Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 23:00 (GMT +7)
"Đánh thức" văn hóa vạn chài
Chủ nhật, 14/04/2024 | 10:14:08 [GMT +7] A A
Không chỉ có vẻ đẹp cảnh quan nức tiếng, giá trị văn hóa vạn chài và những nét đẹp trong lòng di sản Vịnh Hạ Long đang được gìn giữ, khai thác, tạo được nét riêng đặc sắc, thu hút du khách tham quan.
Vịnh Hạ Long là Di sản thiên nhiên nổi tiếng thế giới. Ngoài những giá trị nổi bật toàn cầu về vẻ đẹp cảnh quan, giá trị địa chất, địa mạo, Vịnh Hạ Long còn có nhiều giá trị văn hoá, lịch sử đặc sắc, đã được khai thác để tạo thêm sức hút cho du khách bốn phương.
Đầu tiên phải kể tới là Dự án Bảo tàng sinh thái Hạ Long và sự ra đời của Trung tâm Văn hóa nổi Cửa Vạn từ nguồn hỗ trợ 410.000 USD của Chính phủ Na Uy. Nhờ đó, một trung tâm văn hóa nổi, bảo tàng sinh thái đầu tiên trên biển ở Việt Nam và cả khu vực Đông Nam Á đã đi vào đón khách từ tháng 5/2006. Với trên 1.500 hiện vật, "bảo tàng nổi" này thực sự là điểm dừng chân lý tưởng của du khách.
Năm 2014, các làng chài di dời lên bờ, không gian văn hóa làng chài có nguy cơ mai một. Vì vậy, 69 nhà bè gỗ của làng chài Cửa Vạn được lưu giữ lại, sau đó tiếp tục là 20 nhà bè, 2 lớp học, thư viện nổi được giữ lại để tái hiện không gian sinh động của làng chài xưa. Năm 2019, nghệ thuật hát giao duyên được chính các nghệ nhân làng chài cùng với các nghệ sĩ truyền dạy lại. Đồng thời, Ban cũng đặt thêm 2 thuyền nan, 6 thuyền ba vát để phục vụ hát giao duyên, trải nghiệm đánh cá.
Nhờ đó, du khách khi đến với Vịnh Hạ Long, đặc biệt là du khách quốc tế có thêm điểm đến, thêm hiểu về cuộc sống ngư dân, được trải nghiệm những làn điệu hát giao duyên ngọt ngào, học làm ngư dân, làm ngư cụ, đua thuyền rồng... tạo thêm ấn tượng cho du khách về làng chài Cửa Vạn, nơi được vinh danh là làng chài đẹp nhất thế giới.
Không chỉ thế, có lẽ không nhiều người biết, Vịnh Hạ Long còn là cái nôi của người Việt cổ, đã được tái hiện gắn với điểm tham quan kết hợp với "bảo tàng" thu nhỏ, bày hàng trăm hiện vật ở hang Tiên Ông trên Vịnh Hạ Long. Đây là điểm khảo cổ và cũng là nơi trưng bày dòng chảy liền mạch các nền văn hóa trên Vịnh Hạ Long từ Soi Nhụ - Cái Bèo tới Hạ Long, từ 18.000-3.500 năm cách ngày nay.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực bảo tàng, việc trưng bày tại chỗ, tại điểm di chỉ khảo cổ là vô cùng độc đáo và cũng hiếm nơi có thể thực hiện được. Ở Quảng Ninh và Việt Nam đây có lẽ là điểm đầu tiên triển khai được hoạt động trưng bày như thế. Điểm du lịch có cảnh quan đẹp này vì thế mà gia tăng giá trị, chinh phục, thu hút được cả nhiều khách quốc tế là các nhà nghiên cứu, các học giả.
Một nét sáng tạo thú vị từ việc bảo tồn và gìn giữ thuyền nan của ngư dân, đó chính là việc giữ lại, đưa thuyền nan vào phục vụ khách tham quan làng chài và thắng cảnh xung quanh. Sản phẩm được triển khai lần đầu vào năm 2010 tại làng chài Ba Hang, sử dụng thuyền và do chính ngư dân bản địa chèo. Đây là sản phẩm thú vị, sau đó được nhân rộng ra Vung Viêng, Cửa Vạn và một số cảnh điểm khác... mà bất cứ du khách quốc tế nào cũng muốn trải nghiệm.
Không chỉ vậy, nhiều hoạt động được phục dựng và tổ chức thành lễ hội, sự kiện văn hóa, như: Lễ hội đền Cậu Vàng, lễ rước nước đều ở Cửa Vạn, lễ hội đền Bà Men... Gần đây nhất, năm 2024, nhiều hoạt động đặc sắc như: Đi biển câu cá, thăm điểm nuôi cấy ngọc trai, đua thuyền rồng, tái hiện và trải nghiệm cuộc sống thủy cư, thưởng thức bữa trưa "Hương vị làng chài"... đang được thiết kế trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, rất được mong đợi.
Dù độc đáo, giàu tiềm năng nhưng trong những năm qua, do nhiều lý do mà các làng chài, nhà nổi cũng như các dự án phát triển du lịch trên vịnh chưa thực sự được quan tâm. Vì thế, các sản phẩm sau khi được đầu tư, phục dựng chưa phát huy đúng giá trị, thiếu sức bật để trở thành một sản phẩm du lịch dài lâu. Một số cơ sở vật chất, làng chài còn xuống cấp, hỏng hóc đáng tiếc, rất cần được quan tâm đầu tư và phát huy đúng mức.
Hà Phong
Liên kết website
Ý kiến ()