Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 14:38 (GMT +7)
Đào tạo nguồn "nhân lực số" và xây dựng "công dân số"
Thứ 5, 06/01/2022 | 07:34:03 [GMT +7] A A
Phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao luôn được tỉnh Quảng Ninh xác định là một trong 3 đột phá chiến lược, là yếu tố quan trọng, là nền tảng vững chắc để tạo đà cho sự phát triển bền vững. Đặc biệt, trong tiến trình chuyển đổi số mà tỉnh đang bắt tay vào thực hiện, xây dựng nguồn “nhân lực số” và “công dân số” đáp ứng được yêu cầu của việc sáng tạo, quản trị, vận hành và khai thác hiệu quả các nền tảng số của tỉnh càng là yêu cầu được đặt ra cấp thiết.
Từ năm 2014, tỉnh đã ban hành và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 15-NQ/TU (ngày 9/6/2014) về Đẩy mạnh cải cách hành chính và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tỉnh Quảng Ninh; UBND tỉnh cũng đã ban hành Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đến năm 2015, tỉnh cũng đã tập trung triển khai Đề án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng và phát triển toàn diện nguồn nhân lực tỉnh đến năm 2020 với phạm vi, quy mô toàn tỉnh.
Với sự vào cuộc hiệu quả, cùng các giải pháp quyết liệt, thực tế trong đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, những năm gần đây, chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, rõ nét, tỷ trọng lao động các khu vực kinh tế có sự chuyển dịch đúng hướng.
Đến nay, quy mô nguồn nhân lực của tỉnh có gần 800.000 người, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 85%, trong đó lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 45,5%, thuộc nhóm dẫn đầu cả nước. Cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực theo đúng định hướng chuyển đổi mô hình tăng trưởng, đó là: Khu vực nông nghiệp 23,8%; công nghiệp, xây dựng 31%; dịch vụ 45,2%...
Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã xác định, trong nhiệm kỳ 2020-2025 phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với tăng nhanh quy mô và nâng cao chất lượng dân số là một trong 3 khâu đột phá chiến lược, coi đây là yếu tố quan trọng, là nền tảng vững chắc để tạo đà cho sự phát triển bền vững của tỉnh trong giai đoạn mới. Trong đó, gắn với một trong những nội dung công tác trọng tâm trong giai đoạn mới là chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh xác định việc xây dựng nguồn “nhân lực số” sẽ là một nhiệm vụ trọng yếu.
Đề án Chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% CBCCVC trong các cơ quan hành chính nhà nước sử dụng thành thạo các ứng dụng của chính quyền số; trên 60% dân số có tài khoản thanh toán điện tử và sử dụng thành thạo các dịch vụ đô thị thông minh; 100% người dân có định danh số… Đến năm 2030, 100% CBCCVC cấp huyện, xã xử lý công việc trên nền tảng số; tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử và sử dụng các dịch vụ số đạt trên 90%...
Để đạt được những mục tiêu trên, tỉnh đã và đang lên kế hoạch tổng thể cho việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng công nghệ cho CBCCVC, người dân và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về CNTT để phục vụ tiến trình chuyển đổi số. Trong đó, trọng tâm đổi mới và hiện đại hóa các cơ sở giáo dục để đào tạo nguồn “nhân lực số” ngay từ trên ghế nhà trường; gắn chặt với việc đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng kiến thức và phát triển kỹ năng số trong các cơ quan nhà nước và trong khu vực tư nhân. Đồng thời, nhanh chóng nghiên cứu, tham mưu, ban hành và triển khai thực thi các cơ chế, chính sách tìm kiếm, thu hút và trọng dụng nhân tài trong lĩnh vực CNTT làm việc cho tỉnh.
Hiện tỉnh đang tích cực phối hợp với Học viện Chính sách và Phát triển (Bộ KH&ĐT) xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, kinh phí dự kiến hơn 1.100 tỷ đồng, thực hiện trong giai đoạn 2021-2025. Theo đó, sẽ tập trung vào việc phân tích thực trạng nguồn nhân lực của tỉnh, học hỏi kinh nghiệm của các địa phương có cùng đặc điểm KT-XH và phát triển, đề án sẽ đề xuất các nhóm giải pháp nhằm phát triển nguồn nhân lực của tỉnh về cơ chế chính sách, nâng cao năng lực cơ sở đào tạo, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu nhân lực...
Cùng với đó, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh đã chủ trì, phối hợp với Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, nâng cao kỹ năng cho đội ngũ cán bộ quản lý CNTT, điện tử, bưu chính, viễn thông của tỉnh; liên kết đào tạo, tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn, đào tạo bồi dưỡng trong lĩnh vực CNTT, điện tử, viễn thông, kinh tế và quản lý. Đồng thời, nhiều giải pháp nghiên cứu khoa học của Học viện Bưu chính Viễn thông trong một số lĩnh vực trọng yếu như: Chính quyền số, thành phố thông minh, giao thông thông minh, nông nghiệp thông minh, du lịch thông minh, giáo dục thông minh... cũng đang từng bước được chuyển giao, ứng dụng triển khai vào thực tế hoạt động của các sở, ngành, đơn vị của tỉnh.
Xác định tiến trình chuyển đổi số sẽ luôn lấy người dân làm trung tâm, là đối tượng thụ hưởng chính, tỉnh cũng đặt ra yêu cầu sẽ phải xây dựng được đội ngũ “công dân số” với việc phấn đấu toàn bộ người dân có điện thoại thông minh; đảm bảo các hộ gia đình trên địa bàn tỉnh được gắn mã địa chỉ bưu chính (Vpostcode); triển khai hiệu quả ứng dụng Công dân số trên nền tảng thiết bị di động và cung cấp các dịch vụ đô thị thông minh phục vụ người dân doanh nghiệp, tập trung vào các lĩnh vực môi trường, đô thị, xây dựng, chiếu sáng, giáo dục, y tế, giao thông… tích hợp trên ứng dụng Công dân số…
Trong thời gian tới, tỉnh sẽ có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng, cung cấp các dịch vụ số; tổ chức tập huấn, đào tạo cho người dân các kỹ năng số để khai thác các tiện ích, làm chủ các thiết bị số gắn với việc đảm bảo an toàn, an ninh mạng và thực hiện văn hóa số. Tỉnh cũng sẽ nghiên cứu, xây dựng bộ tiêu chí về văn hóa số của người Quảng Ninh văn minh, lịch sự trên môi trường số song song với tiến trình chuyển đổi số của tỉnh…
Minh Hà
- Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh: Phát huy tối đa nguồn lực phục vụ chuyển đổi số toàn diện
- Bộ tiêu chí đánh giá chuyển đổi số giáo dục phải hướng tới lợi ích người học
- Nghe báo cáo hoàn thiện kế hoạch chuyển đổi số toàn diện Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025
- Sẵn sàng cho tiến trình chuyển đổi số
- Từng bước hình thành nền kinh tế số
- Quảng Ninh - Viettel ký kết thỏa thuận hợp tác triển khai chuyển đổi số
- Chuyển đổi số ở CDC Quảng Ninh
- FPT đóng góp kiến nghị đẩy mạnh chuyển đổi số lĩnh vực hạ tầng và nông nghiệp tại Industry 4.0 Summit
- Việt Nam và Anh tăng cường hợp tác kinh tế số và chuyển đổi số
- Quảng Ninh đứng thứ 4 bảng xếp hạng chuyển đổi số năm 2020
Liên kết website
Ý kiến ()