Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 06:00 (GMT +7)
Đánh thức tiềm năng du lịch ở vùng đất “địa linh nhân kiệt”...
Chủ nhật, 26/05/2013 | 05:37:43 [GMT +7] A A
Ở cửa ngõ phía Tây của tỉnh Quảng Ninh, Đông Triều, mảnh đất “địa linh nhân kiệt” có khá nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch. Thời gian gần đây, tỉnh và địa phương đã có nhiều chủ trương, chính sách đầu tư để phát triển ngành công nghiệp không khói tương xứng với tiềm năng, thế mạnh này...
1 số di tích trong hệ thống Khu di tích lịch sử nhà Trần ở Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh minh họa Internet) |
Có thể thấy rằng, với sự phát triển của du lịch Quảng Ninh nói chung, Đông Triều nói riêng, nhu cầu khách du lịch đến Đông Triều ngày càng tăng, đòi hỏi phát triển du lịch phải tương xứng với nền kinh tế của huyện... |
So với các địa phương trên địa bàn tỉnh, Đông Triều có khá nhiều di tích lịch sử văn hoá và danh thắng, với tổng số 133 di tích trên địa bàn, trong đó có 24 di tích được xếp hạng. Đặc biệt trên đất Đông Triều có khu di tích lịch sử nhà Trần - một quần thể gồm 14 điểm di tích bao gồm hệ thống di tích lăng mộ, đền, chùa và các công trình tôn giáo thời nhà Trần. Và mới đây, đầu tháng 2-2013, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử này. Đây cũng là lợi thế rất lớn để bảo tồn, trùng tu và phát huy giá trị du lịch của di tích. Cùng với hệ thống di tích, hàng năm Đông Triều có hơn 40 ngày lễ và lễ hội được tổ chức tại di tích ở các xã, thị trấn như: Lễ hội đền An Sinh, chùa Quỳnh Lâm, đình chùa Hổ Lao đã thu hút được đông đảo du khách thập phương tham gia. Không chỉ có vậy, Đông Triều còn nổi tiếng với làng nghề thủ công truyền thống làm gốm sứ. Theo thống kê của Hiệp hội doanh nghiệp Đông Triều, hiện nay trên địa bàn huyện có 11 doanh nghiệp và 54 cơ sở sản xuất gốm sứ của hộ gia đình, tập trung chủ yếu tại các xã nằm dọc trục đường 18A như Đức Chính, Yên Thọ, Xuân Sơn, Bình Dương, thị trấn Mạo Khê, nên rất thuận lợi cho khách du lịch vào tham quan. Điều đặc biệt, tại mỗi cơ sở chuyên sản xuất gốm sứ trên đều có các điểm trưng bày và giới thiệu sản phẩm địa phương. Đến đây, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng các sản phẩm gốm sứ đã được hoàn thiện mà còn được trực tiếp tham gia vào quy trình sản xuất. Đây chính là yếu tố hấp dẫn, thu hút được sự quan tâm của đông đảo khách du lịch khi được tự tìm hiểu công việc làm gốm sứ và tự tay làm ra những tác phẩm theo ý mình. Tính đến thời điểm này, trên địa bàn huyện có 4 điểm dừng chân để khách tham quan các cơ sở sản xuất gốm sứ đã được Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận là điểm đạt tiêu chuẩn phục vụ khách như: Công ty CP Thành Đồng (xã Bình Dương), Công ty CP Thái Sơn (Yên Thọ)…
Ngoài các làng nghề truyền thống, vốn là một huyện thuần nông, Đông Triều còn có nhiều tiềm năng để phát triển các loại hình du lịch phong phú khác như du lịch trải nghiệm đồng quê, du lịch sinh thái, du lịch trang trại, vườn đồi v.v.. Hiện nay, những mô hình phát triển du lịch này cũng đang được các công ty du lịch lữ hành nghiên cứu khai thác. Tiêu biểu như Công ty CP Du thuyền Đông Dương đã xây dựng thành công mô hình du lịch tham quan đồng quê cùng với các hoạt động trải nghiệm thực tế được du khách quốc tế đánh giá rất cao…
