Đạo diễn, NSƯT Lê Đức Tiến, nguyên Giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam, đã có nhiều năm gắn bó với Vịnh Hạ Long qua những thước phim. Mới đây, ông trở lại Quảng Ninh thực hiện một dự án phim về Vùng mỏ và những người thợ mỏ. Nhân dịp này, phóng viên Báo Quảng Ninh Cuối tuần đã có cuộc trò chuyện với ông.
 |
Đạo diễn Lê Đức Tiến. |
- Thưa đạo diễn, hình như ông rất có duyên với vùng đất Hạ Long, Quảng Ninh?
+ Trong quá trình làm phim, tôi thấy mình khá có duyên với mảnh đất Hạ Long. Bộ phim đầu tay của tôi thực hiện năm 1985, lấy tên là “Tiếng bom hòa bình” có cảnh bom Mỹ nổ trên Vịnh Hạ Long ở ngay đầu phim. Thực tế thì từ những năm 1972, 1973, tôi đã cùng với anh em quay phim của Xưởng phim Quân đội đến phà Rừng, đến Hạ Long ghi lại cảnh máy bay Mỹ ném bom.
Sau đó, tôi từng làm phim về thợ lặn, rồi thợ nổ mìn phá đá làm than... Tuy nhiên, tôi nhớ nhất vẫn là bộ phim “Vịnh Hạ Long - Di sản thiên nhiên kỳ thú” ra đời từ đơn đặt hàng của Ban Quản lý Vịnh Hạ Long. Nhà văn Nguyên Ngọc viết lời bình. Trong quá trình tìm tư liệu và bối cảnh làm phim, chúng tôi được tìm hiểu Vịnh Hạ Long, thăm các hang động... Vẻ đẹp của Vịnh Hạ Long làm tôi mê mẩn.
- Ông có thể nói kỹ hơn về bộ phim “Vịnh Hạ Long - Di sản thiên nhiên kỳ thú”?
+ Đó là một bộ phim tài liệu nghệ thuật. Thời chúng tôi làm phim chưa có flycam mà phải dùng máy bay trực thăng để quay. Phim của chúng tôi vẫn dùng diễn viên tái hiện lại những cảnh sinh hoạt của người tiền sử sống trong các hang động trên Vịnh Hạ Long, các vũ công tái hiện những điệu múa. Trong hang động, chúng tôi không chỉ quay đơn thuần các nhũ đá mà có những nhân vật. Tất cả với mục đích chuyển tải cho được một phần của văn hóa Hạ Long, nền văn hóa lâu đời và đặc sắc gắn với Soi Nhụ, Cái Bèo hàng ngàn, hàng triệu năm...
 |
Đạo diễn Lê Đức Tiến (giữa) trên mỏ Đèo Nai. Ảnh: Thảo Ngọc (CTV) |
- Lời bình của bộ phim được nhà văn Nguyên Ngọc viết từ ý tưởng cho rằng, đá và nước đã cấu tạo nên Hạ Long. Chuyển tải điều đó bằng ngôn ngữ văn học thì dễ, còn chuyển tải bằng ngôn ngữ điện ảnh thì chắc chắn không hề đơn giản, thưa ông?
+ Đây là một ý tưởng rất sâu sắc, đậm màu sắc triết lý, nói nên mối quan hệ giữa những trạng thái đối lập: Giữa động và tĩnh, giữa mềm mại và rắn rỏi, giữa kiên định và linh hoạt v.v.. Trong lời bình, nhà văn Nguyên Ngọc đã thể hiện xuyên suốt ý tưởng đó.
