mặt công nghệ, cần phải có các nền tảng tích hợp trực tuyến để quản lý tốt hơn lưu lượng khách tới Vịnh Hạ Long...
Khẳng định về quyết tâm của đơn vị trong công tác quản lý, phát triển di sản, ông Phạm Đình Huỳnh, Phó trưởng Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, cho biết: Những đánh giá căn cơ của các chuyên gia đã giúp đưa ra các giải pháp, kế hoạch hành động phù hợp với việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản hội nhập với thế giới về phát triển bền vững. Đây là cơ sở, căn cứ, là định hướng để tiếp tục xây dựng chiến lược điều tiết được lượng khách đến các điểm tham quan, các hoạt động tham quan và xây dựng được những kịch bản để ứng phó, triển khai các chiến lược về du lịch bền vững kể cả quy hoạch, xây dựng hạ tầng phù hợp, có cơ chế quản lý giám sát, thực hiện đúng theo nội dung của Kỳ họp lần thứ 44, Ủy ban Di sản Thế giới thuộc UNESCO năm 2021.
Việc Quảng Ninh là đơn vị đầu tiên trong cả nước mời các chuyên gia tư vấn nước ngoài đánh giá sức tải của di sản Vịnh Hạ Long là cách nhìn nhận thẳng thắn, toàn diện và là bước tiến để hoàn thiện hơn về cơ sở khoa học và thực tiễn, phục vụ công tác quản lý bảo tồn di sản và khai thác, phát triển văn hóa, du lịch bền vững, nhất là khi Quảng Ninh đang thực hiện chuyển đổi kinh tế từ nâu sang xanh, lấy du lịch là động lực, là lĩnh vực chính cho sự phát triển trong tương lai. Đồng thời, thể hiện cam kết mạnh mẽ của tỉnh Quảng Ninh trong việc phát triển du lịch bền vững gắn với bảo tồn di sản đúng như tinh thần của Công ước quốc tế đầu tiên về bảo vệ di sản văn hóa và tự nhiên của thế giới, ra đời cách đây tròn nửa thế kỷ tại Paris vào năm 1972.
Hoàng Nga
Liên kết website
Ý kiến ()