Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 13/11/2024 08:11 (GMT +7)
Dấu ấn xuất khẩu nông, lâm, thủy sản
Thứ 5, 28/12/2023 | 10:30:50 [GMT +7] A A
Năm 2023, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản một lần nữa ghi dấu ấn đậm nét trong bức tranh chung của toàn ngành nông nghiệp Việt Nam, dự kiến đạt hơn 53 tỷ USD. Trong bối cảnh mới hiện nay với những biến động của thị trường thế giới, biến chuyển của thị hiếu tiêu dùng cộng với biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, khó lường. Thành quả này cho thấy nền nông nghiệp Việt Nam đang có sự chuyển hướng mạnh mẽ từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế, chinh phục người tiêu dùng trên toàn cầu.
Theo Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật (Văn phòng SPS Việt Nam), các mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam đang đáp ứng ngày càng tốt các quy định quốc tế về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật. Minh chứng rõ nhất là trong khi hằng tháng Văn phòng SPS Việt Nam nhận được khoảng 100 thông báo, dự thảo về thay đổi các biện pháp SPS từ các nước, thì nông sản Việt Nam vẫn chủ động thích ứng, tự tin vươn ra thế giới.
Nhiều ngành hàng đạt kim ngạch kỷ lục
Tính chung 11 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cả nước đạt 47,84 tỷ USD. Có 6 sản phẩm/nhóm sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu hơn 3 tỷ USD, là: Gạo, rau quả, cà-phê, hạt điều, tôm, gỗ và sản phẩm gỗ. Giá xuất khẩu bình quân một số nông sản chính tăng khá như: gạo tăng 17,3%, chè tăng 8,7%, cà-phê tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong các mặt hàng nông sản, điểm sáng đáng chú ý là rau quả và gạo với kim ngạch xuất khẩu đạt mức cao kỷ lục. Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên cho biết: Hết tháng 11/2023, xuất khẩu rau quả đạt khoảng 5,3 tỷ USD, tăng 74,5% so với cùng kỳ năm 2022, vượt xa con số 3,36 tỷ USD của cả năm 2022. Tính riêng 10 tháng năm 2023, dẫn đầu về trị giá xuất khẩu là quả sầu riêng đạt 2,07 tỷ USD, tăng 606,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Không chỉ quả tươi, nhóm sản phẩm chế biến cũng tăng 18% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 996,5 triệu USD. Trong đó, trị giá xuất khẩu nhiều sản phẩm trái cây, rau củ chế biến ghi nhận mức tăng trưởng cao, gồm sản phẩm chế biến từ chanh leo, hạt dẻ cười, xoài, hạnh nhân. Đây là một tín hiệu tốt trong sự phát triển của ngành hàng rau quả theo hướng tập trung chế biến sâu để thích ứng nhu cầu tiêu dùng mới và nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm. Dự kiến cả năm 2023, xuất khẩu rau quả sẽ đạt khoảng 5,5 tỷ USD. Đây là mức cao kỷ lục của ngành hàng này, mở ra những cơ hội chưa từng có cho sự tăng trưởng mạnh mẽ thời gian tới.
Năm 2023 ngành lúa gạo Việt Nam cũng thắng lớn khi sản lượng gạo xuất khẩu ước đạt mức kỷ lục 8 triệu tấn, trị giá hơn 4,5 tỷ USD - mức cao nhất từ trước đến nay. Nhìn lại có thể thấy, từ cuối tháng 7/2023, khi Ấn Độ ra thông báo về việc cấm xuất khẩu tất cả các loại gạo trắng thường (phi Basmati) thì thị trường gạo thế giới liên tục “nóng” lên từng ngày. Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cũng liên tục lập đỉnh, lên mức hơn 650 USD/tấn và nhiều thời điểm giữ mức cao nhất thế giới, vượt qua cả Thái Lan.