Bộ phim “Vịnh Hạ Long - Di sản thiên nhiên kỳ thú” là phim thứ 3 tôi và anh Nguyên Ngọc cùng làm với nhau. Việc biến chữ nghĩa văn học ra điện ảnh để khán giả vừa nghe, vừa xem, vừa nhìn thấy được là việc bắt buộc đạo diễn chúng tôi phải làm cho được. Nếu không thì cần gì đến đạo diễn nữa (cười). Tôi quan niệm là miễn sao chuyển tải tốt nhất ý tưởng văn học của nhà văn, giúp độc giả thấy được hồn cốt mà tác giả đã gửi gắm vào đó, còn phương tiện nghệ thuật thì không nên ràng buộc vào bất cứ điều gì. Đơn giản thế này nhé: Phim tài liệu tôi vẫn dùng diễn viên, còn phim truyện tôi vẫn cứ dùng tư liệu. Chuyện đấy hoàn toàn bình thường. Phong cách phim mới là quan trọng. Và phong cách phim có giá trị còn cao hơn thể loại.
 |
Đoàn làm phim nghe cụ Mai Hữu Phần kể lại chuyện Bác Hồ về thăm mỏ Đèo Nai năm 1959. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
- Nghĩa là trên cơ sở những thể loại đã có, mình phải sáng tạo thêm để cuốn hút người xem, thưa ông?
+ Đúng thế. Với một nội dung cụ thể nào đó, khi tư liệu, hình ảnh không nói hết được thì chúng tôi dùng diễn viên để chuyển tải. Điều đặc biệt khi chúng tôi quay ở Vịnh Hạ Long là dùng diễn viên chuyên nghiệp, diễn viên nghiệp dư, thậm chí dùng cả biên tập viên của đài truyền hình đi cùng để làm phim. Bởi thế, phim tài liệu nghệ thuật nó dài hơn một bộ phim tài liệu thông thường. Tuy dài nhưng không gây nhàm chán cho khán giả.
Thực tế thì có những liên hoan phim bây giờ người ta chỉ chia ra là phim dài và phim ngắn chứ không chia thể loại. Ở đó có khi một bộ phim lại có sự pha trộn giữa nhiều thể loại với nhau. Có những phim tài liệu dài dằng dặc, có phim truyện lại rất ngắn. Chưa kể đến rất nhiều phong cách làm phim khác nhau. Mà trong nghệ thuật thì phải sáng tạo chứ không thể dập khuôn máy móc theo cái gì có sẵn.
Bộ phim của tôi về Vịnh Hạ Long đã không đi theo đường mòn nào cả. Tôi rất mừng là sau 20 năm rồi, phim vẫn được xem, vẫn được dịch ra nhiều thứ tiếng để bán cho du khách làm quà lưu niệm. Điều đó khẳng định sức sống của bộ phim này.
 |
Đạo diễn Lê Đức Tiến lấy tư liệu thực tế để làm phim. Ảnh: Thảo Ngọc (CTV) |
- Được biết, ông đang trở lại Quảng Ninh với một dự án phim mới, thưa đạo diễn?
+ Tôi đang thực hiện một bộ phim truyện về ngành Than về những công nhân mỏ. Tôi tạm đặt là “Bản tình ca Đất mỏ”. Tôi muốn tái hiện lịch sử ngành Than, những sự kiện lớn bằng những câu chuyện của con người cụ thể. Đây là lần đầu tôi tiếp xúc với ngành Than, làm phim về những người thợ mỏ nên rất muốn gửi gắm nhiều ý tưởng, tâm huyết của mình vào đó. Chúng tôi cũng vừa hoàn thành quá trình đi thực tế mỏ than tìm ý tưởng kịch bản... Khi chúng tôi đến Đèo Nai, tôi nhớ ca khúc rất hay của nhạc sĩ Trần Quý mang tên “Trên mỏ Đèo Nai em hát”, viết năm 1963. Bài hát có đoạn: “Xung quanh em tầng than đen/ Đẹp óng ánh như muôn đôi mắt đen huyền/ Năm xưa em nhìn anh ơi/ Gửi tới anh bao tình không nói lên lời...”.