Nhận thức được tầm quan trọng của việc phát huy những tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch, tăng thu cho địa phương, thời gian qua, từ các nguồn vốn ngân sách, xã hội hoá, Đông Triều đã trùng tu tôn tạo nhiều hạng mục công trình của các di tích. Cụ thể từ năm 2006 đến 8-2011, Đông Triều đã tập trung đầu tư, trùng tu tôn tạo 37 điểm di tích với tổng kinh phí tôn tạo gần 35.000 tỷ đồng. Tiêu biểu như công trình trùng tu, tôn tạo đình, chùa Hổ Lao (xã Tân Việt) trên 20 tỷ đồng, chùa Non Đông (thị trấn Mạo Khê) 3,54 tỷ đồng, chùa Phúc Lâm 3,1 tỷ đồng; Dự án đền Thái đang triển khai trên 20 tỷ đồng, dự án chùa Bắc Mã trên 17 tỷ đồng; quy hoạch khu di tích lịch sử cách mạng và danh thắng Núi Canh… Bên cạnh đó, để phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ cho du lịch, huyện Đông Triều cũng đã chú trọng đến việc đầu tư, nâng cấp các tuyến đường giao thông dẫn vào các khu di tích, nhiều tuyến đường đã được bê tông hoá; tuyến đường vào đền An Sinh và các khu lăng mộ của vua Trần, khu di tích lịch sử đền, chùa Hổ Lao; dự án tuyến đường hành hương từ hồ Trại Lốc vào di tích chùa Ngoạ Vân, chùa Hồ Thiên với nguồn kinh phí khoảng 215 tỷ đồng v.v.. tạo điều kiện cho người dân và du khách thập phương đến với các di tích được dễ dàng hơn. Thêm nữa, để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, Đông Triều đã đầu tư một hệ thống với khoảng trên 80 cơ sở lưu trú và trên 60 nhà hàng lớn, nhỏ. Theo thống kê, khảo sát, những năm gần đây, trung bình mỗi năm Đông Triều đón khoảng trên 1 triệu lượt khách, tăng gấp 3 lần so với giai đoạn trước đây.
Có thể thấy rằng, với sự phát triển của du lịch Quảng Ninh nói chung, Đông Triều nói riêng, nhu cầu khách du lịch đến Đông Triều ngày càng tăng, đòi hỏi phát triển du lịch phải tương xứng với nền kinh tế của huyện. Trước hết, huyện Đông Triều phải có các hình thức phát triển du lịch phù hợp với tiềm năng du lịch của huyện. Theo định hướng phát triển du lịch đến năm 2015, Đông Triều đã xác định phát triển du lịch theo 3 loại hình: Du lịch tâm linh, làng nghề gốm sứ truyền thống và du lịch sinh thái vườn đồi. Trong đó, việc phát triển du lịch tâm linh phải gắn kết với các quần thể, cụm di tích lịch sử, văn hoá, danh thắng trên địa bàn, tạo thành các tour, tuyến du lịch tâm linh, du lịch về cội nguồn, tìm hiểu các di tích lịch sử văn hoá truyền thống của vùng Đông Triều. Mặt khác là quy hoạch trùng tu, tôn tạo các quần thể di tích lịch sử văn hoá, phát triển du lịch gắn kết với các điểm dừng chân, nghỉ mát kết hợp với mở rộng du lịch làng nghề truyền thống của huyện. Đồng thời kết hợp phát triển du lịch gắn kết với các khu vui chơi, giải trí, điểm du lịch sinh thái, vườn đồi, trang trại v.v.. Đi đôi với đó là những giải pháp về cơ chế chính sách, đầu tư cơ sở vật chất và quy hoạch trùng tu tôn tạo các di tích và các điểm du lịch làng nghề truyền thống, điểm dừng chân cho du khách. Tạo cơ chế thông thoáng để thu hút các nhà đầu tư xây dựng cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, khu vui chơi giải trí nghỉ dưỡng để níu kéo thời gian lưu lại của du khách. Cùng với đó là tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ quản lý du lịch trên địa bàn, nhất là đội ngũ hướng dẫn viên, quản lý khách sạn nhà hàng, cơ sở lưu trú, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch...
Thu Nguyên
Liên kết website
Ý kiến ()