Trong bối cảnh nguồn cung thị trường thiếu hụt, giá tăng cao, Việt Nam một mặt đẩy mạnh xuất khẩu, mặt khác duy trì sản xuất trong nước để giữ ổn định an ninh lương thực quốc gia, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc tế. Không chỉ đạt thành quả về sản lượng và giá bán, gạo Việt Nam còn khẳng định tên tuổi và chất lượng khi đoạt giải nhất tại Hội thi gạo ngon nhất thế giới lần thứ 15 do The Rice Trader tổ chức, trong khuôn khổ Hội nghị thương mại lúa gạo toàn cầu diễn ra tại Cebu, Philippines cuối tháng 11/2023. Theo đó, Việt Nam có 6 loại gạo tham dự của 3 doanh nghiệp, gồm: Gạo Lộc Trời 28 và Nàng Hoa 9 của Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời; gạo TBR39-1 và nếp A Sào của Công ty cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed; gạo ST 24, ST 25 của doanh nghiệp Hồ Quang Trí.
Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời Huỳnh Văn Thòn chia sẻ: Chúng tôi rất vinh dự và tự hào được đóng góp vào chiến thắng của gạo Việt Nam bằng hai giống lúa đặc biệt - Lộc Trời 28 và Nàng Hoa 9. Cùng với chiến thắng này, chúng ta có thêm tự hào và tự tin về tầm vóc của lúa gạo Việt Nam trên thương trường quốc tế.
Với hệ sinh thái nông nghiệp ngày càng hoàn thiện và chuỗi giá trị lúa gạo từ hạt giống đến hạt gạo của mình, Lộc Trời càng thêm quyết tâm gắn bó cùng người nông dân, mở rộng liên kết sản xuất, tham gia tích cực vào Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Bên cạnh hai mặt hàng có mức tăng trưởng đáng mơ ước là rau quả và gạo, thì các ngành hàng như cà-phê, tôm, gỗ và sản phẩm gỗ cũng nỗ lực về đích khi nằm trong nhóm có kim ngạch hơn 3 tỷ USD. Trong điều kiện biến động về kinh tế-chính trị, lạm phát gia tăng tại nhiều quốc gia trên thế giới ảnh hưởng đến người tiêu dùng thì việc duy trì kim ngạch xuất khẩu ổn định là điểm đáng ghi nhận đối với các ngành hàng này.
Chiến lược mới cho bước tăng trưởng mới
Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, năm 2023 là một năm rất khó khăn trong xuất khẩu nhưng toàn ngành nông nghiệp vẫn quyết tâm tận dụng cơ hội, tập trung nguồn lực hoàn thành mục tiêu kế hoạch cả năm đã đề ra là tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3-3,5%; kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 54 tỷ USD. Với lợi thế từ ngành rau quả, lúa gạo và sự ổn định trở lại trong xuất khẩu lâm sản, thủy sản, ngành nông nghiệp đang trên đường cán đích thành công.
Từ những kết quả đạt được của năm 2023, ngành nông nghiệp đang hướng tới những mục tiêu mới cho năm 2024. Đây sẽ là năm được dự báo còn nhiều khó khăn và thách thức hơn nữa cho các ngành hàng nông nghiệp, là một năm quan trọng để các ngành hàng bảo vệ thành quả, chứng minh tính phát triển bền vững. Đồng thời thực thi những kế hoạch mới phù hợp với yêu cầu, đòi hỏi của thị trường thế giới khi người tiêu dùng không chỉ quan tâm đến chất lượng sản phẩm mà còn chú trọng đến bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới sản xuất và tăng trưởng xanh.
Đối với ngành hàng lúa gạo, nguồn cung cho xuất khẩu gạo năm 2024 cần được tính toán sớm khi mà năm 2023 đã xuất khẩu tới 8 triệu tấn gạo cho nên dự báo nguồn gạo dự trữ không còn lớn. Mặt khác, nhiều quốc gia cũng đẩy mạnh nhập khẩu các sản phẩm gạo chất lượng cao, đòi hỏi Việt Nam phải cải thiện hơn nữa chuỗi sản xuất-thu hoạch-chế biến. Song song đó là thúc đẩy nhanh chóng tiến trình thực hiện mục tiêu trồng lúa phát thải thấp.
Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Trồng trọt cho rằng: Nhu cầu nhập khẩu gạo thế giới vẫn còn tiếp tục tăng trong thời gian tới (với mức tăng bình quân 1,5%/năm). Việt Nam đang đứng trước cơ hội mở rộng thị trường lúa gạo khi tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do với các nước và khu vực trên thế giới. Bên cạnh đó, đầu tư của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân vào lĩnh vực này cũng theo xu hướng ngày càng tăng cùng với sự phát triển của khoa học-công nghệ về giống, kỹ thuật canh tác, bảo quản, chế biến sẽ là lực đẩy để phát triển sản xuất lúa gạo.
Riêng đối với việc triển khai trồng lúa phát thải thấp thì cần huy động nguồn lực, hỗ trợ kỹ thuật và tài chính từ các quỹ tài chính các-bon, các quỹ hỗ trợ trên thế giới; tiếp cận các nguồn hỗ trợ kỹ thuật và tài chính không hoàn lại từ nguồn tài chính Chuyển đổi tài sản các-bon (TCAF) của Ngân hàng Thế giới để hỗ trợ xây dựng hệ thống Đo đạc-Báo cáo-Thẩm định (MRV); hướng tới thị trường tín chỉ các-bon trong và ngoài nước để tăng thu nhập cho nông dân và nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm lúa gạo.
Trong khi đó, các ngành hàng cà-phê, cao-su, gỗ và sản phẩm gỗ đã trải qua một năm đầy gian nan để giữ ổn định nhịp độ xuất khẩu, thì năm 2024 cũng tiếp tục phải đối mặt với thách thức từ quy định mới của EU liên quan đến phá rừng và suy thoái rừng. Cụ thể, ngày 16/5/2023, Nghị viện châu Âu đã thông qua Quy định Chống phá rừng châu Âu (EUDR). Theo EUDR, những mặt hàng nông sản có quy trình sản xuất trên đất có nguồn gốc từ phá rừng và gây suy thoái rừng kể từ sau ngày 31/12/2020 sẽ bị cấm nhập khẩu. Chính vì vậy, theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam thì giải pháp trọng tâm nhất trong năm 2024 là phải tạo ra hình ảnh ngành gỗ Việt Nam phát triển bền vững, dựa trên yếu tố cơ bản là sử dụng gỗ có chứng chỉ và sản phẩm giảm phát thải.
Hay như mặt hàng cà-phê, việc tuân thủ quy định chống phá rừng cũng trở thành yêu cầu “sống còn” vì hiện nay châu Âu chính là khu vực thị trường nhập khẩu cà-phê hàng đầu thế giới. Nếu đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm chất lượng cao, chế biến sâu, bảo vệ môi trường vào thị trường này thì tốc độ tăng trưởng của ngành cà-phê sẽ ấn tượng hơn rất nhiều.
Có thể thấy, trải qua rất nhiều biến động về cả kinh tế-xã hội, thị hiếu, nhu cầu..., tiêu dùng xanh đang dần trở thành xu thế trên thế giới. Theo đó, các biện pháp phi thuế quan đối với nông sản gồm các rào cản kỹ thuật với thương mại (TBT) và các biện pháp kiểm dịch động thực vật (SPS) từ các nước nhập khẩu sẽ được dựng lên ngày càng nhiều.
Vì vậy, để nâng cao hơn nữa kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản thời gian tới thì ngành nông nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng bắt kịp và tạo ra các sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường trên cơ sở phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn gắn với các yếu tố minh bạch, trách nhiệm và bền vững.
Theo nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()