- Thưa ông, như cái tên ông tạm đặt thì bộ phim tới đây sẽ là câu chuyện của tình yêu?
+ Có chứ, tình yêu sẽ xuyên suốt các tập phim. Tình yêu mảnh đất con người Vùng mỏ, tình yêu nam nữ. Và còn có cả những bài ca hào hùng về những người thợ mỏ. Những người thợ mỏ năm xưa trên “Đất mỏ quê ta”, người thợ với dáng vóc “Trên đỉnh Đèo Nai ta hát” v.v.. Và đến thế hệ kế cận hôm nay rồi cả con cháu của họ sau này nữa. Nhiều thế hệ thợ mỏ đến đây, sinh ra, lớn lên ở đây, sống chết với vùng đất này bằng tình yêu sâu nặng. Dự án phim của tôi có cả hình ảnh tư liệu về lãnh tụ, về chiến tranh, những người thợ mỏ lên đường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
- Quay trở lại những dự án phim về du lịch, khán giả cũng rất quan tâm đến loại hình này. Sắp tới ông có dự định gì không, thưa đạo diễn?
+ Chúng tôi còn một dự án khác sắp tới sẽ trình lên tỉnh thông qua là bộ phim về du lịch mang tên là “Nụ cười Hạ Long”. Đây là phim tài liệu nghệ thuật về du lịch. Chúng tôi sẽ đưa vào phim những gì tinh túy nhất của du lịch Quảng Ninh, từ những di sản văn hóa vật thể, phi vật thể; sự thân thiện của con người bản địa đã gắn bó với vùng đất này. Tôi đã xây dựng dự án phim này với 30 tập, mỗi tập dài 20 phút. Đây là một trong những chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; thực hiện quy hoạch du lịch của tỉnh Quảng Ninh, đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Về cách thức thể hiện, tôi vẫn theo cách đã làm về Hạ Long khi phối hợp với nhà văn Nguyên Ngọc. Tôi vẫn dùng diễn viên cho phim tài liệu, dùng các chuyên gia đánh giá, đưa âm nhạc, nghệ thuật vào phim. Đặc biệt, trong bối cảnh công nghệ làm phim hiện đại hiện nay, có thể tận dụng những hiệu ứng kỹ thuật. Để làm được điều này chúng tôi sẽ phải huy động nhiều nhân lực, nhất là những người gắn bó với Quảng Ninh như: Nhà văn Vũ Thảo Ngọc, biên kịch Tất Thọ, biên kịch Bùi Duy Khánh, nghệ sĩ Bắc Việt v.v.. Nói chung là đến với Quảng Ninh, tôi ấp ủ rất nhiều dự định làm phim. Trong thời gian tới, có thể là tôi trực tiếp làm hoặc tổ chức cho anh em đồng nghiệp cùng làm.
- Cảm ơn đạo diễn về cuộc trò chuyện này!
Phạm Học (Thực hiện)
Đạo diễn, NSƯT Lê Đức Tiến có hàng chục bộ phim truyện nhựa, truyện video, tài liệu nhựa, phim ca nhạc, như: "Sóng ở đáy sông", "Đất nước đứng lên", "Sống mãi với Thủ đô", "Thằng Bờm", "Thị trấn yên tĩnh", "Ai chết cho người đẹp", "Nàng Kiều trúng số" v.v..
Trong đó, hai bộ phim hài "Thị trấn yên tĩnh” và "Thằng Bờm" đã giúp ông đoạt giải Đạo diễn xuất sắc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 8. "Thị trấn yên tĩnh" còn được giải A Hội Điện ảnh Việt Nam trao năm 1986, "Thằng Bờm" được trao giải đặc biệt cũng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 8. Hai bộ phim này còn nhiều lần được gửi tham dự các Liên hoan phim quốc tế, khu vực và đặc biệt được khán giả trong nước cũng như nước ngoài yêu thích.
|
Ý kiến (0)