Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 29/11/2024 17:29 (GMT +7)
Đâu còn là chuyện đời tư
Thứ 7, 18/10/2014 | 05:18:46 [GMT +7] A A
Vụ việc một nữ Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch TP Hải Phòng thừa nhận là người trong cuộc vụ ẩu đả trước phòng lễ tân khách sạn đang xôn xao dư luận.
Trả lời phỏng vấn báo chí về trách nhiệm của cơ quan trước vụ việc mà công luận đề cập nói trên, vị Chánh Văn phòng Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch TP Hải Phòng cho rằng: “Vụ việc này không phải là chuyên môn nghiệp vụ của ngành, của cơ quan nên chúng tôi cũng không nắm bắt, không để ý để thu thập”. “Theo quy định của pháp luật, khi mà trách nhiệm cá nhân đến đâu chịu trách nhiệm trước pháp luật đến đấy. Còn ngành chỉ quản lý cán bộ liên quan đến công việc được giao thì lúc đó Sở mới tìm hiểu và xử lý, còn đã ra ngoài đời tư thì Sở không thể quan tâm được hết”.
Vụ việc liên quan đến nữ Phó Giám đốc Sở có là chuyện đời tư như phát ngôn của Chánh Văn phòng? Công luận có quá “ép” một công chức nhà nước, khi ngoài giờ làm việc hành chính phải gương mẫu ứng xử chuẩn mực theo pháp luật?
Người dân luôn kỳ vọng vào sự gương mẫu chấp hành pháp luật của cán bộ đảng viên, công chức, viên chức. Hơn ai hết, cán bộ đảng viên, công chức, viên chức cũng phải ý thức được vai trò tiền phong, gương mẫu của mình. Một người dân bình thường khi nhận được lệnh huy động chữa cháy mà không chấp hành cũng là phạm luật, chứ chưa nói tới công chức là phải hiểu luật và gương mẫu chấp hành.
Các văn nghệ sĩ là người của công chúng thì phải chịu sự đánh giá của công chúng. Các công chức là người của nhà nước thì cũng phải chịu sự giám sát, đánh giá của nhân dân về vai trò, trách nhiệm của mình là điều đương nhiên. Việc đánh giá này không chỉ ở trong công sở với giờ làm việc hành chính mà ở mọi lúc, mọi nơi.
Những gì liên quan đến trách nhiệm gương mẫu của cán bộ đảng viên, công chức, viên chức thì không là chuyện đời tư nữa.
Sự giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cùng báo chí đã thể hiện uy lực “tai mắt của nhân dân” trước những hành vi sai trái. Uy lực lớn nhất là buộc đối tượng có hành vi sai trái phải tâm phục, khẩu phục cùng cảnh tỉnh cho mọi người.
Công luận hiện cũng đang “nóng” về vụ việc Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh có hành vi lỗ mãng, cản trở báo chí tác nghiệp đang bị đình chỉ công tác. Qua vụ việc này chúng ta hình dung sinh động về sự thiếu chuẩn mực, gia trưởng của một số cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo. Sau vụ việc được báo chí phản ánh, chính vị giám đốc này cũng đã giãi bày: “Để xảy ra vụ việc, tôi rất buồn và ân hận”. “Đáng lẽ chúng tôi đã nhận được bằng khen vì việc này, tuy nhiên chỉ vì một phút mất bình tĩnh, không kiềm chế được bản thân mà tôi đã đánh mất tất cả”.
Qua những vụ việc trên, các cán bộ, công chức, viên chức cũng thấy rõ hơn vai trò, trách nhiệm của mình trước nhân dân để tận tụy, gương mẫu chấp hành pháp luật, thực thi tốt công vụ. Việc giám sát và phản biện xã hội đã có quy chế và dần được luật hoá không để lọt những hành vi sai trái mà không được phát hiện và xử lý.
Xin nhắc lại, những gì liên quan đến trách nhiệm gương mẫu của cán bộ đảng viên, công chức, viên chức thì không là chuyện đời tư nữa. Hơn ai hết, cán bộ, công chức, viên chức cần thấy rõ sứ mệnh tiền phong, gương mẫu của mình trong công tác cũng như trong cuộc sống.
Nguyên Đan
[links()]
Liên kết website
Ý kiến ()